Prices / Mô hình kinh tế

Doanh Nghiệp Nuôi Tôm Tiếp Tục Gặp Khó Ở Kiên Giang

Doanh Nghiệp Nuôi Tôm Tiếp Tục Gặp Khó Ở Kiên Giang
Author: 
Publish date: Friday. March 8th, 2013

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi và lãnh đạo các sở, ngành đã có đợt khảo sát thực tế vùng nuôi tôm công nghiệp trọng điểm của tỉnh tại các huyện Kiên Lương, Giang Thành và thị xã Hà Tiên. Hầu hết các doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm ở đây đều gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư hoàn chỉnh và tình hình dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt. 
Dịch bệnh hoành hành

Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, theo quy hoạch đến năm 2015 tổng diện tích nuôi tôm của tỉnh sẽ đạt 88.500 ha, trong đó có khoảng 20.000 ha nuôi tôm công nghiệp. 
Theo các doanh nghiệp (ND) nuôi tôm, năm 2012 là năm đầy khó khăn do bệnh tôm chết sớm (còn gọi là hội chứng EMS) hoành hành, gây thiệt hại nặng nề. Mặc dù các đơn vị đã đầu tư khá bài bản, nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học nhưng vẫn bị ảnh hưởng không nhỏ do hội chứng EMS gây ra. 
Ông Phan Khắc Kỳ - GĐ Chi nhánh Cty Hạ Long (BIM) cho biết, khu nuôi tôm công nghiệp Đồng Hòa (Giang Thành) của Cty có tổng diện tích 1.230 ha, trong đó diện tích mặt nước thả nuôi là 850 ha (1.584 ao). Đến thời điểm này Cty đã hoàn thành việc xây dựng hạ tầng và sẽ đưa vào sản xuất đại trà trên toàn diện tích trong năm 2013. Riêng năm 2012, Cty thả nuôi 410 ha nhưng do bị dịch bệnh nên chỉ thu hoạch được 297 ha, năng suất đạt 8,2 tấn/ha (kế hoạch 15 - 16 tấn/ha), tổng sản lượng đạt 2.448 tấn. 
Theo ông Kỳ, nguyên nhân dịch bệnh được các chuyên gia nước ngoài xác định là do tích tụ khí độc ở đáy ao trong quá trình nuôi (qua nhiều vụ). Do đó, vụ nuôi năm 2013, Cty sẽ tập trung xử lý triệt để đáy ao, đẩy mạnh việc áp dụng quy trình kỹ thuật theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo môi trường nuôi bền vững… Đến thời điểm này, khu nuôi Đồng Hòa đã thả giống được 100 ha, tôm từ 1 đến 60 ngày tuổi, đang phát triển khá tốt. Dự kiến năm nay toàn khu vực sẽ thả nuôi khoảng 600 ha, sản lượng khoảng 8.000 tấn tôm nguyên liệu. 
Tương tự, Cty TNHH Thông Thuận (Giang Thành) cũng bị thiệt hại khá lớn do tôm bị dịch bệnh. Ông Trương Hữu Thông, TGĐ Cty cho biết, năm 2012 Cty thả nuôi 180 ao (5.000 m2/ao) ở 2 xí nghiệp (XN). Trong đó XN 1 có 80 ao vụ nuôi đầu bị thiệt hại hoàn toàn, vụ nuôi sau cũng đạt khá thấp, tổng sản lượng được 200 tấn. Còn XN 2 cả năm đạt 600 tấn. Năm nay, Cty dự định mở rộng vùng nuôi thành 4 XN, với tổng diện tích thả nuôi là 391 ao, sản lượng từ 5.000 - 6.000 tấn. Về vướng mắc, ông Thông cho biết, hiện khâu giải phóng mặt bằng ở khu nuôi Dương Hòa (xã Dương Hòa, Kiên Lương) rất chậm, còn một số hộ dân chưa chịu nhận tiền đền bù dù Cty đã chuyển tiền đền bù cho huyện hơn 1 năm nay. 
Ông Thông kiến nghị tỉnh nên quan tâm đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống thủy lợi cũng như yêu cầu ngành điện cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất. Về giải pháp khắc phục tình hình dịch bệnh, Cty đã cho tiến hành lót bạt đáy ao để tránh phát sinh khí độc, làm hệ thống oxy đáy… 
Cần nguồn vốn lớn

Ngoài khó khăn do dịch bệnh, các DN nuôi tôm công nghiệp ở khu vực này còn gặp khó khăn về tình hình nguồn nước mặn do chưa có hệ thống thủy lợi riêng biệt cho nuôi tôm. Một số diện tích nuôi cách xa biển nước mặn vào rất yếu, có khi buộc phải tái sử dụng nước của vụ trước để thả tiếp vụ sau. 
Ông Trương Hữu Thông cho biết, XN 1 của Cty nằm ở xã Hòa Điền (Kiên Lương), cách biển gần 10 km nên việc lấy nước mặn rất khó khăn. Việc lấy quá xa, phải đi qua nhiều khu vực nuôi của người dân nên rất dễ lây lan dịch bệnh. Hơn nữa, càng vào sâu, nước mặn càng kém nên nuôi tôm không hiệu quả. 
Ông Lê Minh Tâm - GĐ Cty CP CBTS Trung Sơn cho biết, Cty đang đầu tư thả nuôi tại khu vực Bãi Ớt (xã Dương Hòa, Kiên Lương) diện tích 640 ha, trong đó diện tích mặt nước là 400 ha. Cái khó hiện nay là hệ thống lấy nước chỉ là con kênh chung đã có từ lâu. Để tránh tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, dẫn đến dịch bệnh, Cty đang tiến hành đầu tư hệ thống mương nổi cấp nước mặn cho toàn khu. Tuy nhiên, chi phí đầu tư rất lớn, dự kiến lên đến 50 tỷ đồng, kể cả đường dẫn từ biển vào (khoảng 2 km). “Đó mới là hệ thống mương nổi, còn về lâu dài phải đầu tư đường ống dẫn nước riêng biệt từ biển vào mới đảm bảo có được nguồn nước sạch, nguồn vốn đầu tư sẽ lớn hơn rất nhiều” - ông Tâm nói. 
Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết, hiện nay vốn đầu tư cho thủy lợi hàng năm của Kiên Giang, kể cả nguồn trung ương và địa phương chỉ khoảng hơn 200 tỷ đồng (128 tỷ đồng cấp bù thủy lợi phí, các nguồn khác khoảng 100 tỷ đồng). Nếu chia đều cho 15 huyện, thị thì mỗi nơi chỉ được hơn chục tỷ đồng. Với nguồn vốn này, mới chỉ đáp ứng được khoảng 50 - 60% nhu cầu nạo vét hệ thống thủy lợi hàng năm, nên không có khả năng đầu tư hệ thống thủy lợi mới. 
Theo ông Nhịn, bức xúc lớn nhất về thủy lợi hiện nay của tỉnh là hệ thống cống ngăn mặn đê biển còn nhiều nơi chưa có và hệ thống thủy lợi cho nuôi tôm công nghiệp. Để làm hoàn thiện được hệ thống thủy lợi này phải cần nguồn vốn rất lớn, lên đến cả ngàn tỷ đồng nên địa phương không đủ khả năng. Vì vậy, các DN nuôi tôm công nghiệp vẫn phải chấp nhận dùng chung hệ thống kênh mương với nông nghiệp. Do đó, nguồn nước nặm bị hạn chế và dễ phát sinh dịch bệnh. 
Ông Lê Văn Thi - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, việc sử dụng chung một hệ thống kênh mương vừa để cấp nước vừa thoát nước trong nuôi tôm là rất nguy hiểm, dễ làm phát sinh dịch bệnh. Tuy nhiên, để làm được hệ thống thủy lợi riêng biệt đòi hỏi phải có nguồn vốn rất lớn, tỉnh không đủ khả năng nên đành phải chờ kinh phí từ cấp trên. Còn về những khó khăn như giải phóng mặt bằng, nguồn điện phục vụ sản xuất, lao động… UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành tìm giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho DN hoàn thành đúng tiến độ các công trình đang đầu tư, xây dựng. 
Chủ tịch Lê Văn Thi cũng yêu cầu các đơn vị nuôi tôm cần tìm ra giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng dịch bệnh, đẩy mạnh việc thả nuôi nhằm đạt sản lượng tôm nguyên liệu như kế hoạch đã đề ra, phục vụ tốt cho các nhà máy chế biến xuất khẩu.


Related news

Bỏ Công Ty Về Làm Nông Dân Mà Thành Tỷ Phú Bỏ Công Ty Về Làm Nông Dân Mà Thành Tỷ Phú

Tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp chuyên ngành thú y, từng làm việc cho một công ty thức ăn chăn nuôi có tiếng với thu nhập khá cao, bỗng anh Khánh xin nghỉ về làm cán bộ khuyến nông xã và cuối cùng làm nông dân. Bước đi có vẻ “thụt lùi”, nhưng đã giúp anh trở thành tỷ phú.

Friday. March 8th, 2013
Trang Trại Nuôi Chim Cút An Toàn Trang Trại Nuôi Chim Cút An Toàn

Sau nhiều năm gắn bó với nghề nuôi chim cút, đến nay, ông Trần Nguyễn Hồ ở xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng thành công mô hình trang trại nuôi cút với quy mô lớn.

Friday. March 8th, 2013
Tăng Cường Công Tác Phòng Chống Dịch Lợn Tai Xanh Tăng Cường Công Tác Phòng Chống Dịch Lợn Tai Xanh

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm 2012 đến nay, dịch lợn tai xanh đã xảy ra trên địa bàn 43 xã, phường thuộc 10 huyện, thị của 3 tỉnh là: Lào Cai, Điện Biên và Yên Bái làm hơn 8,3 nghìn lợn mắc bệnh, số lợn đã tiêu huỷ là 5.165 con. Hiện nay, tỉnh Lào Cai đã công bố hết dịch, nhưng dịch đang xảy ra nặng ở các tỉnh Điện Biên, Yên Bái và đang có chiều hướng lây lan với tốc độ nhanh; nguy cơ dịch lây lan diện rộng là rất lớn.

Friday. March 8th, 2013