Giá / Mô hình kinh tế

Dỡ Bỏ Bẫy Bắt Tôm Hùm Con

Dỡ Bỏ Bẫy Bắt Tôm Hùm Con
Tác giả: 
Ngày đăng: 23/03/2013

Vài năm gần đây, để tạo nguồn thu nhập trong những mùa biển vụ bấc, bà con ngư dân Phan Thiết đã đưa nghề bẫy bắt tôm hùm con vào hoạt động. Từ đây, nhiều tuyến biển gần bờ phục vụ giao thông, du lịch bị phủ đầy phao nổi của lưới bẫy bắt tôm hùm. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn giao thông trên biển và tạo không gian thông thoáng cho các môn thể thao dưới nước, vừa qua, TP. Phan Thiết đã ra quân kiểm tra, xử lý khu vực “nóng” thường xuyên xảy ra tình trạng đặt bẫy tôm hùm con trái phép.

 
Bãi biển Đồi Dương - một trong những bãi tắm thu hút đông đảo nhân dân và khách du lịch của Phan Thiết ngày càng sạch đẹp nhờ được chính quyền thành phố đầu tư chỉnh trang. Tuy nhiên, chỉ cách bờ biển khoảng hơn 20m là sự xuất hiện của hàng chục đường dây mắc lưới bẫy tôm hùm con. Các đường dây này được đặt san sát nhau khiến cho các tàu thuyền khi ra vào bờ rất dễ mắc lưới. Riêng đối với những vùng biển phục vụ trọng điểm du lịch của Phan Thiết như Hàm Tiến - Mũi Né, Tiến Thành, hoạt động đánh bắt tôm hùm con của bà con ngư dân ảnh hưởng lớn đến các môn thể thao biển. 
Ông Nguyễn Bá Tuận - Đội trưởng Đội Thanh tra thủy sản số 2 (Thanh tra thủy sản Bình Thuận) cho biết: Vài năm trở lại đây, nghề bẫy bắt tôm hùm con xuất hiện dày đặc dọc vùng biển từ huyện Tuy Phong đến thị xã La Gi, nhất là vào mỗi vụ bấc. Tôm hùm con sau khi đánh bắt, thường được bán ra các tỉnh miền Trung với giá từ 150.000 - 200.000 đồng/con. Mặc dù nghề bẫy bắt tôm hùm con giúp bà con có thêm nguồn thu, nhưng về lâu dài hoạt động này ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản của vùng biển Bình Thuận. Con tôm hùm nếu được để trong môi trường tự nhiên đến tuổi khai thác có giá trị gấp nhiều lần tôm hùm con. Vì vậy vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về việc quản lý bẫy bắt tôm hùm con trên vùng biển Bình Thuận. Theo đó từ tháng 3 đến tháng 9, cấm hoàn toàn việc đặt bẫy tôm hùm trên tất cả vùng biển. 
Tuy nhiên, dù đã được thông báo nhiều lần nhưng khi tổ kiểm tra liên ngành của TP Phan Thiết ra quân kiểm tra, xử lý, vẫn còn rất nhiều bẫy lưới của ngư dân chưa được tháo dỡ. Trong buổi sáng ngày 12/3, tổ kiểm tra đã thu giữ nhiều đường dây lưới được mắc gần bờ biển Đồi Dương. Khi tổ kiểm tra kéo lưới, một số ngư dân có đặt lưới bẫy bắt mới bắt đầu ùa ra gỡ đường dây lưới. Cá biệt có trường hợp còn gây khó dễ cho tổ kiểm tra. 
“Từ nay cho đến hết tháng 9/2013, Tổ kiểm tra liên ngành của TP Phan Thiết sẽ luân phiên ra quân kiểm tra hoạt động bẫy bắt tôm hùm con tại các vùng biển từ Mũi Né đến Tiến Thành. Trong thời gian này, nếu ngư dân vẫn còn đặt bẫy thì sẽ bị tịch thu ngư lưới cụ theo quy định” - ông Đặng Thanh Tiến - Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP. Phan Thiết cho biết. 
Nghề bẫy bắt tôm hùm con thường chỉ hoạt động trong thời điểm vụ bấc của năm. Đây là dịp để bà con ngư dân có thêm nguồn thu trước mùa biển êm. Nhưng hoạt động bẫy bắt tôm hùm con về lâu dài lẫn trước mắt đều gây thiệt hại đến nguồn lợi thủy sản của địa phương, ảnh hưởng không nhỏ đến lưu thông trên biển và các hoạt động du lịch. Và trong quy định, bà con ngư dân cũng được phép đánh bắt loại hải sản này trong thời gian và vùng biển cho phép.


Có thể bạn quan tâm

Tìm Cách Giúp Người Nuôi Cá Tra Thoát Lỗ Tìm Cách Giúp Người Nuôi Cá Tra Thoát Lỗ

Đại diện cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người nuôi cá tra đều đồng tinh rằng việc nuôi theo hợp đồng với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra là cách bảo đảm cho người nuôi có lãi, hạn chế rủi ro khi nguồn nguyên liệu dư thừa hay thiếu hụt đẩy người nuôi cá nhỏ lẻ vào cảnh khó khăn.

23/03/2013
Gà Thả Vườn Cho Lợi Nhuận Từ 6 - 9 Triệu Đồng/mô Hình Gà Thả Vườn Cho Lợi Nhuận Từ 6 - 9 Triệu Đồng/mô Hình

Trong 96 mô hình ứng dụng sản xuất được triển khai trong năm 2013 ở huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) thì có 49 mô hình đầu tư nuôi gà thả vườn, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 227 con giống, trong đó, chủ yếu dành cho hộ nghèo và cận nghèo.

23/03/2013
Giống Thủy Sản Đủ Sức Cạnh Tranh Trên Thị Trường Giống Thủy Sản Đủ Sức Cạnh Tranh Trên Thị Trường

Lào Cai có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thủy sản, đặc biệt là các loài cá nước lạnh, thủy đặc sản do nguồn nước dồi dào, chưa bị ô nhiễm. Những năm qua, phát triển thủy sản góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

23/03/2013