Điều Tươi Giá Cao Khiến Doanh Nghiệp Gặp Nhiều Rủi Ro
Nhiều DN đang mua điều tươi với giá rất cao, nếu chế biến để bán ngay sẽ lỗ, còn lưu kho đợi giá tăng mới bán thì nhiều rủi ro.
Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang mua điều tươi với giá rất cao lên tới 23.500 đồng/kg. Nếu chế biến để bán ngay sẽ lỗ, còn nếu lưu kho đợi giá lên mới bán thì gặp rất nhiều rủi ro. Với mức giá cao này, nếu một số doanh nghiệp xuất khẩu không chấm dứt việc chào giá quá thấp thì việc thua lỗ của các doanh nghiệp điều có thể xảy ra.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam về vấn đề này.
PV: Nhiều doanh nghiệp đang mua điều tươi với giá rất cao, nếu chế biến để bán ngay sẽ lỗ, còn nếu lưu khô đợi giá lên mới bán sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Vậy ý kiến của Hiệp hội Điều Việt Nam như thế nào?
Ông Đặng Hoàng Giang: Hiện nay, theo Hiệp hội tính toán, với chi phí chế biến hiện nay là 1.300 USD với hàng điều thô trong nước và chi phí chế biến là 1.400 USD với nguyên liệu nhập khẩu, định mức thu hồi 4,3 kg nguyên liệu trong nước và 4,8 kg nguyên liệu nhập khẩu.
Với mức giá xuất khẩu bình quân các mã hàng hiện nay khoảng 6.800 USD/tấn, với mức giá thu mua như hiện nay thì các doanh nghiệp sẽ rủi ro cao, thậm chí là không có lời. Mức giá ngày 27/2 đang là 23.500 - 24.000 đồng/kg điều tươi, là mức giá rất rủi ro. Hiệp hội khuyến cáo các doanh nghiệp bình tĩnh, cần phải tính toán kỹ trước khi thu mua nguyên liệu như mức giá hôm nay. Chúng tôi cho rằng, tình hình diễn biến giá điều nhân quốc tế hiện tương đối ổn định, không có biến động nhiều, nếu nhập kho với mức giá thời điểm ngày hôm nay thì không có lợi, đề nghị các doanh nghiệp cần quan tâm.
PV: Theo ông nhận định, liệu thị trường điều có tái diễn kịch bản như năm 2012: mua giá quá cao, nhưng bán quá thấp do thị trường tụt dốc không phanh?
Ông Đặng Hoàng Giang: Tình hình sản xuất kinh doanh, diễn biến thị trường mỗi năm mỗi khác. Phải trên cơ sở có thông tin về thị trường một cách chính xác chúng tôi mới có thể nhận định chính xác được. Phải kết thúc thời điểm diễn ra vụ mùa chính 2013 ở Bình Phước và Đồng Nai thì chúng tôi sẽ đưa ra nhận định chính xác về diễn biến thị trường của năm nay.
PV: Để chủ động nguồn hàng, các doanh nghiệp đã nhập khẩu điều khô, tuy nhiên chất lượng điều không đảm bảo. Hiệp hội cảnh báo gì cho các doanh nghiệp này?
Ông Đặng Hoàng Giang: Theo tôi, nguyên liệu trong nước đáp ứng được 50% công suất chế biến còn 50% phải nhập khẩu. Tuy nhiên, nguyên liệu nhập khẩu không phải tất cả đều xấu, có những hàng xuất xứ bờ biển, một số lô hàng Indonesia, hàng điều Campuchia. Chúng tôi nghĩ có những lô tốt, lô xấu nhưng mà đề nghị các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến chất lượng của nguyên liệu và chỉ nên nhập những lô hàng đủ chất lượng, đảm bảo chất lượng để chế biến xuất khẩu. Như vậy sẽ đem lại lợi ích nhiều hơn cho doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro.
PV: Theo dự báo vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 nhu cầu thị trường nhập khẩu điều thế giới sẽ tăng. Hiệp hội Điều Việt Nam có kỳ vọng gì về thị trường điều không, thưa ông?
Ông Đặng Hoàng Giang: Hiện nay, theo diễn biến của thị trường trong tháng 1, Việt Nam đã xuất được 18.500 tấn điều nhân các loại, so với tháng 1/2012 tăng 92,27% (tháng 1/2012 chỉ xuất được 9.611 tấn).
Chúng tôi rất kỳ vọng vào thị trường năm nay. Tuy nhiên, diễn biến của thị trường, riêng đối với điều phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là châu Âu và Bắc Mỹ là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của hạt điều Việt Nam. Chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào chất lượng (đảm bảo lợi ích hiệu quả cho doanh nghiệp), chứ không nên chạy theo số lượng xuất bằng bất kỳ giá nào.
Related news
Ông Đỗ Hiếu Liêm, 68 tuổi, ở ấp Phú Khương B, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) là người đi tiên phong và thành công với mô hình nuôi cá tai tượng an toàn sinh học, cho thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi vụ nuôi. Đây là mô hình mà ngành Nông nghiệp tỉnh đang khuyến khích nông dân áp dụng, đồng thời có chủ trương nhân rộng ra những địa phương khác.
Để đạt được những mục tiêu gieo cấy 5.100 ha lúa, năng suất 55 tạ/ha, huyện Yên Phong chỉ đạo các xã, thị trấn bám sát định hướng của ngành Nông nghiệp, điều kiện thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch.
Năm 2012, lần đầu tiên huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đưa mô hình nuôi cá lồng bè vào nuôi thí điểm tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (thuộc xã Trà Tân). Mô hình này đã thành công và đang được nhân rộng, đem lại hướng sinh kế mới cho người dân bị mất đất vùng thủy điện.