Prices / Mô hình kinh tế

Doanh Nghiệp Chậm Trả Tiền Thu Mua Khoai Tây Thương Phẩm - Nông Dân Điêu Đứng

Doanh Nghiệp Chậm Trả Tiền Thu Mua Khoai Tây Thương Phẩm - Nông Dân Điêu Đứng
Author: 
Publish date: Monday. June 25th, 2012

Hàng nghìn hộ dân ở 9 xã thuộc huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đang lao đao vì Công ty TNHH Phát triển công nghệ cao Phương Lam, địa chỉ quốc lộ 37A, xã Ninh Thành, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương thu mua hàng nghìn tấn khoai tây vụ đông xuân gần 4 tháng nay chưa thanh toán tiền trả cho nhân dân.

Một số hộ dân thôn Ninh Duy, xã Khởi Nghĩa có khoai tây Sinora bán cho Công ty TNHH Phát triển công nghệ cao Phương Lam, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương đến nay chưa nhận được tiền thanh toán

Doanh nghiệp nợ tiền tỷ nông dân

Theo báo cáo của huyện Tiên Lãng, vụ đông năm 2011 - 2012, huyện Tiên Lãng có 513,3 ha cây trồng có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, riêng cây khoai tây có 303,6 ha. Các đơn vị ký hợp đồng sản xuất gồm: Viện Sinh học, Công ty Phát triển công nghệ Tấn Phát và Công ty TNHH Phát triển Công nghệ cao Phương Lam (gọi tắt là Công ty Phương Lam). Đến nay, những địa phương ký kết hợp đồng với Viện Sinh học và Công ty Tấn Phát đã thực hiện đầy đủ theo các nội dung ký kết trong hợp đồng. Riêng Công ty Phương Lam chưa thanh toán hết. Các HTX nông nghiệp ký kết hợp đồng với Công ty Phương Lam gồm HTX Tiên Thắng, Tiên Minh, Toàn Thắng, Đoàn Lập, Khởi Nghĩa, Nam Hưng. Riêng 2 xã Cấp Tiến và Quyết Tiến không có hợp đồng, lượng khoai tây bán qua ông Nguyễn Xuân Quả (Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Đoàn Lập) và ông Vũ Văn Hùng (Chủ nhiệm HTX NN Khởi Nghĩa).

Sáng 19-6, chúng tôi có mặt tại thôn Ninh Duy, xã Khởi Nghĩa (địa phương doanh nghiệp nợ tiền nhiều nhất) để tìm hiểu thực hư sự vụ, được biết nhiều người đứng ngồi không yên khi cả gia đình trông chờ vào khoản tiền bán khoai tây cho doanh nghiệp đến nay chưa được thanh toán. Bà Vũ Thị Nguyệt ở xóm 1, thôn Ninh Duy vừa đi làm đồng về, mồ hôi nhễ nhại, bức xúc cho biết: Gia đình tôi có 2,7 tạ khoai tây bán cho Công ty Phương Lam nhưng đến nay đã gần 4 tháng chưa nhận được một đồng nào. Nhiều khoản chi phí của gia đình trông chờ vào số tiền đó để mua giống má, vật tư nông nghiệp, chi tiêu cho gia đình nhưng mãi chưa thấy doanh nghiệp thanh toán nên gia đình gặp nhiều khó khăn”. Bà Phạm Thị Ránh cùng thôn Ninh Duy cho biết, gia đình tôi có gần 1 tạ khoai tây cân cho doanh nghiệp nhưng đến nay cũng chưa được nhận tiền.

Theo bà Ránh, xã Khởi Nghĩa là địa phương có nhiều hộ bán khoai tây cho doanh nghiệp đến nay chưa nhận được tiền, nhiều nhất là thôn Cương Nha, Nam Tử trung bình có 5 - 7 tạ/nhà. Cùng chung cảnh ngộ với người dân xã Khởi Nghĩa, hàng nghìn hộ dân tại 9 xã trong huyện đang lao đao vì hàng triệu đồng bỏ ra đầu tư chưa thu hồi về. Bà Phạm Thị Tẹo, thôn Đông Xuyên Ngoại, xã Đoàn Lập cho biết: “Gia đình tôi có 3,5 tạ khoai tây bán cho doanh nghiệp Phương Lam từ ngày 25-2 đến nay chưa nhận được tiền. Việc doanh nghiệp chậm thanh toán tiền thu mua khoai tây cho người dân các địa phương trong huyện Tiên Lãng khiến nhiều gia đình nông dân lâm vào cảnh khó khăn, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, chi tiêu của gia đình”. Trước những bức xúc của người dân địa phương, Chủ tịch UBND xã Đoàn Lập, Vũ Văn Uy yêu cầu chủ nhiệm HTX thường xuyên bám sát doanh nghiệp để đốc thúc trả tiền cho dân, đồng thời đi vay tín dụng trả cho bà con.

Theo ông Nguyễn Văn Nhầm - Phó chủ nhiệm HTX NN Khởi Nghĩa, toàn xã có hơn 500 hộ dân ở 10 thôn có khoai tây cung ứng cho doanh nghiệp Phương Lam với số lượng 157 tấn. Đến nay, sau gần 4 tháng doanh nghiệp chưa thanh toán tiền bán khoai tây cho bất cứ một hộ dân nào. Lãnh đạo xã Khởi Nghĩa, Ban chủ nhiệm HTX NN xã nhiều lần trực tiếp đến yêu cầu doanh nghiệp về địa phương chi trả tiền dân nhưng đều bị khất lần.

Theo ông Phạm Văn Thái, Bí thư chi bộ thôn, xóm 3 thôn Ninh Duy, xã Khởi Nghĩa, việc thu mua khoai tây được thực hiện thông qua HTX NN do Đảng uỷ, UBND xã Khởi Nghĩa chỉ đạo. Doanh nghiệp chậm thanh toán tiền cho nông dân gây khó khăn cho địa phương trong việc thu nộp các khoản nghĩa vụ tại địa phương. Đồng thời gây mất lòng tin trong nhân dân đối với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương trong liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Chính quyền cùng vào cuộc

Để ổn định tình hình địa phương, huyện Tiên Lãng chỉ đạo các địa phương mà doanh nghiệp Phương Lam còn nợ tiền cần tập trung yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ, khẩn trương thanh toán cho nhân dân 9 xã. Ông Vũ Đức Cảnh, Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin doanh nghiệp Phương Lam còn nợ tiền mua khoai tây của các địa phương, UBND huyện yêu cầu Phòng NN& PTNT huyện báo cáo cụ thể, đồng thời triệu tập cuộc họp giữa lãnh đạo UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT với 9 chủ nhiệm HTX NN có tiền bị nợ để nắm bắt thêm tình hình, tìm giải pháp tháo gỡ”. Chiều ngày 21-6, UBND huyện làm việc với các chủ nhiệm HTX tại 9 xã liên quan để nghe báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý. Qua đó, yêu cầu các chủ nhiệm HTX khẩn trương rà soát lại toàn bộ các văn bản, hợp đồng ký kết với doanh nghiệp Phương Lam và hoàn tất thủ tục thanh lý hợp đồng, biên bản giao nhận, biên bản làm việc hoặc giấy khất nợ trong các lần làm việc với Công ty Phương Lam; chủ động tìm các nguồn kinh phí để thanh 

toán đầy đủ cho các hộ đã bán khoai tây cho HTX.

Qua vụ việc này, huyện Tiên Lãng cũng rút ra bài học sâu sắc trong quá trình liên kết ký hợp đồng với các doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm. Huyện lưu ý các địa phương trong quá trình ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đối tác cần chọn lựa những doanh nghiệp có năng lực tài chính lành mạnh, có uy tín, truyền thống và có khả năng tiêu thụ nông sản tốt. Với các HTX NN trong quá trình đại diện cho nhân dân đứng ra ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cần chú trọng tới những nội dung thoả thuận, cam kết, ký kết trong hợp đồng với doanh nghiệp và những nội dung hai bên ký phải bảo đảm chặt chẽ về thủ tục, về tính pháp lý theo pháp luật hiện hành. Đồng thời các HTX NN trong quá trình đại diện cho người dân trực tiếp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cũng cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm, kịp thời hơn trong phối hợp với doanh nghiệp thực hiện thanh toán vật tư, con giống, nông sản cho người dân các địa phương.

Được biết ông Hà Bách Khải, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Công nghệ cao Phương Lam đã hứa sẽ thanh toán tiền cho bà con nông dân trước ngày 15-7. Huyện Tiên Lãng, các xã tích cực đôn đốc công ty thực hiện đúng cam kết để bảo đảm quyền lợi cho bà con nông dân.

Tổng số lượng khoai tây các loại gồm: Alantic, Sinora, Aladin là hơn 400 tấn với số tiền gần 2,2 tỷ đồng. Trong đó các xã có số tiền bị nợ nhiều nhất là: Khởi Nghĩa (603 triệu đồng), Toàn Thắng (500 triệu đồng), Tiên Minh (370 triệu đồng), Tiên Thắng (244 triệu đồng), Quyết Tiến (223,8 triệu đồng), Nam Hưng (112,37 triệu đồng)…

Related news

Các Phương Pháp Nuôi Hàu Các Phương Pháp Nuôi Hàu

Phương pháp nuôi này phụ thuộc con giống tự nhiên, chi phí xây dựng cơ bản thấp, chi phí sản xuất hạn chế, nhưng hiệu quả tương đối cao. Có rất nhiều loại đá khác nhau để làm vật bám tùy thuộc vào từng địa phương như đá vôi làm vật bám rất tốt, đá cuội, đá san hô… Kích cỡ đá trung bình 2-4 kg/hòn và dao động từ 1-10 kg/hòn. Đá được chuyên chở bằng thuyền hoặc ghe rải đều trên bãi có hàu giống xuất hiện. Năng suất đạt 0,5-1,5 kg hàu nguyên con/hòn đá.

Monday. June 25th, 2012
Sử Dụng Thuốc Trừ Sâu Vô Tội Vạ Làm Bùng Phát Dịch Sử Dụng Thuốc Trừ Sâu Vô Tội Vạ Làm Bùng Phát Dịch

Tại Hội nghị quốc tế Mối đe dọa về lạm dụng thuốc trừ sâu trong hệ sinh thái lúa - Tìm kiếm giải pháp khắc phục do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức tại Hà Nội vào sáng nay (16/12), các chuyên gia của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) cho biết việc sử dụng thuốc trừ sâu sai mục đích hoặc phun thuốc bừa bãi đã vô tình tiêu diệt nhiều loài thiên địch bắt mồi, làm gia tăng dịch bệnh.

Monday. June 25th, 2012
Nấm Xanh Phát Huy Hiệu Quả Trên Đồng Ruộng Nấm Xanh Phát Huy Hiệu Quả Trên Đồng Ruộng

Hiện nay, nấm xanh đang được nhân rộng tại các địa phương và hầu hết bà con nông dân đều quan tâm đến mô hình này. Cán bộ bảo vệ thực vật thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A Nguyễn Thanh Phong cho biết: Được sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, địa phương đã gieo cấy nấm xanh khoảng 15ha lúa Đông xuân tại ấp 3B. Từ thực tế cho thấy, mô hình nấm xanh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân trong công tác phòng trừ sâu hại, đặc biệt là không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Monday. June 25th, 2012