Đề Án Lúa – Tôm – Sức Bật Cho Canh Nông
Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất nước, với hơn 294.000 ha và hơn 97.000 ha đất canh tác nông nghiệp. Năm 2010, tổng sản lượng lúa ước đạt trên 485.000 tấn, sản lượng tôm trên 250 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 800 triệu USD, cao nhất từ trước đến nay.
Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất lúa - tôm” (gọi tắt là đề án lúa - tôm), bước đầu tạo ra đột phá mới làm chuyển biến mạnh mẽ nền sản xuất ở Cà Mau.
Cà Mau có hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ, sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết, trình độ ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất của nông dân còn hạn chế, tôm nuôi thường xuyên xảy ra dịch bệnh. Năng suất tôm nuôi thấp nhất cả nước, khoảng 356 kg/ha/năm. Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất lúa - tôm” ra đời là một “cứu cánh”.
Hướng đến nền sản xuất bền vững
Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Dũng, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo đề án, cho biết: “Qua hơn 1 năm thực hiện, năng suất lúa và tôm nuôi tăng nhiều so với trước. Trên 50% nông dân trồng lúa và 65% người nuôi tôm được tập huấn kỹ thuật khuyến nông, khuyến ngư. Đề án đã tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, nâng cao giá trị hàng hóa tôm và lúa thương phẩm”.
Từ thành công của các mô hình thí điểm trong đề án đã tạo được lòng tin trong nhân dân. Vụ mùa năm 2010, nông dân đã chuyển đổi giống lúa mới, sản xuất theo quy trình kỹ thuật tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng lúa hàng hóa.
Các mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao, tôm sinh thái, tôm - lúa được người dân áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sử dụng các chế phẩm sinh học thay dần các hóa chất kháng sinh. Năm 2009, năng suất bình quân của các mô hình 722 kg/ha, 10 tháng đầu năm 2010 tăng 910 kg/ha, tăng gấp 2 lần so với năng suất tôm nuôi trong toàn tỉnh trước khi thực hiện đề án.
Đề án lúa - tôm không chỉ nâng cao chất lượng sản xuất mà còn từng bước sắp xếp các trại sản xuất tôm giống vào nơi quy hoạch, nâng cao chất lượng con giống. Nhờ đề án, nông dân không những biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mà còn tạo ra sự liên kết giữa “4 nhà", hướng đến nền sản xuất nông nghiệp chất lượng cao.
Một thời gian dài, nông dân Cà Mau đứng giữa đôi dòng mặn - ngọt, chỉ chọn được một trong hai. Trong khi đó, bờ mặn với hiệu quả từ nuôi tôm cao hơn trồng lúa, khiến nhiều người quay lưng với vùng ngọt, phá vỡ quy hoạch. Sau nhiều năm nuôi tôm theo kiểu truyền thống, nguồn nước bị ô nhiễm, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, tôm chết, nhiều hộ dân lâm vào cảnh nợ nần.
Hiệu quả được khẳng định
Trồng lúa trên đất nuôi tôm góp phần làm sạch môi trường, tăng năng suất trên cùng diện tích. (Trong ảnh: Nông dân xã Trí Lực, huyện Thới Bình thu hoạch tôm).
Sau 5 tháng thực hiện mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao trên 1 ha, anh Nguyễn Tấn Quang, ấp Hưng Mỹ, xã Trần Thới, huyện Cái Nước, phấn khởi cho biết, tôm đang phát triển tốt, bước đầu thu hoạch trên 200 kg, tôm đạt trọng lượng 30 con/kg. Hằng ngày cho tôm ăn, anh theo dõi thấy tôm còn nhiều, phát triển tốt, ước năng suất khoảng 600 kg/ha.
Ban chỉ đạo đề án lúa - tôm cho biết, theo kế hoạch đến năm 2012 có từ 70% số hộ nuôi tôm, trồng lúa nắm vững các quy trình kỹ thuật khuyến nông, khuyến ngư, năng suất tôm nuôi tăng 20%, năng suất lúa tăng 15%.
Đến năm 2015, trên 90% hộ nuôi tôm, trồng lúa biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đưa năng suất tôm nuôi tăng 30%, lúa tăng 25% so với trước khi thực hiện đề án. Mỗi năm đề án làm tăng thêm lợi nhuận cho nông dân gần 4 ngàn tỷ đồng.
Anh Nguyễn Văn Sang, ấp Rạch Chèo, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân, trước đây nuôi tôm theo kiểu truyền thống thả con giống gối vụ triền miên, đến nước đặt lú khi có, khi không, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Từ khi được chọn làm mô hình điểm thực hiện theo đề án lúa - tôm, được tập huấn, nắm vững các quy trình từ khâu cải tạo ao đầm đến cách chọn con giống, đến nay gần 1 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao được 60 ngày tuổi, tôm đang phát triển tốt, hứa hẹn một vụ tôm trúng đậm.
Bên cạnh đó, năng suất lúa trong thực hiện đề án cũng không “thua chị, kém em”. Nhìn chung, các mô hình sản xuất lúa giống nguyên chủng, cấp xác nhận đạt hiệu quả cao, năng suất đạt 5 tấn/ha/vụ, tăng 38% so với năng suất lúa của toàn tỉnh trước khi thực hiện đề án.
Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất lúa - tôm” không chỉ là khâu đột phá trong sản xuất, mà còn đột phá trong hướng đi cho ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Trồng lúa trên đất nuôi tôm là một biện pháp luân canh hiệu quả, góp phần làm sạch môi trường.
Thời gian trồng lúa tạo ra khoảng cách giữa các vụ nuôi tôm cũng như thời gian nuôi tôm tạo ra khoảng cách giữa các vụ trồng lúa, làm giảm áp lực nguồn bệnh, ngăn chặn sự lây lan của các tác nhân gây bệnh. Cây lúa có thể sử dụng những chất dư thừa còn lại trong đất sau vụ tôm. Sau thu hoạch lúa, gốc rạ để lại là giá thể giúp hệ vi sinh vật có lợi phát triển, làm tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm suy thoái sinh thái đồng ruộng./.
Related news
"Trước kia gia đình anh Thủy là một trong những hộ nghèo nhất xã. Nhưng từ ngày anh nuôi chim bồ câu, lợn, gia đình anh trở thành hộ có thu nhập khá trong xã" - ông Lê Thanh Sơn - Chủ tịch Hội ND xã Yên Thành, huyện Yên Mô, Ninh Bình, cho biết.
Với 17 ha cao su, 3 ha luồng, đàn gia súc, gia cầm hàng trăm con, tạo công ăn việc làm cho 15 - 20 lao động địa phương; trừ chi phí mỗi năm thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Đó là mô hình kinh tế trang trại của chàng trai người dân tộc Mường - Quách Văn Tùng, SN 1983 tại thôn 10, xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa).
Đầu tháng 3/2000, Phòng NN - PTNN Thành phố phối hợp với Tổng đại lý phân phối BRF-02 AQUAKIT đã tổ chức hội thảo với hơn 80 hộ nuôi tôm ở Quy Nhơn về các mô hình nuôi tôm thí điểm dùng chế phẩm BRF-02 AQUAKIT. Đa số những người tham dự hội thảo đều nhất trí cho rằng với chế phẩm BRF-02 AQUAKIT, nghề nuôi tôm ở Quy Nhơn đang có một triển vọng rất khả quan.