Đổi Thay Ở Mường Lói
Những ngày trung tuần tháng 6, chúng tôi có dịp về Mường Lói – xã đặc biệt khó khăn của huyện Điện Biên. Trái với suy nghĩ ban đầu về một xã cách trung tâm huyện 80km còn nhiều khó khăn, đường về Mường Lói đã và đang được nâng cấp, mở mới; dịch vụ hàng hóa phát triển, kinh tế - xã hội đã có những bước chuyển dịch đầy ấn tượng…
Ông Lò Văn Pẻn, Chủ tịch UBND xã Mường Lói dẫn chúng tôi tới bản Tin Tốc, cách trung tâm xã hơn 17km vừa kể chuyện: Dân tộc Khơ Mú và dân tộc Lào chiếm gần 80% tổng số nhân khẩu trên địa bàn. Trước đây, do tập quán sản xuất lạc hậu: lúa nước ít, lúa nương và ngô sử dụng giống địa phương; chăn thả gia súc, gia cầm tự do nên đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn.
Đến nay nhờ được chuyển giao tiến bộ KHKT, áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi và được cán bộ Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư; Trạm Bảo vệ thực vật huyện Điện Biên xuống hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ các loại giống cây trồng kịp mùa vụ nên năng suất, sản lượng lương thực không ngừng tăng lên.
Nhiều mô hình trình diễn chuyển giao tiến bộ KHKT, đưa các giống lúa, ngô năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; mô hình chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học… được triển khai thực hiện hiệu quả, giúp bà con yên tâm nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập. Đến nay, cơ bản người dân trên địa bàn đã sử dụng các giống cây trồng mới, năng suất cao vào sản xuất.
Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động bà con khai hoang phục hóa, tận dụng diện tích sản xuất, đến nay toàn xã có gần 280ha lúa nước (trong đó, diện tích lúa gieo cấy vụ mùa 185ha). Năng suất lúa trung bình đạt 45 - 50 tạ/ha, tăng hơn 2 tạ/ha so với vụ đông xuân năm 2012. Ngoài ra, cây ngô, cây sắn và cây đậu tương cũng được người dân chú trọng mở rộng diện tích.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô hộ gia đình tiếp tục được nhân rộng. Hiện nay, toàn xã có hơn 70 mô hình kinh tế tổng hợp, kinh tế trang trại, VAC có thu nhập từ 40 triệu đồng/mô hình/năm trở lên. Nhờ đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nên cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Ông Lò Văn Sai, Trưởng bản Tin Tốc cho biết: Bản có 67 hộ dân tộc Khơ Mú, trước đây đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn do không có diện tích lúa nước, chỉ trông chờ vào sản xuất lúa, ngô trên nương. Bản có trên 200 con trâu, bò sinh sản và nuôi thương phẩm. Nhờ thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắcxin định kỳ nên đàn gia súc không mắc dịch bệnh. Tuy nhiên, do giao thông cách trở, mùa khô thì xe máy còn vào được bản chứ đến mùa mưa chỉ còn cách đi bộ, nên thường bị thương lái ép giá.
Hơn 1 năm trước, đường vào bản Tin Tốc hơn 7km được mở mới, thuận lợi hơn cho bà con ra trung tâm xã. Mới đây, công trình thủy lợi Tin Tốc được đầu tư xây dựng đảm bảo cho hơn 6ha sản xuất lúa nước. Đến cuối năm 2013, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng thì bà con sẽ không còn lo thiếu lương thực như trước nữa.
Chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng cho người dân xã Mường Lói, mô hình canh tác bền vững trên đất dốc được triển khai thực hiện trong thời gian qua không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài ra, xã Mường Lói còn chú trọng khoanh nuôi tái sinh gần 1.000ha rừng.
Nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, trong thời gian tới, xã Mường Lói tiếp tục khai thác tiềm năng đất đai, đồng thời phát triển kinh tế lâm nghiệp, giúp người dân từng bước xóa đói giảm nghèo
Related news
Hào hứng báo cáo diện tích dừa tăng nhanh, sản lượng tăng, rồi lại loay hoay tìm cách đối phó khi dừa rớt giá, cách ứng phó tình thế xem ra chưa làm cho người trồng dừa an tâm. Trong khi đó, hiệp hội Dừa châu Á – Thái Bình Dương (APCC) đã nhiều lần gợi ý Việt Nam cần có một chiến lược phát triển rõ ràng cho ngành công nghiệp dừa, tạo nên chuỗi giá trị gia tăng cho cây dừa.
Nhờ biết cách cho động vật hoang dã sinh sản, Trang trại thủy sản Sơn Ca, do anh Đoàn Kim Sơn làm chủ, ở số 64/6D, ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TPHCM, chuyên cung cấp giống: Kỳ đà, lươn, rắn ri voi, rắn ráo trâu, chồn hương, cho thị trường, một năm thu lãi hàng tỷ đồng.
Theo Sở NNPTNT Thanh Hóa, sau nhiều năm tích cực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đến nay toàn tỉnh có gần 530ha sản xuất hạt giống lúa lai F1. Năm 2011, năng suất bình quân đạt 15 - 21 tạ/ha, lượng hạt giống sản xuất ra hàng năm đáp ứng trên 30% nhu cầu, giảm lượng hạt giống phải nhập khẩu.