Giá / Mô hình kinh tế

Để Trái Mãng Cầu Xiêm Phát Triển Bền Vững, Có Hiệu Quả Ở Tiền Giang

Để Trái Mãng Cầu Xiêm Phát Triển Bền Vững, Có Hiệu Quả Ở Tiền Giang
Tác giả: 
Ngày đăng: 16/09/2012

Trong những năm qua, cây mãng cầu xiêm đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, được xem là cây “xóa khó giảm nghèo” của nhiều người dân ở huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang), nhất là ở 3 xã: Tân Phú, Tân Thạnh và Tân Thới.

Huyện hiện có 400 ha mãng cầu xiêm, trong đó xã Tân Phú có 300 ha. Hơn 2/3 diện tích mãng cầu xiêm của huyện đang cho trái ổn định, năng suất đạt từ 20 - 25 tấn/ha, cho lợi nhuận từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.

Nhìn chung, thời gian qua, trái mãng cầu xiêm luôn được thị trường ưa chuộng, dùng để ăn tươi và chế biến đóng hộp. Tuy nhiên, thế mạnh này của huyện chưa được phát huy và khai thác đúng mức, từ đó dẫn đến chất lượng vườn cây chưa cao, năng suất không ổn định, phẩm chất trái không đồng đều, sản xuất còn manh mún.

Bên cạnh đó, sự gia tăng diện tích mãng cầu xiêm còn mang tính tự phát, sản lượng chưa đáp ứng theo quy mô sản xuất hàng hóa… Cơ sở hạ tầng trong vùng sản xuất còn yếu kém, hiện chưa có cơ sở chế biến; khâu tiêu thụ sản phẩm trái mãng cầu còn lệ thuộc vào tư nhân mua bán lẻ, từ đó giá cả đầu ra còn bấp bênh, gây bất lợi cho người sản xuất…

Chính những hạn chế nêu trên đã gây trở ngại cho việc định hướng phát triển sản xuất cây mãng cầu xiêm trong những năm tiếp theo, khó tập trung đầu tư vốn.

Điều đáng chú ý là thời gian qua, kỹ thuật canh tác mãng cầu của nhà vườn từng bước được nâng lên, các công đoạn như ghép bo, thụ phấn… đã được bà con nông dân áp dụng khá hoàn hảo. Tuy nhiên, do sự lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc hóa học đã làm tác nhân gây nên bệnh khô cành, thối rễ trên cây mãng cầu xiêm, ảnh hưởng đến sản xuất.

Cụ thể là năm 2008, bệnh khô cành, thối rễ trên cây mãng cầu xiêm đã xuất hiện tại 3 ấp: Tân Ninh, Tân Thành và Tân Thạnh (xã Tân Phú), gây thiệt hại hơn 18 ha của 36 hộ trồng, với tỷ lệ cây chết từ 40 - 60% (cá biệt có hộ bị thiệt hại 100%) tập trung ở những vườn cây đang cho trái từ năm thứ hai trở đi.

Đến năm 2011, bệnh khô cành, thối rễ đã lan rộng gây thiệt hại cho 33 ha của 68 hộ trồng. Trong những tháng đầu năm 2012, bệnh lại tiếp tục xảy ra và gây chết 11 ha mãng cầu xiêm của 21 hộ trồng tại ấp Tân Ninh (xã Tân Phú). Tính chung, toàn huyện có tổng cộng 62 ha mãng cầu xiêm của 125 hộ trồng bị bệnh khô cành, thối rễ.

Qua thời gian dài bệnh chậm được khống chế, làm cho nhà vườn chưa thật sự an tâm đầu tư phát triển sản xuất. Mới đây, Bộ môn Bảo vệ thực vật - Viện Cây ăn quả miền Nam đã tiến hành nghiên cứu có kết quả và hướng dẫn nông dân biện pháp phòng, chống bệnh khô cành, thối rễ trên cây mãng cầu xiêm. Kết quả này đã thật sự đem lại niềm vui cho nhà vườn.

Tuy nhiên, để tiếp tục mở rộng diện tích mãng cầu xiêm trong bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng của huyện Tân Phú Đông những năm tới cần có một giải pháp đồng bộ hơn như tập trung củng cố, phát huy hiệu quả mô hình kinh tế hợp tác. Vì Tổ hợp mãng cầu xiêm Tân Phú tuy đã thành lập gần hai năm nay, nhưng vẫn chưa hoạt động hết chức năng do thiếu vốn và cơ sở vật chất.

Nếu củng cố, nâng chất tổ hợp tác lên thành hợp tác xã hoặc liên doanh sản xuất mãng cầu sẽ là điều kiện thuận lợi để cung cấp đầu vào và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, tạo nên chuỗi giá trị hàng hóa khép kín cung cấp cho nhu cầu thị trường.

Trong khi chờ đợi sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh để triển khai thực hiện dự án phát triển cây mãng cầu xiêm, trước mắt huyện khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài huyện mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến mãng cầu tại địa phương, nhằm giải quyết đầu ra cho mặt hàng nông sản này; tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu; đồng thời đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân…

Riêng đối với nhà vườn trồng mãng cầu cần mạnh dạn đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ sản xuất, tự điều chỉnh mảnh vườn, thửa ruộng của mình sao cho phù hợp với đặc điểm của vùng sản xuất.

Đây là nhóm giải pháp quan trọng để mở rộng, phát triển diện tích mãng cầu xiêm Tân Phú Đông, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thoát nghèo bền vững cho nhiều hộ dân đang trồng loại cây đặc sản của vùng đất cù lao.


Có thể bạn quan tâm

Tổ Hợp Tác Trồng Ớt Ở Xã Tam Ngãi Tổ Hợp Tác Trồng Ớt Ở Xã Tam Ngãi

Trong những năm qua, thực hiện chương trình đưa cây màu xuống chân ruộng, nông dân tỉnh Trà Vinh đã thực hiện một cách có hiệu quả, vừa tạo được độ màu mỡ, tơi xốp cho đất và lợi nhuận mang lại cao gấp nhiều lần so với đơn thuần trồng lúa.

16/09/2012
Bản Trung Sơn Phát Triển Chăn Nuôi Lợn Bản Trung Sơn Phát Triển Chăn Nuôi Lợn

Được sự hỗ trợ của Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh, những năm qua, một số thôn, bản trên địa bàn xã miền núi Trường Sơn nói chung và bản Trung Sơn nói riêng đã phát triển chăn nuôi lợn, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con dân tộc Vân Kiều.

16/09/2012
Ba Ba Mở Hướng Làm Giàu Ba Ba Mở Hướng Làm Giàu

Mới khởi nghiệp được khoảng 6 năm nhưng mô hình nuôi ba ba đã giúp gia đình anh Đinh Công Thủ, ở ấp Láng Hầm B, xã Thạnh Xuân trở thành triệu phú. Mà không chỉ có gia đình anh Thủ, hiện nay có rất nhiều hộ nuôi ba ba ở Thạnh Xuân cũng “phất” lên từ con ba ba.

16/09/2012