Prices / Tin thủy sản

Đổi đời nhờ nuôi ốc nhồi tại Nam Định

Đổi đời nhờ nuôi ốc nhồi tại Nam Định
Author: Hải Đường
Publish date: Thursday. September 10th, 2020

Mô hình nuôi ốc nhồi của anh Phạm Văn Diện, xóm 22, xã Hải Đường, huyện Hải Hậu được đánh giá là “đầu tư ít, hiệu quả cao”.

Năm 2017, anh Diện đầu tư 15 triệu đồng mua 3 vạn con ốc giống ở Thái Bình về thả trong 1,7 sào ao. Thời gian đầu do kỹ thuật không đồng bộ nên ốc nhồi chậm phát triển và chết dần. Có thời điểm ốc chết nổi đầy mặt nước. Kết quả, vụ đầu tỷ lệ sống chỉ đạt 50%.

Sau rút kinh nghiệm và học hỏi thêm, anh tập trung xử lý tốt môi trường nuôi ngay từ đầu. Anh rút hết nước trong ao, làm sạch bèo, cỏ, dùng chế phẩm sinh học xử lý đáy ao, sau đó mới bơm nước vào ao và duy trì mực nước cao 60 – 100 cm để giữ độ an toàn cho ốc. Nguồn thức ăn của ốc nhồi hoàn toàn từ tự nhiên (rêu, bèo tấm, rau mồng tơi, lá sắn…) và ăn rất ít nên anh Diện chú ý cung cấp lượng thức ăn vừa đủ, không để dư thừa làm ô nhiễm ao nuôi dẫn đến ốc bị chết.

Theo anh Diện, ốc nhồi chịu nóng kém nên mùa hè cần phải chống nóng bằng cách thả thêm bèo vào ao. Còn mùa đông, ốc rúc xuống bùn trú gần như không hoạt động, lúc này phải rút bớt nước trong ao, thả cây, cỏ xuống ao để giữ ấm cho ốc. Ngoài ra, nuôi ốc nhồi cần lưu ý đến bệnh sưng vòi, là bệnh nguy hiểm nhất trên ốc, dễ gây chết hàng loạt nên phải giám sát ao nuôi thường xuyên.

Nhờ chăm sóc tốt, trong vụ thứ 2, tỷ lệ ốc sống tăng lên trên 80% đã cho thu lãi hàng chục triệu đồng. Thấy chủ động được trong sản xuất, anh đã thuê gom ruộng trũng để cải tạo, mở rộng quy mô nuôi ốc nhồi lên 6 sào với 3 ao nuôi, tự nhân giống, phát triển mô hình với số lượng lớn.

Hiện tại, anh Diện đã phát triển được hơn 1,5 vạn cặp ốc nhồi bố mẹ và 15 vạn con ốc thương phẩm. Chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất giống ốc nhồi, anh Diện cho biết sau 12 tháng nuôi, ốc nhồi bắt đầu sinh sản và thời gian đẻ trứng rộ thường từ tháng 4 đến tháng 9 khi thời tiết ấm. Để tạo điều kiện cho ốc mẹ đẻ trứng, người nuôi cần làm bệ cao hơn mặt nước, có mái che nắng, mưa và đặc biệt chú ý diệt chuột bảo vệ ốc. Trung bình, mỗi tháng ốc mẹ đẻ 1 buồng trứng, từ 120 – 150 quả. Người nuôi cần thu gom trứng lại, cho vào thùng ấp ở nhiệt độ thích hợp (25 – 320C) để trứng nở. Sau 15 – 17 ngày trứng có dấu hiệu nở. Khoảng hơn 3 tháng tính từ khi thả ốc giống ra ao là có thể thu hoạch. Tuy nhiên nếu người nuôi kéo dài đến 4 – 4,5 tháng thì chất lượng ốc sẽ nâng lên, già hơn, ngon hơn và trọng lượng cũng tăng lên. Bình quân mỗi tháng, anh Diện cung cấp 15 – 20 vạn ốc nhồi giống và 2,5 vạn con ốc thương phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Hiện mỗi năm, thu nhập từ mô hình nuôi ốc nhồi của anh Diện đạt 300 – 400 triệu đồng. Sau 1 – 2 lứa ốc thương phẩm, anh lại vệ sinh ao nuôi 1 lần tạo môi trường sạch cho ốc sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh.


Related news

Xu hướng bền vững trong nuôi trồng thủy sản tại châu Á - Phần 1 Xu hướng bền vững trong nuôi trồng thủy sản tại châu Á - Phần 1

Nuôi trồng thủy sản (NTTS) đang là một trong những lựa chọn mang tính thực tế duy nhất cho việc đáp ứng nhu cầu thủy sản trên toàn cầu

Thursday. September 10th, 2020
Xu hướng bền vững trong nuôi trồng thủy sản tại châu Á - Phần 2 Xu hướng bền vững trong nuôi trồng thủy sản tại châu Á - Phần 2

Quản lý nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại cấp độ khu vực (hoặc vùng) là một yêu cầu cơ bản đối với sự phát triển bền vững trong tương lai.

Thursday. September 10th, 2020
Việt Nam vẫn là thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản Việt Nam vẫn là thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản

Trong 6 tháng đầu năm 2020, cơ cấu thị trường cung cấp tôm cho Nhật Bản có thay đổi khi tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ tăng

Thursday. September 10th, 2020