Đổi Thay Từ Xây Dựng Nông Thôn Mới
Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới, ý thức của các ngành, các cấp và nhân dân huyện Trần Văn Thời từng bước được nâng lên. Đến nay, có 11/11 xã phê duyệt xong đồ án quy hoạch, có 3 xã đạt trên 5 tiêu chí, 2 xã đạt 4 tiêu chí, số còn lại đều đạt 3 tiêu chí.
Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Trần Văn Thời, đến năm 2015 huyện có 3 xã đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới gồm: Khánh Bình, Khánh Lộc và Trần Hợi.
Trong đó, xã Trần Hợi được Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Cà Mau chọn làm xã chỉ đạo điểm của tỉnh, còn lại 2 xã Khánh Bình và Khánh Lộc được Ban Chỉ đạo huyện chọn làm xã chỉ đạo điểm của huyện, nên đến nay các xã này có số tiêu chí đạt khá cao.
Tập trung xây dựng hạ tầng
Qua đối chiếu với Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông mới, hiện xã Khánh Lộc đạt được 7 tiêu chí gồm: quy hoạch, thuỷ lợi, y tế, văn hoá, hình thức tổ chức sản xuất, an ninh trật tự xã hội và giáo dục. Theo kế hoạch, năm 2013 xã Khánh Lộc phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí gồm: bưu điện và hệ thống chính trị. Đối với xã Trần Hợi, hiện nay cũng đạt được 6 tiêu chí, năm 2013 xã phấn đấu đạt thêm 4 tiêu chí.
Riêng xã Khánh Bình, mặc dù hiện tại mới đạt 4 tiêu chí, nhưng xã phấn đấu trong năm 2013 sẽ đạt thêm 6 tiêu chí nữa. Ngoài 3 xã nói trên, các xã còn lại cũng phấn đấu trong năm 2013 đạt thêm từ 1 đến 3 tiêu chí. Như vây, nếu không có gì thay đổi thì trong năm 2013 huyện Trần Văn Thời sẽ có 1 xã đạt 10 tiêu chí, 2 xã đạt 9 tiêu chí, 1 xã đạt 7 tiêu chí, 6 xã đạt 6 tiêu chí và 1 xã đạt 4 tiêu chí.
Mặc dù đây là lĩnh vực còn mới mẻ, nhưng so với những gì đã đạt được trong 2 năm qua cho thấy, các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân huyện Trần Văn Thời có nhiều nỗ lực trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới. Huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.
Chỉ tính riêng năm 2012, huyện Trần Văn Thời triển khai xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 130 km lộ giao thông nông thôn bằng bê-tông theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Các phong trào xã hội hoá như: đóng góp tiền, ngày công lao động xây dựng cầu, lộ giao thông nông thôn, hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp học, hỗ trợ cho học sinh, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách được nhân dân hưởng ứng tích cực.
Hạ tầng phát triển tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại và giao lưu, trao đổi, mua bán hàng hoá của người dân. Từ khi triển khai thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân các xã vùng sâu, vùng xa có sự phát triển hơn so với trước, khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn được rút ngắn.
Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Trần Văn Thời còn 8,5%, giảm 2,19% so với năm 2011, nhiều người có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Trần Văn Thời, thời gian qua, Ban chỉ đạo các xã có nhiều cố gắng, chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Tuỳ theo điều kiện thực tế của từng địa phương có thể triển khai thực hiện các tiêu chí cho phù hợp, không nhất thiết phải thực hiện các tiêu chí theo thứ tự.
Quy hoạch mô hình sản xuất
Mặc dù hiện tại huyện Trần Văn Thời có 11/11 xã đều đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất, với 218 tổ hợp tác sản xuất và 19 hợp tác xã đang hoạt động, có hơn 3.530 thành viên, xã viên tham gia. Nhưng để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân, huyện kết hợp với các ngành chức năng triển khai Dự án xây dựng cánh đồng mẫu lớn với diện tích hơn 341 ha tại các xã: Khánh Bình, Khánh Bình Đông và Trần Hợi. Đây là điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận với các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển sang phương thức sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh, nông dân tập trung đầu tư mở rộng diện tích nuôi thuỷ sản. Năm 2012, toàn huyện có tổng diện tích nuôi thuỷ sản 17.000 ha, gồm: nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến và nuôi tôm công nghiệp, với tổng sản lượng hơn 20.000 tấn. Ngoài ra, phong trào khôi phục và phát triển nguồn lợi cá đồng cũng được người dân đặc biệt quan tâm.
Hiện tại, toàn huyện có gần 129 ha nuôi cá đồng thâm canh gồm: cá bổi, cá chình, cá bống tượng. Đặc biệt là mô hình nuôi cá bổi công nghiệp phát triển khá mạnh trong những năm gần đây, trung bình mỗi héc-ta cho thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm.
Nhờ phát triển đồng bộ nên năm 2012, tình hình phát triển kinh tế của huyện Trần Văn Thời tiếp tục được giữ vững, với tốc độ tăng trưởng 12%. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện Trần Văn Thời tiếp tục thực hiện thắng lợi Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo.
Related news
Điển hình như hộ ông Hồ Văn Lập (Ba Lập), ngụ tại ngọn (đầu nguồn) rạch Cầu Ván thuộc địa bàn ấp 4, xã Cẩm Sơn. Trong những năm qua, ông là người nhạy bén trong việc chuyển dịch sản xuất từ trồng lúa bấp bênh sang lập vườn trồng chuyên canh mít mang lại hiệu quả cao
Đạ Huoai, vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất ở Lâm Đồng, đang tiếp tục bị thiệt hại nặng do nấm Phytophthora Palmivora gây ra trên diện rộng. Đáng chú ý, hiện tượng bệnh nấm gây hại tại hầu hết tám xã và hai thị trấn của huyện đã kéo dài hơn 10 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được
Sau 3 tháng chăm sóc, những cây bí này bắt đầu ra hoa, kết trái. Theo sự chỉ dẫn của những người bạn ở bên Mỹ, ông Phan hái bỏ những quả nhỏ, yếu, chỉ để lại những quả to, khỏe để cây tập trung nuôi dưỡng. Đến nay, vườn bí ngô của gia đình người đàn ông này có 24 quả chín, có màu vàng bóng, vỏ mỏng