Prices / Tin thủy sản

Đầu tư tiền tỷ thu... 7 triệu đồng

Đầu tư tiền tỷ thu... 7 triệu đồng
Author: Lê Văn Ngọc
Publish date: Tuesday. March 8th, 2016

“Chiếc bánh vẽ béo bở”

Dự án “Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá thát lát cườm, cá chình, cá lăng nha tại hồ chứa nước Ia Dreh, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai” được triển khai từ tháng 8-2012. Đây là dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với cơ quan chủ trì là UBND huyện Krông Pa. Cơ quan tổ chức thực hiện đề tài là Trạm Quản lý thủy nông huyện Krông Pa, nay đổi tên thành Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi huyện Krông Pa. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 2,205 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học là 1,014 tỷ, nguồn nhân dân đóng góp là 1,191 tỷ đồng.

Báo cáo của Ban Chủ nhiệm dự án nêu rõ, kỹ thuật nuôi cá lồng trong hồ chứa nước Ia Dreh để tận dụng thức ăn tự nhiên và thức ăn công nghiệp là công nghệ hoàn toàn phù hợp với điều kiện của xã Ia Dreh. Ngoài ra, việc xây dựng dự án sẽ mở ra một hướng đi mới đối với xã Ia Dreh, huyện Krông Pa nói riêng và nghề nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh nói chung, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao tại địa phương.

Khi thực hiện, Ban Chủ nhiệm dự án đã kêu gọi được 10 hộ dân tại xã Phú Cần và thị trấn Phú Túc góp vốn tham gia. Theo hợp đồng, Nhà nước hỗ trợ 100% tiền lồng nuôi, quy trình tập huấn và tham quan; 60% tiền thức ăn cùng 40% tiền cá giống, còn lại là nhân dân đóng góp. Ông Nguyễn Duy Ngô (thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần) cho biết: “Họ nói ban đầu chỉ đóng góp 10 triệu đồng thôi, rồi sau đó sẽ đóng dần dần chứ không phải mỗi hộ đóng một lần 100 triệu đồng nên chúng tôi mới mạnh dạn thử sức. Họ cũng nói là cá nuôi từ 8 tháng đến 1 năm là xuất được với trọng lượng 1 - 1,2 kg/con, đầu ra sẽ do Sở Khoa học và Công nghệ giới thiệu cho, đảm bảo giá cao”.

Theo cách tính của Ban Chủ nhiệm dự án, mỗi kg cá lăng nha có giá 100 ngàn đồng, sẽ cho lợi nhuận là 43%; giá cá chình là 400 ngàn đồng/kg, lợi nhuận đạt 83%; cá thát lát giá trên dưới 70 ngàn đồng cho lợi nhuận 36%. Sau đó, 10 hộ này đã được đi tham quan các mô hình nuôi cá tại huyện Krông Bông (tỉnh Đak Lak) và huyện Đak Song (tỉnh Đak Nông).

Đầu tư hơn 2 tỷ đồng, thu về… 7 triệu đồng

Ngày 7-11-2012, sau khi đưa các hộ dân đi tham quan học hỏi mô hình, tập huấn kỹ thuật, làm lồng cá về, dự án đã tiến hành thả lứa cá đầu tiên gồm 1.000 con cá chình, 5.000 con cá lăng nha và 2.500 cá thát lát cườm. Theo hợp đồng, sau một năm sẽ thu hoạch lứa cá đầu tiên và tiếp tục thả lứa cá thứ 2. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã xảy ra nhiều mâu thuẫn khiến 5 hộ rút lui không tiếp tục tham gia dự án ngay trong năm đầu tiên. Đến ngày 10-11-2013, kẻ gian bơi ra bè tháo lưới thả 6 lồng cá, ước tính thiệt hại gần 200 triệu đồng. Về vụ việc này, Công an huyện Krông Pa đã bắt tay vào điều tra xác minh nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Kết quả năm thứ nhất triển khai dự án cho thấy, cá thát lát cườm không phù hợp với điều kiện nuôi tại địa bàn, tỷ lệ sống thấp, phát triển chậm. Cá lăng nha thả đợt 2 của năm thứ 2 với số lượng 5.200 con nhưng sau một tuần đã chết đột ngột 5.000 con vì lượng mưa lớn. Theo hợp đồng, đến tháng 7-2014, các bên liên quan đã tiến hành nghiệm thu nhưng khi cân và đếm số lượng, hầu hết cá chưa đủ tiêu chuẩn là 0,7 kg/con để bán ra thị trường. Với kết quả này, các hộ dân không được bán cá mà phải gia hạn nuôi đến tháng 7-2015 khiến 4 hộ tiếp tục tháo lui. Anh Đỗ Đăng Phong (thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần) cho hay: “Chúng tôi vẫn cho cá ăn đầy đủ theo hướng dẫn nhưng nuôi hai năm mà cá vẫn chẳng lớn hơn là bao. Những tưởng sau một năm bán được cá thu hồi vốn để trả nợ rồi đầu tư cho năm sau ai dè sau hai năm vẫn không cho bán, chúng tôi hết vốn, không thể tiếp tục đầu tư được nữa nên đành bỏ thôi”.

Trao đổi với P.V, ông Bùi Văn Xóa-Chủ nhiệm dự án cho biết, tất cả số cá năm nhất đã bán cho nhà hàng Lộc Vừng tại thị trấn Phú Túc được 7 triệu đồng nhưng vẫn chưa lấy được tiền. Số cá còn lại năm thứ hai, sau khi dự án kết thúc vào ngày 31-7-2015 thì đến tháng 11-2015 tiếp tục bị kẻ gian cắt lưới khiến cá bị thất thoát toàn bộ ra hồ Ia Dreh. Theo cách tính của Ban Chủ nhiệm dự án, nếu không bị thả ra ngoài thì số cá thu được là 1.961kg với giá 100 ngàn đồng/kg thì số tiền sẽ là 196,1 triệu đồng.


Related news

Trung Giang (Quảng Trị) đẩy mạnh đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản Trung Giang (Quảng Trị) đẩy mạnh đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản

Mặc dù trong thời gian qua, thời tiết không được thuận lợi, ngư trường gần bờ ngày càng cạn kiệt, biển mất mùa và tàu thuyền có công suất lớn còn thấp nhưng chính quyền và ngư dân xã Trung Giang (huyện Gio Linh, Quảng Trị) đã tích cực bám biển, tranh thủ thời gian tăng chuyến sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với mùa vụ nên đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân vùng biển bãi ngang này từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tuesday. March 8th, 2016
Cá bè chết hàng loạt là do dân? Cá bè chết hàng loạt là do dân?

Cá chết có thể do thiếu ôxy hoặc nuôi không đúng cách nhưng theo người dân, điều đó không thể xảy ra.

Tuesday. March 8th, 2016
Bắc Ninh hối hả vào vụ nuôi cá mới Bắc Ninh hối hả vào vụ nuôi cá mới

Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có hơn 3.000 ha nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đã thu hoạch, chuẩn bị ao nuôi để bước vào vụ mới. Dự kiến, đến cuối năm sẽ có khoảng 5.000 ha nuôi thủy sản thương phẩm.

Tuesday. March 8th, 2016