Prices / Mô hình kinh tế

Để Nghề Nuôi Cá Tra Phát Triển Bền Vững Vì Sao Bấp Bênh?

Để Nghề Nuôi Cá Tra Phát Triển Bền Vững Vì Sao Bấp Bênh?
Author: 
Publish date: Saturday. October 12th, 2013

Sự “ăn rã”, thiếu liên kết từ khâu sản xuất, đến tiêu thụ, chế biến khiến nghề nuôi cá tra vẫn bấp bênh. Người nông dân vừa nuôi cá vừa lo âu, luôn đối mặt những rủi ro lớn!

Chú Bảy Tui- là một trong những người đầu tiên nuôi cá tra ở Mang Thít (Vĩnh Long) cho rằng, giá cá từ 6.000 đ/kg (năm 2003- PV) hay đột biến tăng 28.500 đ/kg vào năm 2011, nhưng “lời nhiều hoặc ít, không bao giờ lỗ”.

Vừa nuôi, vừa lo

Còn từ năm 2012 đến nay, giá cá “ổn định ở mức rất thấp”, nuôi cá liên tiếp lỗ lã. Với quy mô nhỏ lẻ, nông dân vẫn có điều kiện bám ao, trông chờ “giá đợt sau cao hơn đợt trước”.

Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn, giá cả biến động thấp, khó bán, lại xuất hiện nhiều cá nhân lợi dụng gây tâm lý người nuôi hoang mang: bán cá liệu có lấy được tiền và vừa nuôi vừa lo… đủ thứ từ đầu vào đến đầu ra.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt- Chủ tịch UBND xã Chánh An, nếu người nuôi đủ điều kiện trả tiền mặt mua thức ăn tốt thì tốn khoảng 1,4- 1,5kg thức ăn cho 1kg cá, còn các loại thức ăn “cho thiếu chịu” thì chất lượng thấp, phải tốn từ 1,6- 1,65kg thức ăn cho một ký cá.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các hộ nuôi cá tra hiện nay không có điều kiện và phải bắt tay với DN cung ứng thức ăn. Đây cũng là giải pháp tốt, bởi nói như chú Phan Thanh Sơn (Năm Lâm- ấp An Hòa B, xã Chánh An), có DN cung ứng thức ăn tới khi bán cá mới trả tiền thì yên tâm hơn. DN chế biến chậm trả tiền mua cá, chú đã ủy thác cho DN thức ăn “đòi nợ dùm”.

Nhưng không phải người nuôi cá nào cũng có “mối ngon” như vậy. Nhiều hộ nuôi cho biết, một số DN thức ăn “cà giựt” đưa thức ăn không đủ, khiến cá ốm đói, mất sản lượng, lượng thức ăn tăng đến 1,78kg trên 1kg cá. Vì thế, cá lớn nhanh hay chậm, chi phí cao hay thấp cũng tùy vào “ông thức ăn”.

Có hộ cho biết, muốn thúc cho cá ăn để bán kịp mùa hè, mỗi đợt 5- 6 ngày DN mới đưa thức ăn xuống, lượng thức ăn cũng chỉ đáp ứng hơn 1 ngày là hết sạch, cá phải… nhịn đói!

Nhiều nông dân còn lo “hổng biết thức ăn có đảm bảo chất lượng, không sử dụng các chất cấm”. Bởi từng có 1 hợp tác xã tại xã Chánh An lấy nguồn thức ăn không đảm bảo, khiến các xã viên rút ra hết. Cho nên, chú Năm Lâm nói như ước: “Nếu có tiền mặt tự mua thức ăn tốt sẽ hiệu quả hơn”. Theo người nuôi cá, chậm trả tiền thức ăn còn phải trả lãi suất 18%/năm.

Không nuôi cá biết làm gì, nên theo chú Tám Liếp: “Phải duy trì nuôi 1 ao để hy vọng có cái trả nợ. Nhưng cá xuống ao 2 tháng, không một viên thức ăn. Lâu lâu chạy mượn được vài bao, rải cho ăn sương sương. Lớp tiền thuốc, tiền thức ăn, lãi suất 2- 3 đầu riết rồi ai nuôi cá cũng kêu trời”.

Trong khi đó, với giá thành nuôi 21.000- 22.000 đ/kg, nếu được giá 23.000 đ/kg như gần đây, người nuôi có lời chút đỉnh. Nhưng “từ năm 2012 đến nay, người nuôi luôn lỗ 1.000- 2.000 đ/kg. Cộng với DN chế biến trả tiền chậm, thì coi như công dã tràng”.

Hệ quả từ sự “ăn rã”

Người nông dân nuôi cá lấy công làm lời, chăm đàn cá như chăm con, chuyện nuôi cá sao bớt hao hụt, trời mưa nhiều điều chỉnh thức ăn để cá giảm bệnh… kinh nghiệm nắm trong tay.

Nhưng rất ít biết về thị trường, “chiêu” eo sách của người mua cá, “những năm trước DN rất “kỵ” size cá lớn (trên 800g), gần đây lại mua giá cao (23.000 đ/kg), còn cá đúng size giá bèo (21.000 đ/kg). Còn nữa, 1 “lón” cá (khoảng 1 cần xé- PV) bắt lên đếm, tùy tỷ lệ DN định ra mà trừ, có DN thì 3kg cá dạt bằng 1kg cá thành phẩm nhưng có DN lấy tới 4kg”- đó là một trong nhiều bức xúc.

Còn anh Hai Hồng lý giải: “Mua thức ăn, giá cả, thời gian trả, lãi suất trễ hạn… nhà máy thức ăn quyết định. Mình bán cá, giá cả, chất lượng, thanh toán, thậm chí đến cây cân… nhà máy chế biến toàn quyền quyết định. Cá lớn quá hay nhỏ quá cũng chê”.

Thực tế, một số người nuôi “canh thời thả cá” phất lên vài ba vụ, nhưng rồi “lỗ nặng kéo dài, không… có gạo mà ăn”. Chú Năm Lâm nói thiệt lòng: “Lúc không tiếp cận được vốn ngân hàng thì khổ, giờ vốn ngân hàng thoáng hơn thì DN lại chèn ép”.

Còn giám đốc một DN lại… nhìn chỗ khác: “Nhà máy tôi công suất 300 tấn nguyên liệu/ngày, cần khoảng 100 tỷ trung dài hạn và 200 tỷ ngắn hạn. Nhưng ngân hàng chỉ chuyển 20 tỷ/ngày, đâu đủ vốn sản xuất kinh doanh. Làm sao có hiệu quả trả lãi suất ngân hàng, mua cá tiền mặt cho nông dân?”

Phân tích của Chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Phát Nguyễn Văn Hồng cho thấy:

“Cá không phải cỡ nào bán cũng được. DN thiếu tiền ao cá trước, nhưng ao này tới lứa vẫn buộc phải bán cho họ, lỗ vẫn bậm môi bán. Nếu đạt 800g không bán, huốt 900g thành... cá quá lứa. Dưới ao, cá không cho ăn sẽ ốm đói, 1 ngày không cho ăn giảm 1% về lượng, tính sơ 100 tấn sẽ mất 1 tấn/ngày”. Hợp tác xã từng có DN gắn kết, nhưng sau “lỏng queo, không còn chặt chẽ, do mình không mạnh nên DN muốn bẻ kèo lúc nào thì bẻ”. Tuy vậy, anh Hồng cũng tin tưởng “luôn động viên anh em xã viên làm sao liên kết để tạo sức mạnh”.

Thiếu liên kết và chưa tìm được tiếng nói chung, thật sự trở thành căn bệnh “trầm kha” của ngành nuôi- chế biến- xuất khẩu cá tra. Lãnh đạo một DN thủy sản ở Vĩnh Long từng nói thật rằng trước khi xây dựng nhà máy cũng đã tính chuyện liên kết với nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo công suất hoạt động nhà máy. Nhưng do thiếu vốn nên chưa thể “bắt tay” với người nuôi, nên nhiều lúc “chạy từng bữa” để có nguồn nguyên liệu. Nếu người nuôi “treo ao” thì nhà máy cũng… trùm mền.

Chú Năm Lâm than thở: Giờ kỹ thuật nuôi cá tra có thừa, cá bệnh hoạn gì nhìn qua biết liền, nhưng ngặt nỗi vốn liếng ngày càng teo tóp. DN mua cá thiếu tiền nông dân, nông dân lại thiếu tiền DN thức ăn, nên cứ vòng quay cùng kéo nhau... chết.


Related news

Hỗ Trợ Phát Triển Giống Cây Trồng, Vật Nuôi Hỗ Trợ Phát Triển Giống Cây Trồng, Vật Nuôi

Với mong muốn nông dân sẽ mạnh dạn hơn trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, góp phần với ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Mới đây, UBND tỉnh thống nhất việc hỗ trợ giá giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh qua từng năm, kết thúc vào cuối năm 2015...

Saturday. October 12th, 2013
Giá Ớt Biến Động Bất Thường Giá Ớt Biến Động Bất Thường

Huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) có khoảng 100 ha chuyên trồng các giống ớt chỉ thiên, F1 Đài Loan, Thái Lan xuất khẩu, tập trung chủ yếu ở các xã Hà Thanh, Nguyên Giáp, Minh Đức.

Saturday. October 12th, 2013
Mô Hình Nuôi Ba Ba Đạt Hiệu Quả Ở Đồng Tháp Mô Hình Nuôi Ba Ba Đạt Hiệu Quả Ở Đồng Tháp

Là địa phương nằm ven sông Hậu, có nguồn nước ngọt quanh năm nên rất thuận lợi cho việc nuôi con ba ba. Từ điều kiện đó, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đưa ra mô hình nuôi ba ba để các hộ nghèo ở địa phương có điều kiện làm kinh tế.

Saturday. October 12th, 2013