Prices / Mô hình kinh tế

Đồng Bằng Sông Cửu Long Nuôi Tôm “Cầm Chừng”

Đồng Bằng Sông Cửu Long Nuôi Tôm “Cầm Chừng”
Author: 
Publish date: Friday. August 2nd, 2013

Tôm đang có giá tốt, nhưng do không tiếp cận được vốn ngân hàng, nông dân các tỉnh ĐBSCL đành thả nuôi “cầm chừng”…

Giá tôm trên thị trường hiện nay tại ở các tỉnh ĐBSCL đang ở mức khá cao. Tôm sú 30 con/kg, giá bán từ 190.000 – 195.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, 85.000 - 90.000 đồng/kg, tăng hơn 10% so với cùng kỳ.

Ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục Trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu, cho biết: Không đủ hàng để bán cho các nhà máy phục vụ chế biến xuất khẩu. "Do người nuôi tôm gặp khó khăn từ vụ thả nuôi năm trước, vụ này chưa hồi phục, thiếu vốn nên thả nuôi "cầm chừng", ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng, mất cân đối cung cầu". Đã sắp kết thúc vụ nuôi tôm đợt 1 của năm 2013, nhưng đến nay diện tích thả nuôi ở các tỉnh trọng điểm vùng ĐBSCL như: Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng vẫn chưa hoàn thành kế hoạch.

Tỉnh Bạc Liêu có diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp 11.913 ha, đã thả nuôi 10.007 ha. Trong đó, tôm sú thả được 7.876 ha, tôm thẻ chân trắng thả được 2.131 ha, mới đạt 84% kế hoạch, trong khi cùng kỳ năm trước ở thời điểm này đã thả nuôi trên 92% kế hoạch. Ông Phạm Hoàng Giang cho biết: "Lịch thời vụ đối với tôm sú chỉ còn gần 10 ngày, riêng tôm thẻ chân trắng đến hết tháng 9-2013".

Tỉnh Sóc Trăng chưa có thống kê chính thức về diện tích tôm nuôi, nhưng ở vùng trọng điểm nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp của huyện Trần Đề, diện tích treo ao do thiếu vốn thả nuôi còn nhiều. Ông Giang Đại Hòa, ấp chợ, xã Trung Bình, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, có 3 ao nuôi, diện tích 1,5 ha, do không vay được vốn từ ngân hàng phải nuôi tôm sú gối đầu, hiện 1 ao tôm sú sắp thu hoạch, 2 ao còn lại mới thả tôm được 2 tháng và 1 tháng. Ông Ca Minh Chí, ngụ cùng ấp, có 8 ao nuôi tôm sú, diện tích 4,5 ha, cũng chỉ dám thả nuôi 4 ao, còn lại phải chờ thu hoạch để quay đồng vốn mới tính chuyện thả tiếp…

Theo các hộ dân ở Sóc Trăng, lý do không tiếp cận được vốn ngân hàng, là từ đầu năm đến nay, Bảo Việt Sóc Trăng không triển khai bán bất cứ hồ sơ bảo hiểm tôm nào cho dân. Trong khi ngân hàng chỉ phát vay nuôi tôm cho những hộ được bảo hiểm. Vốn dành cho phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó có con tôm đang ứ ở ngân hàng, nhưng không thể phát vay cho hộ dân được.

Tại Bạc Liêu, do không mua được bảo hiểm và khó tiếp cận ngân hàng, nên nhóm nuôi tôm liên kết của ông Phạm Trúc Điệp, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, buộc phải "giải nghệ", treo ao từ đầu năm 2013...

Theo thống kê của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, trong 6 tháng năm 2013, toàn hệ thống cho vay nuôi trồng thủy sản 172,409 tỉ đồng, tổng dư nợ nuôi trồng thủy sản đến 31-6-2013 đạt 1.272 tỉ đồng, so với dư nợ ngày 31-12-2012, chỉ tăng 3,83%.

Mức dư nợ đối với nuôi thủy sản ở tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh ĐBSCL cho thấy, người nuôi tiếp tục gặp khó về vốn. Trong khi chủ trương của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất và tăng vốn cho nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản. Tại Hội nghị bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lúa gạo và thủy sản vùng ĐBSCL, tổ chức tại TP Cần Thơ mới đây, trước kiến nghị của lãnh đạo các tỉnh trong vùng, để tháo gỡ khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp, trước mắt phải tạo điều kiện cho người nuôi tiếp cận vốn và mở rộng bảo hiểm cho nuôi trồng thủy sản, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, khẳng định: "Hoạt động nuôi trồng và chế biến nếu có kế hoạch tốt, ngân hàng sẽ đáp ứng đủ vốn để sản xuất phát triển. Trong đó hoạt động bảo hiểm sẽ được đẩy mạnh, những sản phẩm quan trọng, đảm bảo đầu ra sẽ được xem xét cấp bảo lãnh tín dụng…".

Song vấn đề đặt ra là bao giờ các ngân hàng và đơn vị bảo hiểm tại các địa phương trong vùng ĐBSCL thực hiện được như ý kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước? Trong khi dân cứ lo chạy vốn xoay vòng, phải bỏ hoang diện tích trồng thủy sản, dẫn đến cung cầu mất cân đối. Nhiều doanh nghiệp chế biến tôm phải nhập khẩu nguyên liệu, làm cán cân thanh toán ngoại tệ mất cân đối theo, trong khi số đông dân nuôi tôm đành treo ao dài dài.


Related news

Giá Tôm Hùm Giống Và Tôm Hùm Thương Phẩm Giảm Mạnh Giá Tôm Hùm Giống Và Tôm Hùm Thương Phẩm Giảm Mạnh

Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bình Định, cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá tôm hùm giống và tôm hùm thương phẩm giảm mạnh làm cho người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn

Friday. August 2nd, 2013
Làm Giàu Từ Cà Phê, Cao Su Làm Giàu Từ Cà Phê, Cao Su

Năm 1975, trong đoàn quân rời thủ đô vào chiến trường Tây Nguyên có cô quân y Nguyễn Thị Vân vừa tròn 19 tuổi. Chị về quê lập gia đình. Chị bàn với chồng, chọn cách đi lên từ nông nghiệp.

Friday. August 2nd, 2013
Hiệu Quả Của Mô Hình Nuôi Cá Trên Ruộng Lúa Ở Hà Vị Hiệu Quả Của Mô Hình Nuôi Cá Trên Ruộng Lúa Ở Hà Vị

Trong những năm qua, xã Hà Vị (Bạch Thông - Bắc Kạn) đã đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để nông dân tiếp thu, áp dụng vào sản xuất và đời sống. Theo đó năm 2011 - 2012, Trung tâm giống Cây trồng - Vật nuôi tỉnh đã xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm cá – lúa nhằm giúp người dân địa phương thâm canh tăng vụ.

Friday. August 2nd, 2013