Giá / Mô hình kinh tế

Đồng Muối Thảm

Đồng Muối Thảm
Tác giả: 
Ngày đăng: 02/03/2012

Điệp khúc mất mùa

Sau những ngày trái mùa mưa dầm dề cuối tháng 2 do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, chúng tôi về phường Ninh Diêm, địa phương có diện tích muối lớn nhất thị xã Ninh Hoà. Gặp lại Chủ nhiệm HTX muối 1/5 Trương Công Hiến, mặt ông ỉu xìu: Đấy, anh nhìn xem, đồng muối mênh mông toàn nước, đã thu được hạt muối nào đâu, tiền của công sức diêm dân hai tháng vất vả nay trôi theo nước mưa ra biển cả. HTX muối 1/5 có diện tích 102ha, giải quyết công ăn việc làm cho 500 xã viên, hàng năm vụ sản xuất muối mới bắt đầu từ đầu tháng 1, năm nay cũng vậy, toàn bộ xã viên của HTX đã ra quân ngay từ đầu năm tu sửa đồng ruộng, đắp bờ bao, làm lại nền tổng cộng đã đầu tư chi phí hết trên 300 triệu đồng.

Mở cuốn sổ, ông Hiến cho biết: Những năm trước đây, thời điểm này HTX đã thu hoạch được 500 – 1.000 tấn muối. Riêng vụ này từ đầu năm đến giờ đã có tổng cộng 14 ngày mưa, trong đó có 3 trận mưa vừa, 2 trận mưa lớn. Trong khi đó từ ngày đưa nước biển vào ruộng đến khi ra được hạt muối mất khoảng 20 ngày, trong đó 15 ngày nước biển đưa vào ô giang phơi cho đủ độ mặn, sau đó mới đưa vào ô kết tinh. Trong thời gian này yêu cầu phải có nắng liên tục, nếu gặp mưa thì coi như công cốc, phải làm lại từ đầu từ tu sửa đồng ruộng đến công đoạn làm mặn nước biển. Theo ông Hiến, kế hoạch sản xuất 9.000 tấn muối của HTX xem ra rất khó hoàn thành bởi 2 tháng đầu năm gặp mưa không sản xuất được, còn thời tiết thuận lợi thì phải đến giữa tháng 3 mới có muối thu hoạch..

Tại cánh đồng muối thôn Ninh Thọ 3, phường Ninh Diêm cả cánh đồng rộng mênh mông những ngày này chỉ toàn nước mưa ngập cả bờ bao. Bác Nguyễn Cỏn, đang tháo nước mưa từ ô ruộng muối ra kênh tiêu thoát cho biết: Khổ, cuộc sống cả gia đình 4 người chỉ trông vào đồng muối 2,6ha nhận khoán của HTX. Từ đầu năm đến nay tôi sửa đi sửa lại mất 3-4 lần rồi mà vẫn chưa thu được hạt muối nào. Cứ làm xong được vài ngày lại gặp mưa, nước biển chuẩn bị cho vào ô kết tinh gặp mưa cũng bị hỏng đành phải làm lại từ đầu, bao công sức từ đầu năm đến nay hỏng cả. Vòng sang phường Ninh Thuỷ, anh Nguyễn Xuân Phương, thôn Phú Thạnh cùng 5 người đang làm nền ruộng muối ô kết tinh, anh cho biết: Cực quá anh ạ, làm quần quật từ tết đến nay mà chưa có sản phẩm, cứ sửa xong đồng ruộng lại gặp mưa.

6 tháng làm chẳng bằng 10 công

Chưa bao giờ diêm dân làm muối ở Ninh Hoà lại nhắc nhiều khái niệm biến đổi khí hậu như bây giờ, bởi những năm trước kia từ cuối tháng 12 khi bước vào mùa khô rất hiếm khi xuất hiện những đợt mưa lớn trái mùa, nhưng 3 năm trở lại đây, mưa xuất hiện liên tục kể cả trong mùa khô, mưa nhiều khiến cho nghề làm muối liên tục thất bại. Ông Trương Công Hiến cho biết: Với diện tích hiện tại của HTX, hàng năm chúng tôi đưa ra kế hoạch sản xuất 9.000 tấn muối thế nhưng năm 2009 sản lượng chỉ đạt 1.500 tấn, năm 2010 đạt 6.100 tấn, đến năm 2011 sản lượng tụt giảm xuống lại còn 2.100 tấn.

Sản lượng muối đạt thấp còn giá muối sụt giảm thê thảm khiến cho thu nhập người làm muối quá thấp. Ngay thu nhập của Ban quản trị HTX bình quân năm 2009 đạt 841.000 đồng/người/tháng (năm giá muối cao) đến năm 2010 thu nhập đạt 1.185.000 đồng/tháng thì đến năm 2011 thu nhập chỉ còn 506.000 đồng/người/tháng. Theo ông Hiến, lương của Ban quan trị thấp là vậy, nhưng thu nhập của xã viên chỉ bằng một nửa chúng tôi, tức là năm 2011 thu nhập bình quân chỉ được khoảng 250.000 đồng/người/tháng.

Theo tính toán của anh Nguyễn Xuân Phương: Đội sản xuất muối của anh gồm 22 người được HTX muối Ninh Thuỷ giao cho 2ha sản xuất. Trong năm 2011, toàn đội sản xuất được 70 tấn muối, nộp lại cho HTX 28% sản lượng, số muối còn lại 50 tấn, giá bán 600.000 đồng/tấn muối, chia đều cho 22 người. Như vậy, trong 6 tháng làm muối, các thành viên trong tổ sản xuất của anh Phương mỗi người có khoản thu nhập 1,4 triệu đồng (mọi năm 3 tháng cuối năm nghỉ do mùa mưa nhưng năm 2011 do mưa nhiều phải nghỉ 6 tháng), quả là thê thảm từ hạt muối.

Theo tính toán của anh Phương trong 6 tháng trời lao động vất vả, nhưng thành quả họ được hưởng không bằng 10 ngày công lao động phổ thông hiện nay. Tương tự, bác Nguyễn Cỏn cho biết: Những năm trước đây, nắng đều mỗi năm gia đình tôi thu hoạch được 250 – 300 tấn muối, nhưng từ năm 2009 đến nay mỗi năm chỉ thu hoạch được khoảng 50 tấn muối, nộp sản lượng cho HTX 28%, phần còn lại chúng tôi được hưởng. Như vậy cả gia đình bốn người mỗi tháng cũng chỉ có thu nhập khoảng khoảng 1,5 triệu đồng.

Mặc dù thu nhập thấp nhưng diêm dân ở đây rất ít người bỏ nghề, chuyển nghề mà vẫn gắn bó với hạt muối. Bác Nguyễn Cỏn cho biết: Ngoài làm muối chúng tôi còn biết làm nghề gì, chuyển sang nuôi tôm hay ốc hương thì làm gì có vốn mà cái nghề này rủi ro quá lớn chẳng khác đánh bạc với trời, đi làm thuê thì cũng chỉ mang tính chất thời vụ việc đâu mà làm.

Rời những cánh đồng muối tại Ninh Hoà đã gần trưa, tiếng máy bơm nước mưa từ ruộng muối ra kênh vẫn vang khắp đồng, chúng tôi vẫn văng vẳng những tiếng thở dài từ cái nghề quá vất vả mà thu nhập lại bèo bọt. Nói như ông Hiến: Diêm dân chỉ cầu mong sao thời tiết ổn định để nguời làm muối có sản lượng, giá cả tăng lên cho diêm dân đỡ vất vả.


Có thể bạn quan tâm

Từ Tổ Đội Đến Nghiệp Đoàn Nghề Cá Từ Tổ Đội Đến Nghiệp Đoàn Nghề Cá

Mấy năm gần đây, cụm từ “tổ đội đánh bắt” được bổ sung vào “từ điển” của ngành hải sản. Nó như “cú hích” cho ngành hải sản, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển trong thời khốn khó và đầy bất trắc. Những tổ đội này ban đầu được thành lập ở Đà Nẵng rồi nhân ra Quảng Nam, Quảng Ngãi… và đến nay nhiều địa phương miền Trung áp dụng như một điển hình trong hoạt động đánh bắt xa bờ.

02/03/2012
Cần Cảnh Giác Với “Tôm Sạch Bệnh” Cần Cảnh Giác Với “Tôm Sạch Bệnh”

Con giống sạch bệnh được người nuôi tôm trong tỉnh Cà Mau hướng đến, nhất là ở mô hình nuôi công nghiệp. Tuy nhiên, người nuôi tôm còn chủ quan đối với con giống có thương hiệu sạch bệnh, đã qua kiểm dịch nên dịch bệnh vẫn xảy ra

02/03/2012
Khống Chế Sâu Bệnh Hại Vải Thiều Khống Chế Sâu Bệnh Hại Vải Thiều

Do thời tiết âm u kéo dài, nên sâu bệnh đã “tấn công” những vườn vải thiều đang ra hoa ở Hải Dương.

02/03/2012