ĐBSCL: Thờ Ơ Với Dịch
Sau 3 ngày tiêu hủy 262 con vịt 70 ngày tuổi của ông Nguyễn Thành Phước (còn gọi là Giàu), ấp Đông Bình B, xã Đông Bình, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long dương tính với H5N1, chúng tôi quay trở lại khu vực này, thật bất ngờ thấy người dân cũng như chính quyền sở tại đều thờ ơ, không một biểu hiện lo lắng cũng như động thái phòng chống dịch nào.
Nguyên nhân đàn vịt của ông Phước bị dịch cúm là do không được tiêm phòng. Ông nói, lúc vịt còn nhỏ tôi đã có báo cáo với thú y xã nhờ đến tiêm phòng nhưng cán bộ thú y cho hay là hết thuốc (vacxin) và hết đợt tiêm phòng. Đàn vịt 780 con, 70 ngày tuổi, sắp bán thì bị dịch cúm chết dần, số còn lại phải hủy sạch, thiệt hại hơn 31 triệu đồng. Số tiền đầu tư nuôi vịt là do vợ ông đi vay 15 triệu của Hội phụ nữ xã và tiền mượn của bà con. Gia đình nghèo, không đất sản xuất, nay dịch cúm đã hủy sạch không biết tiền đâu để trả nợ.
Khi chúng tôi tiếp xúc với ông Phan Thành Ngon, PCT UBND xã Đông Bình để tìm hiểu tình hình thì vị phó chủ tịch nói: “Chưa thể cung cấp thêm thông tin gì cho PV về đàn vịt của ông Giàu (Phước) đã chết vì hiện tại địa phương chưa nhận được bất cứ thông tin chính xác liên quan đến đàn vịt của ông đã tiêu hủy”. Hỏi ông Ngon số liệu tổng đàn gia cầm của xã thì ông nói: “Chúng tôi đang cho cán bộ thống kê lại đàn gia cầm tại địa phương và lượng gia cầm chạy đồng”. Hay thật, dịch bệnh đã tái phát, lẽ ra địa phương phải thống kê và kiểm soát chặt tình hình du nhập của gia cầm, đằng này dịch xảy ra trên địa bàn rồi nhưng cán bộ của xã lại nắm bắt rất lơ mơ.
Trước đó, nhận định của ông Mai Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Thú y trong chuyến kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm gia cầm (DCGC) tại Vĩnh Long trung tuần tháng 2/2012, lúc chưa xảy ra ổ dịch cúm tại hộ ông Phước: Nguy cơ xuất hiện dịch và lây lan diện rộng ở khu vực ĐBSCL những ngày tới là rất cao do dịch chuyển vịt chạy đồng. Thực tế, trên nhiều cánh đồng lúa đông xuân mới thu hoạch ở Vĩnh Long hiện có rất nhiều đàn vịt chạy đồng mà kể cả người chủ đất vẫn không biết chủ vịt là ai.
Ông Nguyễn Văn Đông, ấp An Hòa A, xã Bình Ninh, huyện Tam Bình, Vĩnh Long chia sẻ: Nghe đài báo tỉnh đưa tin đã tái phát DCGC, gia đình cũng hơi lo đối với những đàn vịt chạy đồng đang chăn thả gần nhà và trên đồng. Hiện tại, 6.000 m2 đất ruộng vừa thu hoạch lúa đông xuân xong, vịt tràn vào ăn lúa rụng nhưng tôi không biết chủ vịt là ai. Còn chính quyền địa phương có quản lý được các ông chủ vịt chạy đồng về đây hay không thì tôi không rõ.
Tiếp tục ghi nhận thực tế tại nhiều địa phương, chúng tôi thấy công tác phòng, chống DCGC còn rất lơ là, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Cách ổ dịch của ông Giàu hơn 100 m là khu dân cư ngay chân cầu Trà Và Lớn, huyện Bình Minh, Vĩnh Long, bà con nuôi vịt thả rông, vịt hơn 1 tháng, tất cả đều chưa được tiêm phòng. Tại các chợ huyện, xã thì tình trạng buôn bán gia cầm sống cũng hết sức nguy hiểm. Hầu hết người kinh doanh gia cầm ở các chợ vẫn chưa cảnh giác cao với dịch cúm, gà, vịt làm sẵn, không dấu kiểm dịch bày bán tràn lan...
Related news
Năm 2011, cây mắc ca được triển khai thí điểm trồng trên địa bàn xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo. Cho đến thời điểm hiện nay, loại cây này phát triển tốt trên những vùng đất trống đồi trọc, đất bạc màu, tỷ lệ cây sống đạt 99,9%. Mắc ca được ví là cây “hoàng hậu” của quả khô, hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho người dân.
Mô hình nuôi gà đen lấy thịt được Trung tâm khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện tại xã Mường Báng và xã Sính Phình của huyện Tủa Chùa. Với quy mô 1.150 con, 28 hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống, thức ăn và thuốc thú y. Chi phí chuồng trại và công chăm sóc do người dân tự đóng góp.
Sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước là chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Vì vậy các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiêm túc thực hiện.