Diêm Dân Bình Định Lao Đao
Niên vụ sản xuất muối năm 2010 - 2011 của diêm dân Bình Định sắp khép lại. Nhờ thời tiết diễn biến khá thuận lợi, số giờ nắng cao nên diêm dân được mùa muối. Tuy nhiên, giá muối xuống thấp khiến đời sống bà con hết sức khó khăn…
Nản lòng với muối
Có mặt trên đồng muối của các xã Cát Minh, Cát Khánh (Phù Cát), Mỹ Cát, Mỹ Chánh (Phù Mỹ) vào những ngày đầu tháng 8, đến đâu chúng tôi cũng thấy diêm dân đang thu dọn dụng cụ, phương tiện sản xuất để kết thúc vụ muối. Theo bà con, liên tiếp 2 năm trở lại đây, giá muối thường xuyên ở mức thấp, khiến đời sống gặp không ít khó khăn. Thời điểm cuối vụ, tuy giá có tăng đôi chút, ở mức 550-600 đồng/kg nhưng tiêu thụ rất khó.
Ông Nguyễn Văn Thành ở thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh (Phù Cát) cho biết: "Làm muối bây giờ nản lắm, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để có được hạt muối, vậy mà giá muối vẫn rẻ như bèo, thương lái còn tìm cách ép giá. Cách đây 2 năm, giá muối là 1.500 - 1.600 đồng/kg, người dân khấp khởi mừng. Vậy mà không hiểu sao, từ vụ muối năm 2010 đến nay, giá muối tụt thê thảm, diêm dân ai cũng nản lòng. Do làm không có lãi nên nhiều người bỏ hoang ruộng để tìm việc khác".
Bà Nguyễn Thị Hồng ở thôn Đức Phổ 2, xã Cát Minh cũng không giấu được nỗi thất vọng. Bà nói: "Tôi làm muối đã hơn 15 năm nay nhưng chưa bao giờ thấy cảnh người làm muối gặp khó khăn như thời điểm này. Trong khi giá các loại mặt hàng nhu yếu phẩm tăng vùn vụt thì 1kg muối không đủ mua 1 mớ rau muống, chỉ đạt 350 - 400 đồng/kg. Vậy thì diêm dân sao có thể sống được bằng nghề? Gia đình tôi hiện có 300m2 ruộng muối, nhưng từ đầu vụ đến nay chỉ thu được 6 triệu đồng".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu như diêm dân Bình Định đều đang chung cảnh ngộ "được mùa, mất giá" do lượng muối tồn kho các năm trước quá lớn, mà đầu ra lại nhỏ giọt. Ông Dương Mỹ ở thôn An Xuyên 1, xã Mỹ Chánh (Phù Mỹ) thở dài: "Làm cái nghề "năm ăn năm thua" này cực thật. Để làm ra được hạt muối đã rất cực nhọc, đến khi bán lại càng khổ hơn vì phải phụ thuộc rất nhiều vào thương lái. Muối được mùa nhưng ai cũng buồn thiu...".
Cách gì cứu diêm dân?
Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Trưởng phòng Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Chi cục Phát triển nông thôn Bình Định), toàn tỉnh có 1.841 hộ diêm dân với 4.197 lao động chính. Tổng diện tích muối toàn tỉnh hiện là 215,4ha, sản lượng đạt xấp xỉ 22.348 tấn. Tuy nhiên, do giá muối thấp, đầu ra không thuận lợi nên mới tiêu thụ được 12.000 tấn, còn tồn đọng trên 10.000 tấn.
Giá muối thấp là do sản xuất muối trong nước được mùa. Các năm trước, một số tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa bị mất mùa nên giá muối đội lên cao; còn năm nay, sản xuất muối ở các tỉnh phía Nam đều thuận lợi nên lượng muối làm ra nhiều. Bên cạnh đó, chất lượng muối trong tỉnh cũng chưa cao do sản xuất chủ yếu bằng phương pháp thủ công, lẫn nhiều tạp chất, không thể dùng để chế biến công nghiệp.
Để giúp diêm dân tháo gỡ khó khăn, vừa qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất Chính phủ chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc định hướng các doanh nghiệp kinh doanh muối thành viên trên địa bàn thực hiện thu mua tạm trữ; hỗ trợ vốn vay cho diêm dân phát triển sản xuất; hỗ trợ, đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng vùng muối; đẩy mạnh thực hiện các chương trình khuyến diêm, chuyển giao công nghệ sản xuất muối bằng phương pháp trải bạt cho các hộ nghèo.
Hy vọng, những đề xuất trên sẽ sớm được các bộ, ngành chức năng quan tâm triển khai nhằm giúp diêm dân nâng cao năng suất, sản lượng muối, góp phần cải thiện đời sống
Related news
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bến Tre, lịch thả nuôi giống tôm biển trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ ngày 15-2-2013, do đó các địa phương ven biển đã tập trung cải tạo ao và thả giống theo khuyến cáo. Như huyện Bình Đại có kế hoạch giữ mức 16.000 ha nuôi thủy sản; trong đó nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh là 3.800 ha, nuôi thủy sản nước ngọt 300 ha, nghêu, sò 3.000 ha… Để cho vụ nuôi tôm năm 2013 phát triển ổn định, bền vững và đạt hiệu quả cao, hạn chế những dịch bệnh xảy ra và lây lan trên diện rộng, tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp, chủ lực là Chi cục thủy sản tăng cường quản lý chặt chẽ vụ nuôi, nhất là về tình hình dịch bệnh.
Tận dụng lợi thế của vùng sông nước, nông dân cù lao Ông Hổ đã khéo trồng trọt, xen canh, luân canh, đa canh… qua đó vừa tăng thu nhập cho gia đình, vừa giải quyết việc làm và tạo ra nhiều sản phẩm đặc thù của vùng đất này.
Người dân đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng ngọt hóa lại bùng phát ở huyện Bình Đại (Bến Tre) đe dọa 8,3 km tuyến đê bao ngọt hóa ven sông Tiền và 13 cống dưới đê có tổng trị giá 169 tỷ đồng vừa mới khởi công, khiến ngành chức năng Bến Tre lúng túng xử lý.