Prices / Tin thủy sản

Để hạn chế bị kiện chống bán phá giá

Để hạn chế bị kiện chống bán phá giá
Author: Sáu Nghệ (thực hiện)
Publish date: Thursday. November 9th, 2017

Sản phẩm thủy sản không phải là nông sản theo quan niệm của WTO, mà nằm trong danh mục “hàng hóa phi nông sản”. Còn ở nước ta, sản phẩm thủy sản được dùng chung chính sách nông nghiệp. Rõ ràng, hệ thống chính sách không phát triển kịp tiến trình hội nhập, trong lúc, thủy sản nước ta có lợi thế cạnh tranh nên khi xuất khẩu hay bị kiện chống bán phá giá. Đó là chia sẻ của TS Trần Ngọc Hùng (ảnh), Trường Cán bộ quản lý NN&PTNT I với Thủy sản Việt Nam.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam gặp rào cản ở nhiều thị trường Ảnh: LHV 

Phải chăng chính sách tài chính thời gian qua đối với thủy sản có sự ưu đãi không thích hợp trong tiến trình hội nhập và thủy sản được thụ hưởng quá mức, thưa ông?

Không hoàn toàn như thế. Nghiên cứu của chúng tôi cho kết quả, có 41% số người phỏng vấn đánh giá không được thụ hưởng từ chính sách tài chính, cao hơn được thụ hưởng chỉ 40,2%. Nhất là với doanh nghiệp và người dân, không được thụ hưởng 40,4% so được thụ hưởng chỉ 22,8%; còn lại không có ý kiến.

Sẽ thấy rõ hơn khi phân tích kết quả đánh giá từng chính sách cụ thể. Với chính sách trợ cấp khuyến khích phát triển thủy sản, chỉ 5,1% đánh giá địa phương/cơ sở mình được thụ hưởng; 23,9% đánh giá không được thụ hưởng; còn 70,9% không có ý kiến. Với chính sách miễn giảm thuế, 20,5% đánh giá được thụ hưởng; 3,4% không được thụ hưởng và 76,1% không có ý kiến. Còn chính sách bảo hiểm khuyến khích phát triển thủy sản, chỉ 12% được thụ hưởng, 16,2% không được thụ hưởng và 71,8% không có ý kiến.

Ngay như chính sách tín dụng, đáp ứng một nhu cầu bức thiết mà cũng chỉ 25,6% đánh giá được thụ hưởng; 9,4% không được thụ hưởng và 65% không có ý kiến. Ở đây, người dân không kêu về lãi suất mà kêu về khả năng, điều kiện tiếp cận vốn quá phức tạp, khó khăn. Nhất là với người nuôi tôm ao đất, nhu cầu vốn cho một ao 400 - 500 triệu đồng, chỉ được vay khoảng 10%.

Còn chính sách đầu tư khuyến khích phát triển thủy sản mà thời gian qua luôn được nhấn mạnh, kết quả như thế nào?

 Cũng chỉ có 12% đánh giá địa phương/cơ sở mình được thụ hưởng từ chính sách đầu tư khuyến khích phát triển thủy sản; còn 17,9% không được thụ hưởng và 70,1% không có ý kiến. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp và ngư dân được thụ hưởng chính sách rất thấp là 5,3%.

Hiệu quả chính sách trong thực tế mâu thuẫn với kỳ vọng của chính sách có 3 nguyên nhân chính. Đó là thông tin tuyên truyền còn hạn chế, người dân chưa hiểu rõ chính sách; quá trình triển khai thực hiện chưa minh bạch, nhất là còn nhiều khoản đóng góp ở địa phương làm triệt tiêu ưu đãi của chính sách và thiếu nguồn lực để thực hiện.

Đánh giá về ngành thủy sản qua nghiên cứu hiện lên như thế nào, thưa ông?

Nhìn chung, các thành phần tham gia đều đánh giá điều kiện phát triển thủy sản rất thuận lợi với tỷ lệ 72,6%, trong đó, cán bộ quản lý nhà nước là 71,7% tương đương doanh nghiệp và hộ dân 73,7%. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi, doanh nghiệp và người dân đã tích lũy được vốn tri thức và kinh nghiệm, các cấp chính quyền xác định đúng vai trò quan trọng và có những chính sách khuyến khích phát triển thủy sản, nhu cầu thị trường quốc tế có nhiều yếu tố thuận lợi cho cạnh tranh.

Đặc biệt là trong 5 năm qua, kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn nhưng thủy sản nước ta vẫn là ngành hiếm hoi tăng trưởng cao. Tỷ lệ đánh giá thủy sản phát triển tốt lên là 63,2%; trong đó, 68,4% doanh nghiệp và người dân đánh giá tốt lên.

Thưa ông, hình như có một sự mâu thuẫn, trong khi chính sách tài chính còn nhiều hạn chế thì ngành thủy sản lại phát triển liên tục với tỷ lệ cao trong nhiều năm?

Không phải mâu thuẫn mà đã chứng minh, trong tạo lập chính sách đang có dư địa lớn cho sự thay đổi để thúc đẩy thủy sản phát triển ổn định hơn. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi nhận được tỷ lệ 38,5% đề xuất cần thay đổi chính sách; trong cán bộ cơ quan quản lý nhà nước là 36,7%%; doanh nghiệp và ngư dân 40,4%.

Trở lại vấn đề thủy sản xuất khẩu của nước ta hay bị kiện chống bán phá giá, trong thay đổi chính sách cần điều gì để hạn chế?

Cần có hệ thống chính sách đặc thù với ngành thủy sản, thay vì việc dùng chung chính sách nông nghiệp mà ở đó, đối tượng chủ yếu là các ngành hàng nông sản. Mỗi công cụ chính sách có những mặt trái nhất định, khi thực thi đều có thể mang lại những kết quả không mong muốn, chỉ có thể giảm thiểu khi định vị đúng và gắn kết trúng các công cụ chính sách vào chuỗi liên kết.

Việc sử dụng công cụ hỗ trợ lãi suất (từ ngân sách) trong tín dụng cho lĩnh vực thủy sản làm tiềm ẩn nguy cơ vướng vào các vụ kiện về trợ cấp. Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ cáo buộc trợ cấp khi có khoản đóng góp tài chính từ Chính phủ; khoản trợ cấp được trao cho một nhóm công ty hoặc một ngành cụ thể và từ đó sinh ra khoản lợi ích thực tế. Nếu dựa vào ba tiêu chí trên rất nhiều chính sách được ban hành trong thời gian qua có chứa đựng nhân tố “trợ cấp”. Tuy nhiên, để cáo buộc được một doanh nghiệp nhận trợ cấp phải đảm bảo đồng thời cả ba tiêu chí, chính vì vậy, tiêu chí thứ ba thường được các doanh nghiệp sử dụng để phản bác trong các vụ kiện chống trợ cấp. Dựa trên cơ sở đó, năm 2013, Việt Nam đã tránh được phán quyết sơ bộ của DOC với vụ kiện chống trợ cấp với tôm nước ấm nhập khẩu vào Mỹ.

Cuối cùng, để thay đổi chính sách tài chính phù hợp bối cảnh hội nhập, thúc đẩy ngành thủy sản tăng trưởng bền vững, ông có kiến nghị gì?

Để hướng đến các chính sách tài chính khuyến khích phát triển chuỗi liên kết thủy sản trong bối cảnh hội nhập, cần tiếp cận với những nhận thức mới. Vận dụng rộng rãi hơn tiếp cận đa chiều trong quá trình tạo lập chính sách, theo chúng tôi là 5 T: thực tiễn, thiết thực, tham gia, định hướng thị trường và tích hợp các giải pháp cùng nguồn lực trong chính sách. Tham gia tạo lập chính sách cần có 3 chân kiềng để tạo thế vững chắc là chính phủ cùng chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhu cầu thị trường hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, có cơ chế hỗ trợ để các doanh nghiệp có năng lực huy động nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức tài chính ngoài nước. 


Related news

Hà Tĩnh: Bền vững như nuôi tôm thẻ chân trắng VietGAP Hà Tĩnh: Bền vững như nuôi tôm thẻ chân trắng VietGAP

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo VietGAP, mật độ thả 80 con/m2, tỷ lệ sống 75%, kích cỡ tôm đạt 60 - 70 con/kg, năng suất 10 tấn/ha

Thursday. November 9th, 2017
Hệ thống lạnh hỗn hợp trên tàu lưới kéo xa bờ tại Bình Thuận Hệ thống lạnh hỗn hợp trên tàu lưới kéo xa bờ tại Bình Thuận

Ứng dụng bảo quản lạnh trên tàu đánh bắt thủy hải sản xa bờ đặc biệt là những công nghệ bảo quản lạnh mới phù hợp với từng loại nghề khai thác, phù hợp tập quán

Thursday. November 9th, 2017
Cơ hội “lột xác” cho thủy sản Việt Nam Cơ hội “lột xác” cho thủy sản Việt Nam

Mỗi năm tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng hải sản của Việt Nam đạt 1,9-2,2 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang EU chiếm khoảng 16-17%.

Thursday. November 9th, 2017