Để Bảo Đảm Năng Suất Tôm Nuôi, Quyết Liệt Kiểm Soát Chất Lượng Giống
Sản lượng thuỷ sản nhiều năm qua ở huyện Năm Căn (Cà Mau) không đạt theo kế hoạch do nhiều yếu tố. Trong đó một phần do chất lượng con giống gây nên.
Hệ quả của tôm giống kém chất lượng
Với diện tích 4,6 ha đất nuôi tôm, ông Trần Văn Yên, ấp 3, xã Hàng Vịnh đã cắt đôi mảnh đất, một nửa áp dụng nuôi theo kiểu truyền thống xổ theo con nước để bảo đảm cho cuộc sống hằng ngày của gia đình, nửa còn lại nuôi quảng canh cải tiến năng suất cao để phát triển kinh tế.
Trước đây, mô hình này giúp cho gia đình ông mỗi năm thu nhập trên 150 triệu đồng, nhưng 2 năm trở lại đây, mặc dù ông đã áp dụng rất nghiêm ngặt các quy trình từ cải tạo, chọn giống cho đến khâu vèo… nhưng do chất lượng tôm giống kém dẫn đến tôm nuôi không đạt hiệu quả.
Ông Yên cho rằng, nhiều điểm phân phối tôm có thương hiệu tôm chất lượng cao nhưng thực tế đến khi hút hàng lại bắt tôm nhiều nơi rồi đóng thùng bán cho người dân.
Ông Mã Thanh Sang, ấp 3, xã Hàng Vịnh, cho biết, với hơn 6 ha đất nuôi tôm, mỗi năm gia đình ông cần trên 500.000 con giống. Thời gian qua ông mua tôm giống tại các cơ sở sản xuất ở địa phương về lấy mẫu đi xét nghiệm không đạt.
Không riêng hộ ông Yên và ông Sang mà hiện trên địa bàn huyện Năm Căn có hàng ngàn hộ rơi vào tình trạng trên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tôm chết, trong đó nguyên nhân chính vẫn là do tôm giống kém chất lượng.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, khuyến cáo, người nuôi tôm nên chọn những con giống ở những cơ sở sản xuất có chất lượng, có địa chỉ rõ ràng và nên xét nghiệm trước khi thả giống vì con giống là 1 trong 4 yếu tố quyết định năng suất của một vụ nuôi.
Khó kiểm soát
Qua thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, hiện có 326 cơ sở sản xuất tôm giống và có trên 7.800 bể ươm, mỗi năm xuất trên 3 tỷ post tôm giống.
Ông Hồ Văn Việt, Trưởng Trạm Kiểm dịch giống thuỷ sản huyện Năm Căn, cho biết, để có được con giống thuỷ sản chất lượng cao theo tiêu chuẩn Việt Nam, sạch bệnh và an toàn sinh học, buộc các cơ sở sản xuất giống phải bảo đảm đủ điều kiện theo quy trình sản xuất. Nhưng qua kiểm tra, số trại sản xuất tôm giống đủ các điều kiện chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thực tế, quy trình sản xuất giống mỗi trại làm theo một cách riêng. Nếu tuân thủ quy trình sản xuất, các trại sản xuất ứng dụng công nghệ ươm giống và chọn tôm mẹ tạo giống chất lượng cao thì cần nguồn vốn đầu tư lớn. Trong khi đó, công tác kiểm dịch giống thuỷ sản tại địa phương chưa phát huy hết hiệu quả.
Ông Lưu Ngọc Hy, Phó trưởng Trạm Kiểm dịch giống thuỷ sản huyện Năm Căn, cho biết, với trang thiết bị hiện tại chỉ có thể kiểm tra trên cơ bản một số loại bệnh có thể phát hiện bằng phương pháp cảm quan như: đốm trắng, đầu vàng, còi, tôm phát sáng… Còn lại gần chục loại bệnh khác trên tôm phụ thuộc vào thiết bị công nghệ cao.
Bên cạnh đó, vấn đề tôm giống nhập ngoại tỉnh gây không ít khó khăn cho các công ty, HTX địa phương do sự cạnh tranh giá cả và chất lượng tôm giống nhập ngoại.
Ông Đặng Thanh Hùng, Chủ nhiệm HTX Thành Công, ấp 2, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, cho biết: Thời điểm này, HTX đang hạ giá thành tôm giống xuống 10%, 1 post sú dao động từ 20 - 25 đồng, đóng thùng 40 đồng, có lúc giảm dưới 40 đồng. Do tôm nhập ngoài tỉnh có giá thấp nên HTX buộc hạ giá theo để xuất được hàng.
Không riêng vì HTX Thành Công, hầu như các HTX, công ty sản xuất tôm giống ở huyện Năm Căn đang gặp khó khi luồng tôm nhập ngoại. Theo báo cáo của Trạm Kiểm dịch giống thuỷ sản huyện Năm Căn, nhiều cơ sở hoạt động cầm chừng công suất khoảng 40% so với năm trước.
Ông Hồ Văn Việt khẳng định, muốn nâng cao chất lượng giống thuỷ sản, ngoài nhiệm vụ của đơn vị phải có sự phối hợp với các ngành chức năng, phải giải quyết dứt điểm những cơ sở ngoài quy hoạch. Khó khăn hiện nay là có nhiều cơ sở xuống cấp nhưng vẫn hoạt động sản xuất giống, giống xuất trại không qua kiểm dịch.
Vấn đề cần phải làm là xây dựng khu sản xuất giống tập trung. Đây là điều kiện cần thiết nhất đối với huyện Năm Căn để có thể cải thiện, nâng cao chất lượng tôm giống theo tiêu chuẩn giống thuỷ sản Việt Nam.
Cần quản lý chặt chẽ
Quản lý tốt các cơ sở sản xuất con giống tại chỗ không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu người nuôi tôm ở địa phương, giúp cho người nông dân tránh được những thiệt hại khi thả nuôi con giống không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.
Do yêu cầu thực tế, Đề án Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả tôm nuôi huyện Năm Căn được xây dựng và triển khai thực hiện. Huyện đưa ra mục tiêu nâng cao chất lượng con giống bằng cách tổ chức điều tra và sắp xếp lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản.
Công bố rộng rãi các cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng cao để người dân lựa chọn, nâng cao năng lực chuyên môn và trang thiết bị cho cán bộ làm công tác kiểm tra chất lượng tôm giống. Nâng cao trình độ kỹ thuật và ý thức chấp hành pháp luật cho các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống để đáp ứng nhu cầu sản xuất con giống đạt chất lượng cao.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, cho biết thêm, theo kế hoạch, những trại sản xuất nằm ngoài quy hoạch không được mở rộng diện tích mà giữ nguyên hiện trạng để khảo sát kiểm tra hoạt động, buộc nâng cấp đủ điều kiện sản xuất con giống và dần đưa vào tuyến quy hoạch. Còn những công ty, HTX nằm trong tuyến quy hoạch, có nhu cầu nâng cao khả năng sản xuất thì đơn vị khảo sát chấp thuận.
Related news
Bước đầu qua điều tra tại một số huyện thuộc Hà Nội, Hà Tây cho thấy nông dân đã sử dụng 8 loại thuốc điều hòa sinh trưởng (thuốc trong danh mục gồm 7 loại, trong đó thuốc có chứa hoạt chất Gibberellic acid chiếm 70,9%; thuốc ngoài danh mục 1 loại).
Năm 2001, ngành công nghiệp tôm của Thái Lan trải qua một biến đổi đáng kể khi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng và trở thành nhà cung cấp Tôm Thẻ Chân Trắng hàng đầu thế giới
Vấn đề chất lượng cà phê xuất khẩu không chỉ riêng của Lâm Đồng mà là điểm yếu cố hữu của ngành cà phê Việt Nam. Tỷ lệ cà phê nước ta tham gia đấu thầu ở Sàn Giao dịch Luân Đôn (LIFEE) đạt tiêu chuẩn chỉ dưới 50%. Tổng kết ở 10 cảng châu Âu cho thấy, Việt Nam chiếm tới 88% tổng số cà phê không đạt tiêu chuẩn của cả thế giới, chỉ có 53% cà phê Việt Nam xuất khẩu cho Nestlé đạt tiêu chuẩn. Kraft Foods cũng khuyến cáo điều chỉnh chiến lược mua cà phê Việt Nam