Prices / Tin thủy sản

Đem kỹ thuật về đồng đất quê hương

Đem kỹ thuật về đồng đất quê hương
Author: Kiều Oanh
Publish date: Thursday. April 8th, 2021

Kỹ sư Nguyễn Chí Tình sinh năm 1982, đang công tác tại Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, là người đề xuất thực hiện mô hình nuôi tôm quảng canh tải tiến trên đất trồng lúa thay cho cách nuôi truyền thống nhằm tăng năng suất, chất lượng trên cùng diện tích.

Kỹ sư Nguyễn Chí Tình thả tôm giống trong ao nuôi của gia đình. Anh đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo, cải tiến phương pháp nuôi tôm, tận tâm hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân...

Chí Tình là con trai lớn trong gia đình nghèo có 4 anh em ở ấp Cỏ Xước, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời. Ngay từ nhỏ, Tình đã thích tìm tòi, khám phá thiên nhiên xung quanh mình. Ngoài giờ học ở trường, Tình thường theo cha, mẹ đi giăng lưới bắt cá, bắt tôm ở vuông tôm sau nhà. Có lẽ vì vậy, Tình ngày càng gắn bó với con tôm, cây lúa, với đồng đất Lợi An quê mình. Học hết lớp 12, không do dự, Tình đăng ký thi vào ngành Nuôi trồng thuỷ sản, Trường Đại học Cần Thơ với mong ước sau khi ra trường sẽ về làm việc tại quê hương.

Thành công từ dự án đầu tiên

Học được 3 tháng, nghe tin Trường Đại học Nha Trang mở lớp đúng chuyên ngành Tình đang học tại tỉnh Cà Mau; thế là, Tình quyết định chuyển về Cà Mau học. Dù bị cha mẹ phản đối nhưng Tình đã cố thuyết phục với lý do của riêng mình.

Tình chia sẻ: “Tôi học chuyên ngành thuỷ sản nên có chút kinh nghiệm chọn con giống, vì vậy, được bà con tin tưởng, công việc rất thuận lợi. Phần lớn chi phí học tập tôi tự trang trải được từ công việc bán tôm giống và đó cũng là cơ hội cho tôi gần gũi, tiếp xúc với bà con nông dân nhiều hơn".

Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 2009, chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Chí Tình được nhận vào công tác tại Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời. Anh được giao phụ trách kỹ thuật và tham mưu cho lãnh đạo trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; hỗ trợ kỹ thuật nuôi tôm cho người dân ở 3 xã: Lợi An, Phong Lạc và Phong Điền.

Những chuyến công tác đến các ấp, thường xuyên trao đổi với bà con nuôi tôm, Kỹ sư Tình nhận thấy phần lớn bà con vẫn nuôi tôm quảng canh truyền thống (QCTT) năng suất thấp, chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế trên chính vuông tôm của mình. Nếu chuyển sang nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT): chọn con giống chất lượng, cải tiến quy trình kỹ thuật nuôi... sẽ nâng cao được năng suất, chất lượng tôm nuôi, thúc đẩy phát triển nghề nuôi tôm những năm tiếp theo.

Nghĩ là làm, sau bao đêm trăn trở, lên phương án thực hiện, Kỹ sư Tình quyết định đề xuất với đơn vị trình lên Hội đồng Khoa học - Công nghệ huyện Trần Văn Thời dự án nuôi tôm QCCT, giúp nông dân tiếp cận với khoa học - kỹ thuật tiến bộ, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

Dự án thực hiện vào năm 2012, trên diện tích 98 ha, số hộ tham gia là 98, ở 3 xã: Lợi An, Phong Lạc, Phong Điền và thị trấn Trần Văn Thời. Dự án thực hiện trong vòng 6 tháng, cũng từng ấy thời gian, Kỹ sư Tình thường xuyên túc trực bên vuông tôm, nhiệt tình hỗ trợ kỹ thuật cho người dân.

"Thời điểm đó, tôi ăn cơm nhà bà con nông dân còn nhiều hơn nhà mình", Kỹ sư Tình nhớ lại. Đất không phụ lòng người, kết quả của dự án mang về lợi nhuận cho bà con khoảng 3 tỷ 312 triệu đồng.

Ông Thái Văn Khắc, một trong những hộ tham gia thực hiện dự án nuôi tôm QCCT, ở ấp Rạch Bần, xã Phong Lạc, nhớ lại: "Trong quá trình nuôi tôm, từ khâu cải tạo đất, chọn giống, thả giống và chăm sóc..., Kỹ sư Tình có mặt thường xuyên tại vuông tôm để hướng dẫn bà con nuôi đúng kỹ thuật. Tôi nhớ, Tình nhắc đi, nhắc lại bà con phải chọn tôm giống chất lượng. Tình còn đồng hành cùng bà con đến tận Bạc Liêu chọn con giống về nuôi. Năm đó, tôi thu về trên 700 kg tôm, hiệu quả khá cao so với những vụ trước".

Qua hiệu quả thực tế của dự án, diện tích nuôi tôm QCCT của huyện tăng lên rõ rệt. Cụ thể, nếu năm 2011 là 118 ha, sau khi thực hiện dự án, năm 2012, diện tích tăng lên 311 ha và hiện nay là 7.565 ha nuôi tôm QCCT trong toàn huyện.

Nức lòng dự án tôm - lúa

Càng đi nhiều, Kỹ sư Tình càng hiểu rõ hơn những cái khó trong sản xuất của bà con nông dân. Anh nhận thấy, đối với một số xã vùng ngọt, có những ấp trồng lúa không hiệu quả, dù đã có chủ trương chuyển dịch sang trồng 1 vụ lúa, nuôi 1 vụ tôm, nhưng do bà con chưa có nhiều kinh nghiệm trong nuôi tôm nên hiệu quả mang lại chưa cao. Xuất phát từ lý do đó, Kỹ sư Tình cùng một số đồng nghiệp trong đơn vị bắt tay vào thực hiện dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa - tôm tại 3 xã: Khánh Bình, Khánh Bình Đông và Phong Điền, với quy mô 100 ha.

Ông Từ Thanh Tùng, ấp Minh Hà B, xã Khánh Bình Đông, người tham gia thực hiện dự án lúa - tôm, cho biết: "Trước đó, trên 1 ha đất của gia đình tôi cũng đã trồng 1 vụ lúa, nuôi 1 vụ tôm nhưng hiệu quả thấp. Tham gia dự án, vụ đó tôi thu hoạch được 350 kg tôm sú/ha, trước khi thực hiện dự án, chỉ đạt khoảng 200 kg. Sau khi dự án kết thúc, bà con vẫn tiếp tục nuôi theo cách đã được tập huấn nên năng suất tôm đạt khá cao".

Sau những chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm công nghiệp trong và ngoài tỉnh, năm 2014, trên 2 ao nuôi tôm công nghiệp, diện tích 1 ha của cha mẹ ở ấp Cỏ Xước, Kỹ sư Tình quyết định thử nghiệm nuôi cá bổi và cá bống tượng xen canh tôm công nghiệp.

"Mục đích của tôi là muốn thử nghiệm nuôi một loài mới trong ao tôm công nghiệp xem có đạt hiệu quả hay không, đặc biệt là cải tạo môi trường ao nuôi sau thời gian dài nuôi tôm công nghiệp kém hiệu quả, nếu thành công thì mới dám hướng dẫn cho bà con làm theo. Kết quả, cá bổi và cá bống tượng mang về lợi nhuận chỉ khoảng 50 triệu đồng. So sánh cho thấy, ở vùng ngọt, người ta nuôi khoảng 4 tháng thu hoạch, còn tôi nuôi đến 9 tháng mới thu hoạch. Vụ đó, trừ chi phí còn lời khoảng 50 triệu đồng. So với thời gian và công sức bỏ ra thì lợi nhuận thấp nhưng nó sẽ giúp ích cho vụ nuôi tôm công nghiệp lần sau", anh Tình khẳng định.

Đúng như dự tính của anh, vụ tôm công nghiệp tiếp theo, anh nuôi 2 ao tôm sú, thu về lợi nhuận trên 500 triệu đồng. Tuy nhiên, sang năm 2015, anh chọn nuôi cua thay cá bổi và cá bống tượng.

"Tôi chọn nuôi cua vì lúc đó, nguồn thức ăn cho cua khá dồi dào và rẻ. Khoảng 2-3 tháng đầu tôi cho cua ăn ốc tạp, giá 1 xô ốc khoảng 10.000 đồng, sau đó cho ăn cá tạp. Kết quả, từ khi thả cua đến khi thu hoạch khoảng 4 tháng, trừ chi phí tôi còn lời khoảng 90 triệu đồng", anh cho biết.

Kể từ đó đến nay, Kỹ sư Tình vẫn tiếp tục nuôi xen canh 1 vụ tôm công nghiệp, 1 vụ nuôi cá, cua, tôm càng xanh toàn đực... phù hợp với thời điểm sinh trưởng của từng loài. "Hiện nay, giá cả các mặt hàng thuỷ sản không ổn định, tăng giảm liên tục tuỳ từng năm, vì vậy, ngoài áp dụng khoa học - kỹ thuật vào quá trình nuôi, mình cũng nên tham khảo chọn những loài nuôi mang lại giá trị kinh tế cao trong thời điểm thu hoạch", Kỹ sư Tình chia sẻ.

Không chỉ hỗ trợ bà con nuôi tôm về kỹ thuật, áp dụng những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong phát triển kinh tế gia đình và hướng dẫn người dân làm theo, với vai trò là Bí thư Chi đoàn Phòng NN&PTNT huyện, Kỹ sư Tình còn vận động đoàn viên chi đoàn hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực chuyên môn mình phụ trách, giúp đoàn viên, thanh niên nơi cư trú phát triển kinh tế gia đình.

Với những việc làm mang lại lợi ích cho cộng đồng, năm 2013, Kỹ sư Nguyễn Chí Tình vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Định Của.


Related news

Nâng cao chất lượng tôm sú từ chương trình chọn giống Nâng cao chất lượng tôm sú từ chương trình chọn giống

Kỹ thuật ghép tinh nhân tạo - Kỹ thuật này giúp quá trình sản xuất tôm sú thuận lợi và đạt hiệu quả tốt hơn bởi không còn phụ thuộc vào quá trình giao vĩ

Thursday. April 8th, 2021
Đây là lối tắt đã giúp thủy sản Singapore bứt tốc! (Phần 1) Đây là lối tắt đã giúp thủy sản Singapore bứt tốc! (Phần 1)

Sau khi đã nắm bắt được tình hình hiện tại, phần 2 sẽ tiếp tục mở rộng góc nhìn đến những thách thức và hướng phát triển cho ngành nuôi trồng thủy sản Singapore

Thursday. April 8th, 2021
Đây là lối tắt đã giúp thủy sản Singapore bứt tốc! (Phần 2) Đây là lối tắt đã giúp thủy sản Singapore bứt tốc! (Phần 2)

Nuôi trồng thủy sản Singapore phụ thuộc nhiều vào công nghệ mới và kiến thức về sinh học.

Thursday. April 8th, 2021