Để Có Cá Tra Giống Chất Lượng Cao
Đề cập tới nghề nuôi cá tra (CT), thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông liên tục xuất hiện các cụm từ: “Treo ao”; người nuôi thua lỗ, thiếu vốn; xây dựng nhà máy chế biến CT theo kiểu phong trào... Đó là “một góc” hiện trạng nghề nuôi CT ở vùng ĐBSCL cần có các giải pháp giải quyết.
Tuy nhiên, để nghề nuôi CT phát triển bền vững, một vấn đề không thể xem nhẹ là chất lượng con giống. Đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành - bại đối với người nuôi. Theo nhiều người nuôi CT, tỉ lệ hao hụt bình quân lên đến 25 - 30%, nếu mua... nhầm cá giống từ nguồn cá bố mẹ bị đồng huyết, thoái hóa, tỉ lệ hao hụt có thể lên đến 40 - 50%.
Chất lượng CT giống kém chất lượng là do thời gian qua, nguồn giống cá hậu bị, cá bố mẹ chỉ mới có 5,2%/152 trại sản xuất cá bột có đàn cá bố mẹ đã qua chọn lọc di truyền từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (NCNTTSII), trên 31% cơ sở sản xuất chọn mua cá bố mẹ từ nguồn cá tự nhiên. Có đến gần 57,5% số trại tự chọn lựa cá bố mẹ từ đàn cá nuôi thịt.
Đây là tình hình rất đáng quan ngại, là “lực cản” đối với mục tiêu nhân rộng mô hình sản xuất CT theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobaGAP. Có thể thấy, trình độ kỹ thuật ươm CT giống của các trại sản xuất còn hạn chế; số hộ tham gia sản xuất cá giống quá nhiều (trên 4.400), lại phân bố rải rác ở nhiều nơi nên việc kiểm tra chất lượng còn lỏng lẻo. Quả vậy, theo kết quả điều tra gần đây của Viện NCNTTSII, chỉ có 5/8 tỉnh có kiểm dịch con giống; 5 - 6/8 tỉnh có tổ chức tập huấn về quản lý chất lượng, kỹ thuật sản xuất giống; 5 - 6/8 tỉnh có kiểm tra thú y cơ sở sản xuất giống...
Tại Diễn đàn khuyến nông @ diễn ra ở Trà Vinh gần đây với chủ đề “Phát triển nghề nuôi CT theo hướng VietGAP”, nhiều ý kiến lại cảnh báo về chất lượng CT giống.
Theo Viện NCNTTSII, hàng năm các cơ sở sản xuất, ươm CT giống vùng ĐBSCL cung cấp cho thị trường khoảng 16 tỉ cá bột, gần 2 tỉ cá giống - đáp ứng nhu cầu cho toàn vùng. Ấy nhưng, thời gian qua, tuy có không ít chương trình nâng cấp chất lượng CT giống được triển khai (mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất CT giống đạt chất lượng, thay thế đàn cá bố mẹ bị suy thoái bằng đàn cá bố mẹ sạch bệnh...), song chất lượng CT giống vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Vừa qua, Viện NCNTTSII đã cung cấp 100.000 con cá tra hậu bị cho một số trại giống ở các địa phương vùng ĐBSCL từ chương trình tuyển chọn giống CT trên tính trạng kháng bệnh gan - thận mủ. Từ nguồn cá giống hậu bị này, có thể tạo ra con giống có tốc độ tăng trưởng cao hơn giúp tăng năng suất, giảm giá thành - thời gian nuôi...
Tuy nhiên, cùng với nguồn cá bố mẹ chất lượng tốt, sạch bệnh, theo các nhà khoa học ngành thủy sản, cần nghiên cứu thức ăn đặc thù cho từng giai đoạn cá bố mẹ, cá giống; thuốc phòng trị bệnh chuyên dùng; phát triển công nghệ nuôi nước (thông qua đó kiểm soát được chất lượng nước); nâng diện tích bình quân mỗi ao ươm lớn hơn so với bình quân hiện nay (2.000 m2/ao)...
Có thể bạn quan tâm
Thiếu vốn để sản xuất, chi phí đầu vào tăng cao, tiêu thụ bất ổn cũng như công tác thông tin, dự báo thị trường còn hạn chế là những nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản nói chung và sản xuất, tiêu thụ cá tra nói riêng của tỉnh Vĩnh Long hiện nay.
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, kết thúc vụ cá ngừ đại dương năm 2012, sản lượng đạt cao nhất từ trước đến nay với hơn 4.000 tấn nhờ người dân chuyển từ nghề câu vàng truyền thống sang câu tay kết hợp đèn pha. Tuy nhiên, chính cách câu này làm giá cá rớt thê thảm.
Điều quan trọng hiện nay là các hộ nuôi và doanh nghiệp cố gắng tập trung vào chất lượng để nâng cao uy tín cho mặt hàng xuất khẩu chủ lực này.