Prices / Mô hình kinh tế

Đến Lượt Miền Núi Phía Bắc Thê Thảm Cùng Sắn

Đến Lượt Miền Núi Phía Bắc Thê Thảm Cùng Sắn
Author: 
Publish date: Thursday. February 23rd, 2012

Tỉnh Yên Bái qui hoạch diện tích đất trồng sắn là 13.000ha nhằm phục vụ cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn đặt ở các huyện: Văn Yên, Yên Bình và TX. Nghĩa Lộ. Nhưng theo thống kê của ngành nông nghiệp thì diện tích sắn của Yên Bái hiện có 15.292ha. Đấy là số thống kê được, còn diện tích trồng xen canh vào rừng trồng năm thứ nhất thì khó mà biết được diện tích thực là bao nhiêu. Huyện Văn Yên diện tích sắn qui hoạch là 4.000 ha sắn cao sản, nhưng đã trồng 6.476 ha, đây là vùng trồng sắn tập trung lớn nhất Yên Bái.

Mấy năm nay diện tích sắn "bùng nổ" là do giá sắn liên tục tăng, năm 2010 giá bình quân là 1.200-1.300đ/kg, năm 2011 giá tăng vọt lên 1.600-1.700đ/kg. Năng suất sắn KM94, KM60 từ 20-25 tấn/ha, với giá sắn "bèo" nhất 1.200đ/kg thì mỗi ha trồng sắn cho thu từ 25-30 triệu/ha. Nhiều hộ đầu tư thâm canh thì năng suất đạt 30-35 tấn/ha, so với trồng rừng và một số cây trồng khác thì trồng sắn đang mang lại cho người dân nguồn thu lớn. Cây sắn đã giúp cho hàng ngàn hộ nông dân xây được nhà, mua được ô tô, xe máy và nhiều đồ dùng đắt tiền khác, đời sống của người dân đã được nâng cao.
Chính vì giá sắn cao đã hối thúc người dân mở rộng diện tích sắn tăng đến chóng mặt, cây sắn không chỉ phát triển mạnh quanh các nhà máy chế biến tinh bột, đâu đâu cũng trồng sắn, cây sắn cao sản đã leo lên các xã vùng cao của Văn Chấn, Trấn Yên, huyện Trạm Tấu trồng 542 ha, Mù Cang Chải 350 ha. Điều mà trước đây chưa bao giờ hai huyện vùng cao đạt được diện tích đó. Sản lượng sắn niên vụ 2011-2012 tỉnh Yên Bái ước đạt khoảng 300.000 tấn.
Mấy năm trước đây, bắt đầu từ tháng 10 âm lịch đến hết tháng 2 là mùa thu hoạch sắn, xe chở sắn củ tươi đậu khắp các ngả đường, các lò sấy sắn khô lửa hừng hực, khói mù mịt. Có xã trên 100 lò sấy sắn khô, vào mùa sấy sắn những ngày ẩm trời khói từ các lò sấy đặc quánh như sương mù. Sắn củ tươi, sắn lát khô không chỉ bán cho các cơ sở chế biến trong nước mà còn xuất khẩu sang Trung Quốc. Cuối năm 2011, giá sắn củ tươi có ngày tại cửa khẩu Lào Cai lên tới 1.900-2.100đ/kg, sắn lát khô 6.000-6.200đ/kg.
Sắn bán được giá như vậy, nên cây sắn phát triển ồ ạt, vô tội vạ, đất chỗ nào trồng được sắn là họ trồng. Giá sắn niên vụ 2011-2012 tụt xuống thảm hại không ai có thể ngờ được, đầu vụ giá củ tươi chỉ bán được 800đ/kg, đến nay giá đã nhích lên, bán tại chân đồi cũng chỉ được 900đ/kg.
Bà Triệu Thị Bàn, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã 3 ngày nay ra đường ngóng người mua. Gia đình bà và các con trai có khoảng 3ha sắn, mọi năm các thợ mua sắn đến tận nương đặt tiền, hôm nào nhổ không kịp thì họ cho người vào nhổ hộ cho đầy xe. Còn năm nay thì chả ma nào tới hỏi, mấy ngày nay bà gọi điện cho các đầu mối thu mua, họ đều trả lời: Chúng tôi cũng đang ế dài đây, sắn dỡ cả tuần rồi mà có ai hỏi đâu, chắc để thối thôi… Ngán ngẩm quá, bà bảo tôi: Từ đầu vụ đến giờ mẹ con tôi mới bán được hơn chục tấn, còn hơn năm chục tấn nữa, nếu không có người mua thì đành để trên nương thôi, cũng chẳng thái lát khô hết được. Tiền phân bón thì còn nợ người ta cả chục triệu, sắn không bán được lấy gì mà trả…
Các chủ lò sấy sắn khô cũng đang ngao ngán, hai năm trước sấy được mẻ nào bán ngay mẻ ấy, chả lo ế, tiền trao ngay. Năm nay các lò sấy chỉ mua cầm chừng. Anh Nguyễn Trung Kiên nhà ở thôn Khe Gầy, xã Tân Hương, huyện Yên Bình (Yên Bái) xây hai lò sấy sắn lát khô, thời gian sấy mỗi mẻ 2 ngày 3 đêm, công suất 16 tấn. Năm ấy 2011 gia đình anh chế biến được 500 tấn sắn khô, giá bán đợt cuối được 5.350đ/kg, năm nay giá chỉ bán được 4.000đ/kg. Anh lắc đầu: Năm nay em chỉ nổi lửa một lò thôi, chế biến cầm chừng. Có người đặt mua mới sấy, chủ yếu bán cho các thợ dưới xuôi, còn các thợ mua lên Lào Cai, Lạng Sơn thì chưa thấy ai cả. Từ đầu vụ đến giờ cũng chỉ chế biến được hơn trăm tấn, vừa làm vừa nghe chứ sấy ra để đấy mà không bán được thì chỉ có sạt nghiệp…
 Lò chế biến của gia đình anh Nguyễn Xuân Hỷ, thôn Khe Giỏ cùng xã với gia đình anh Nguyễn Trung Kiên cũng đang cân sắn, anh bảo: Năm nay gia đình em cố lắm thì làm được trăm tấn, cũng chả đáng bao nhiêu so với mọi năm. Ai đặt thì mình mới làm, chứ không như mọi năm. Cứ sấy để đấy, đến cuối vụ em mới bán, mẻ cuối bán được năm ngàn rưỡi, còn hiện giờ cũng chỉ bán được 4.000-4.010đ/kg, tính toán không khéo thì lỗ chỏng vó…
Theo thống kê của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VIII, tháng 1/2012 Việt Nam XK sang TQ được 203.000 tấn sắn củ tươi, 2.880 tấn sắn lát khô, còn tháng 2/2012 mỗi ngày TQ nhập khẩu sắn củ tươi từ Việt Nam từ 900-1.200 tấn, sắn lát khô khoảng 10-12 tấn ngày. Lượng sắn TQ nhập khẩu năm 2012 từ Việt Nam mỗi ngày chỉ bằng 1/3-1/2 so với năm 2011, cảnh từng đoàn xe chở sắn nối đuôi nhau chờ làm thủ tục thông quan năm nay thực quá hiếm.
Mọi năm vào giờ này quốc lộ 70 xe chở sắn củ tươi, sắn lát khô chạy kìn kìn lên cửa khẩu Lào Cai, còn năm nay thì sắn chủ yếu chở xuôi, cũng thưa thớt lắm, hỏi ra mới biết là sắn chở về các cơ sở chế biến thức ăn gia súc dưới đồng bằng. Cơ sở sấy sắn khô của gia đình ông Đỗ Văn Thành, thôn Cốc Sâm 4, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) thuộc loại lớn nằm trên QL70, mỗi năm gia đình ông chế biến khoảng 2.000 tấn sắn lát khô, vào vụ ông thuê từ 15-20 người chế biến, năm nay chả có khách nên từ đầu vụ đến giờ chỉ chế biến được gần 1.000 tấn.
Ông Thành thở dài: Năm nay cố lắm thì gia đình tôi làm được một ngàn đến ngàn hai. Giá rẻ quá, người dân chẳng muốn bán, thuê công dỡ, công vận chuyển ra đến đây là hết. Thành thử nhiều hộ chẳng buồn dỡ làm gì, khổ thế. Còn chúng tôi bán khéo cũng chỉ được 3.700đ/kg. Giá năm nay cái gì cũng đắt, mỗi khối củi 370-400 ngàn đồng, công làm thuê mỗi ngày ít nhất là 100 ngàn, cơm nuôi. Người ta làm công cho mình ban ngày, còn ban đêm hai bố con thay nhau trông lò, cố gắng mỗi cân sắn khô được lãi 100-200đ là mừng lắm rồi...
Mấy năm trước Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt sắn củ tươi, sắn lát khô, giá tăng từng ngày. Cửa khẩu Lào Cai có ngày xuất khẩu 2.000-2.500 tấn sắn củ tươi, 200-250 tấn sắn lát khô. Từ đầu năm 2012 đến nay Trung Quốc vẫn nhập khẩu sắn của Việt Nam, nhưng rất cầm chừng.


Related news

Nuôi Trứng Nước Lợi Nhuận 700 Ngàn Đồng/ngày Nuôi Trứng Nước Lợi Nhuận 700 Ngàn Đồng/ngày

Nông dân Lê Văn Chơn (31 tuổi) ngụ ấp Hòa An, xã Hòa Lạc (Phú Tân - An Giang) cho biết, tận dụng ao nuôi cá tra bỏ trống (khoảng 5.000m2), ông chuyển sang mô hình nuôi trứng nước.

Thursday. February 23rd, 2012
Dự Án Bò Lai BBB Bước Đầu Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao Dự Án Bò Lai BBB Bước Đầu Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân, ngày 10-2-2012, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Dự án "Ứng dụng kết quả nghiên cứu lai tạo giống bò BBB trên nền đàn bò thịt laisind thành đàn bò F1 hướng thịt trên địa bàn thành phố Hà Nội" và giao cho Công ty Giống gia súc Hà Nội làm chủ đầu tư. Sau hơn một năm thực hiện, bước đầu dự án đã thu được những kết quả khả quan.

Thursday. February 23rd, 2012
Phát Triển Vườn Cây Ăn Trái Cho Giá Trị Kinh Tế Cao Phát Triển Vườn Cây Ăn Trái Cho Giá Trị Kinh Tế Cao

Là địa phương có thế mạnh về cây ăn trái, huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ) đang tích cực phát triển vườn cây ăn trái đặc sản, cho giá trị kinh tế cao, từng bước cải thiện đời sống người dân nông thôn...

Thursday. February 23rd, 2012