Đưa Hoạt Động Nuôi Chim Yến Vào Khuôn Khổ
Kinh nghiệm các nước trong khu vực, địa phương có cơ sở nuôi chim yến và các doanh nghiệp cho thấy cần thiết có quy hoạch để phát triển bền vững đồng thời đảm bảo an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh.
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo lấy ý kiến các địa phương về dự thảo Thông tư quy định tạm thời về điều kiện nuôi chim yến do Bộ NNPTNT tổ chức, ngày 21/5, tại TP. Hồ Chí Minh. Bản dự thảo Thông tư này đã được chỉnh sửa lần thứ 7.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, hiện cả nước có 18 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở khu vực phía Nam, đã tổ chức dẫn dụ và khai thác chim yến với khoảng 700 cơ sở của 1.500 nhà nuôi. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản nào quy định điều kiện dẫn dụ và khai thác chim yến, cũng như chưa có tỉnh, thành phố nào lập quy hoạch vùng nuôi chim yến. Chính vì vậy, Thông tư ra đời sẽ giúp nghề nuôi chim yến đảm bảo an toàn sinh học, nhất là sau khi xảy ra dịch bệnh trên đàn chim yến tại tỉnh Ninh Thuận vừa qua.
Dự thảo Thông tư bao gồm 4 chương và 9 điều, trong đó quy định Chủ cơ sở dẫn dụ và khai thác chim yến phải khai báo với UBND xã, phường, tuân thủ điều kiện sử dụng âm thanh dùng để dẫn dụ chim yến, vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh.
Bên cạnh đó nhà dẫn dụ và khai thác chim yến phải có kết cấu chắc chắn, an toàn cho người, phù hợp với cảnh quan và môi trường xung quanh; phải tách biệt tối thiểu bằng tường cứng với nơi ở của người. Tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở mới để dẫn dụ và khai thác chim yến phải phù hợp với quy hoạch hoặc được sự chấp thuận của UBND tỉnh; khuyến khích xây dựng cách xa khu dân cư, bệnh viện, trường học và chợ.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy hoạch vùng nuôi là hết sức cần thiết nhằm tránh gây tiếng ồn, ảnh hưởng môi trường sống xung quanh cũng như để đảm bảo tình hình an toàn dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe người dân.
Ông Phạm Đông Đức, Phó Phòng Kinh tế UBND huyện Cần Giờ, huyện tập trung nhiều hộ nuôi chim yến tại TPHCM, cho biết hiện tại chưa có quy định về nghề nuôi chim yến. Huyện Cần Giờ không cấp phép xây dựng nhà nuôi chim yến, trước đây các hộ muốn nuôi thường xin phép chuyển đổi công năng nhà ở để làm nhà nuôi chim yến, nhưng cho đến nay vẫn chưa có quy định xử lý. Việc ban hành Thông tư của Bộ NNPTNN là hết sức cần thiết hiện nay, giúp địa có cơ sở pháp lý để xử lý, quản lý và đưa nghề nuôi chim yến vào quy hoạch phát triển chung của địa phương.
Đối những cơ sở nuôi chim yến cũ trước khi Thông tư có hiệu lực, để không làm thiệt hại kinh tế cho người dân, cơ sở nuôi chỉ cần hoàn thiện điều kiện của nhà nuôi chim yến, điều kiện phòng chống dịch bệnh, đăng ký với chính quyền sở tại để có cơ sở phối hợp kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, đảm bảo phát triển bền vững. Những cơ sở mới đầu tư thì phải đáp ứng những điều kiện về quy hoạch, đăng ký, kiểm soát theo quy định mới.
Related news
Sau một thời gian tuột dốc, gần đây hành tím đã tăng giá trở lại, nông dân trồng hành đang mong có vụ mùa bội thu. Tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng - nơi có diện tích trồng hành tím lớn nhất ĐBSCL, giá hành tím thương phẩm thương lái thu mua đang ở mức 15.000 đồng/kg
Tuy không phải là “đại gia” về nhiều đất, nhiều mía nhưng thương lái buôn mía ở thị trấn Cao Phong (Cao Phong - Hòa Bình) đều biết đến tiếng ông Lê Thanh Tân ở khu 7. Tiếng của ông không phải đất rộng, nhiều mía mà là lúc nào vườn mía của ông đứng đầu bởi cây mía to, đều, màu đẹp.
Phước Trung là xã vùng cao thuộc huyện Bác Ái (Ninh Thuận). Toàn xã có 542 hộ, với 2.408 khẩu, sinh sống ở 4 thôn: Đồng Dày, Rã Trên, Rã Giữa và Tham Dú, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Để tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất, Nhà nước đã đầu tư xây dựng trên địa bàn một số công trình thủy lợi, tiêu biểu như: Hồ chứa nước Phước Trung, đập Ô Căm.