Prices / Tin thủy sản

Đổ nợ vì cá tra

Đổ nợ vì cá tra
Author: THỐT NỐT
Publish date: Tuesday. May 31st, 2016

Ở ĐBSCL, cùng với lúa gạo, cá tra có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, vài năm gần đây, người nuôi loại cá này phải đương đầu với nhiều khó khăn và gần như kiệt sức.

Cả ngàn bè cá xơ xác

Năm 2000, thời cực thịnh, khu làng nổi trên sông ở TP Châu Đốc, tỉnh An Giang có hơn 3.000 bè nuôi cá tra và ba sa. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau đó, khi cá tra nuôi ao hầm có nhiều ưu thế, cả ngàn bè cá ở đây trở nên xác xơ.

Lúc đó, nhiều vườn cây ăn trái sum sê ven sông ở An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Cần Thơ lần lượt bị “hạ gục”, nhường chỗ cho cá tra. Phong trào đào ao nuôi loại cá da trơn này khiến cho giá đất sốt từng ngày, có lúc từ 15 triệu đồng/1.000m2 vọt lên 30 triệu rồi 70 triệu đồng. Những người nuôi cá tra trong giai đoạn này đã phất lên như diều gặp gió.

Lúc đó, ông Lê Văn Sền - ngụ xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang - được xếp vào hàng đại gia nhờ mỗi năm thu được tiền tỉ từ 3 ao cá tra. Thế nhưng, mới đây, ngồi trầm ngâm trong căn nhà sàn bằng gỗ, ông Sền buồn rầu: “Tôi có được căn nhà này và mấy chục công đất là nhờ con cá tra. Bây giờ, gia đình tôi phải chịu cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất vì bị tư thương quỵt tiền mua cá”.

Theo ông Sền, từ năm 2003 đến 2007, việc người nuôi cá tra kiếm bạc tỉ dễ như trở bàn tay. Lúc đó, dù không biết nghề nhưng nhiều người vẫn ùn ùn nuôi dẫn đến dư thừa cá. Ngoài việc lỗ do giá cả thất thường, người nuôi còn bị cò ép giá, gian thương quỵt tiền mua cá. Tại An Giang, đã có nhiều đơn tố cáo bọn lừa đảo chiếm đoạt tiền mua cá nhưng cơ quan chức năng chẳng giải quyết được gì. Ông Sền cũng bất lực khi bị chiếm đoạt hơn 1,4 tỉ đồng.

Ông Sền đau xót: “Tôi đã bán toàn bộ đất đai nhưng vẫn không thanh toán hết nợ. Cay đắng nhất là con tôi bị bên vợ sắp cưới từ hôn vì biết nhà trai phá sản”.

Lỗ chồng lỗ

Ông Lê Văn Sườn, ngụ xã Khánh Hòa, người từng phất lên nhờ cá tra, còn bi đát hơn. Sau một thời gian dài cầm cự nhưng lỗ chồng lỗ, gia đình ông kiệt sức. Sau khi treo ao, ông bán hết ruộng đất để trả nợ nhưng vẫn không thấm vào đâu. Các con ông mỗi người một nơi để kiếm sống. Ông thì mỗi ngày ra đồng hái rau muống, lặn nhổ từng cọng bông súng bán kiếm tiền đắp đổi qua ngày. Vẫn không sống nổi, mới đây, ông phải lên tận Bình Dương làm thuê.

Bà Võ Thị Lanh - ngụ xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang - cho biết trước đây bà chuyên nuôi cá ba sa bè. Đến năm 2002, bà đào thêm ao nuôi cá tra. “Vài năm đầu thuận lợi, gia đình tôi tiền vô như nước. Sau đó, giá cá nguyên liệu tụt xuống, giá thức ăn lại tăng cao, doanh nghiệp (DN) thu mua thì ngoe nguẩy lắc đầu. Do không bán được, phải nuôi kéo dài, cá ngày càng lớn, dày đặc trong ao rồi phơi bụng chết. Lần đó, tôi mất trắng hơn 200 triệu đồng” - bà Lanh nhớ lại.

Không chịu buông tay, bà Lanh thả cá nuôi tiếp nhưng lần sau lỗ nặng hơn lần trước. Cứ thế kéo dài cho tới cuối năm 2009, bà trắng tay sau khi bị một DN ngoài địa phương đến thu mua rồi quỵt nợ. Hiện nay, tại vùng đất từng sinh ra nhiều tỉ phú, nơi có tượng đài cá ba sa tại ngã ba sông Châu Đốc, 2 mẹ con người phụ nữ này phải bơi xuồng mua bán lặt vặt để kiếm sống mỗi ngày.

Thị trường xuất khẩu bão hòa

Ông Lê Chí Bình, Thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản An Giang, cho biết sản phẩm từ cá tra đã có mặt ở gần 150 quốc gia nhưng tổng sản lượng xuất khẩu chỉ dao động 1-1,1 triệu tấn như 4 năm trước đây. “Sản lượng xuất khẩu cá tra đã bão hòa từ 3 năm nay. Hầu hết thị trường có dấu hiệu chựng lại, riêng Trung Quốc có tăng trưởng nhưng không được đánh giá tốt do giá xuất thấp lại thất thường. Hiện nay, phần lớn người nuôi không còn vốn để tái đầu tư. Do đó, hiệp hội phối hợp với các cơ quan liên quan để giúp bà con chuyển sang nuôi các loại cá khác” - ông Bình cho biết.

Theo ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, diện tích nuôi cá tra ở tỉnh này đã bị thu hẹp nhiều, hiện chỉ còn khoảng 430ha, chủ yếu do các DN lớn tự xây dựng vùng nuôi hoặc liên kết với nông dân. Số hộ nuôi nhỏ lẻ hầu như không còn do thua lỗ. Hiện An Giang cùng các địa phương khác ở ĐBSCL quy hoạch lại vùng nuôi cá tra theo chủ trương của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn. Theo đó, An Giang sẽ hình thành 2 mô hình là nuôi gia công; liên kết chuỗi giá trị với hợp đồng chặt chẽ giữa người nuôi, DN và ngân hàng hoặc nông dân cho DN thuê lại ao hầm để nuôi cá. Sắp tới, An Giang sẽ giao cho một DN 300ha để nuôi cá tra công nghệ cao trong nhà kính.


Related news

Tuy An (Phú Yên) di dời toàn bộ bè nuôi tôm hùm ra khỏi Khu Di tích danh thắng Gành Đá Đĩa Tuy An (Phú Yên) di dời toàn bộ bè nuôi tôm hùm ra khỏi Khu Di tích danh thắng Gành Đá Đĩa

Sở VH-TT-DL Phú Yên và UBND huyện Tuy An vừa phối hợp kiểm tra và triển khai các biện pháp di dời toàn bộ bè nuôi tôm hùm ra khỏi Khu Di tích danh thắng cấp quốc gia Gành Đá Đĩa (Di tích Gành Đá Đĩa) thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An.

Tuesday. May 31st, 2016
Vét hầm nuôi cá, phát hiện... bom Vét hầm nuôi cá, phát hiện... bom

Khoảng 9 giờ sáng ngày 27/5/2016, ông Huỳnh Văn Sự (ở tổ 29, ấp 2, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), thuê Ko-be vét hầm nuôi cá lóc cho gia đình. Lúc nay gàu múc đất của chiếc Ko-be chạm phải một vật cứng nằm sâu trong đất sình.

Tuesday. May 31st, 2016
Cà Mau bảo tồn nguồn giống cá đồng Cà Mau bảo tồn nguồn giống cá đồng

Mùa khô năm nay, nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiệt hại nặng do El Nino gây ra. Ðặc biệt, trong nuôi trồng thuỷ sản, các loại cá đồng giống đã cạn kiệt do khô cạn nguồn nước. Ðây cũng chính là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng cá mùa này.

Tuesday. May 31st, 2016