Dâu tây an toàn theo công nghệ Nhật – Hàn
Giữa cánh rừng thông trong thung lũng Đa Nhim (xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, cách Đà Lạt khoảng 30km) trang trại dâu tây Hàn Quốc nằm cách biệt với buôn làng người K’ho. Như bao nông trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao khác tại Lâm Đồng, vườn dâu tây của Công ty TNHH Nông trại SamGong cũng được bao kín bằng nhà kính hiện đại.
Tuy nhiên, để vào vườn dâu, cả công nhân cũng như khách hàng phải để giày dép bên ngoài, tất cả chỉ đảm bảo một yếu tố duy nhất: giữ sạch sẽ.
Trong khi các nhân công đang lau sạch nền của trại dâu đã được phủ bạt kín, Giám đốc Cty SamGong, ông Son Sang Hyeon (41 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc) tỉ mỉ kiểm tra từng giàn dâu tây trong nhà kính. Các giàn dâu được thiết kế bằng khung thép không gỉ để đặt những luống dâu cao cách mặt đất gần 1m nhằm tránh côn trùng và các vi sinh vật gây hại.
Theo ông Son, hầu hết các thiết bị nhà kính, máy móc, giá đỡ, màng phủ… của trang trại đều được nhập khẩu từ Hàn Quốc với đầu tư 700 triệu đồng cho 1.000m2 nhà kính.
Hiện nay trang trại SamGong đã có khoảng 5.000m2 nhà kính trồng dâu bắt đầu cho thu hoạch. Tất cả diện tích dâu tây được trồng theo công nghệ của Hàn Quốc với hệ thống cảm ứng nghi nhận nhiệt độ, độ ẩm, tự động điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với quá trình sinh trưởng của cây bằng quạt gió, lưới che… Quy trình bón phân, cấp nước cho dâu tây cũng thông qua hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt rất bài bản.
Trước khi quyết định mở trang trại trồng dâu tây, ông chủ người Hàn Quốc đã tìm hiểu nhiều vườn dâu tại Đà Lạt cũng như khí hậu, thổ nhưỡng các vùng ngoại ô xung quanh.
Ông Son cho rằng, tại Đà Lạt và các vùng lân cận có thể trồng dâu quanh năm, khác hẳn với Hàn Quốc - chỉ có thể trồng dâu tây vào mùa đông, còn mùa hè không trồng được.
“Tuy nhiên, để tạo sự khác biệt tôi đã đem cây giống có nguồn gốc từ Hàn Quốc sang và được cơ quan chuyên môn kiểm dịch an toàn, hiện nay cả giống dâu tây mùa đông và mùa hè đều sinh trưởng tốt, cho ra những sản phẩm có chất lượng cao và khác hẳn với những loại dâu mà người dân Đà Lạt đang trồng”, ông Son khẳng định.
Tại trang trại dâu SamGong, quy trình chăm sóc dâu được theo dõi và phân công cụ thể cho từng tuần, từng ngày. Trong đó, 4 cử nhân chuyên ngành nông nghiệp (có 2 kỹ sư từng được tu nghiệp tại Israel) phụ trách công tác nhân giống nuôi cấy mô, khảo sát quy trình sinh trưởng của cây, xử lý các tác nhân gây bệnh. Từng luống dâu tây còn được theo dõi rất kỹ với những bảng thông báo “Cách ly” – “Thu hoạch” cho từng tuần.
Với thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng chọn lọc, ưu tiên dùng thuốc gốc sinh học, trước khi thu hoạch vài ngày, vườn dâu được “cách ly” để bảo đảm bảo an toàn, trái dâu của trang trại SamGong khi hái là có thể ăn ngay tại vườn. Hiện nay, trung bình mỗi ngày Cty TNHH Nông trại SamGong thu hoạch khoảng 50kg dâu sạch cung cấp cho thị trường với giá bán “chào hàng” gần 300.000đồng/kg.
Tương tự, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 15km, trang trại dâu tây công nghệ cao của Cty TNHH Create Star Việt Nam (thuộc một tập đoàn của Nhật Bản) đã hình thành và cho lứa quả đầu tiên. Trang trại rộng hàng nghìn mét vuông đã có 600m2 dâu cho thu hoạch định kỳ.
Nhờ nguồn giống nhập trực tiếp từ Nhật Bản về, trong suốt quá trình trồng cây dâu không bị bệnh dịch, hầu như không phải sử dụng đến các loại thuốc hóa học. Kỹ thuật trồng và chăm sóc dâu tây được tuân thủ nghiêm ngặt theo phương pháp của người Nhật Bản nên sản phẩm hầu như đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Đoàn Đình Duy, Trưởng chi nhánh Cty TNHH Create Star Việt Nam tại Lâm Đồng cho hay, cây dâu được trồng trên giá thể vi sinh và xơ dừa đã được khử trùng nên kháng bệnh rất tốt. Cùng với đó, trang trại đặc biệt chú ý đến quy trình tưới nước sạch cho cây theo hàm lượng, giờ giấc để đảm bảo trái dâu có chất lượng tốt và luôn thơm ngon theo đúng tiêu chuẩn như ở Nhật Bản.
Hiện nay, dâu tây của các trang trại trên được chào bán thử nghiệm với mức giá từ 300.000 – 400.000 đồng/kg cho các hệ thống siêu thị nhỏ, hoặc khách lẻ đặt hàng trực tiếp. Thị trường chủ yếu tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang hay các nhà hàng, khách sạn lớn tại Đà Lạt.
Tín hiệu ban đầu cho thấy, người tiêu dùng đang đánh giá cao các sản phẩm dâu tây Nhật Bản, Hàn Quốc bởi chất lượng quả thơm, ngon, có vị ngọt thanh và an toàn.
Chị Phùng Thị Thu Hương, Tổng Giám đốc Cty Green Path (Hà Nội) cho biết, chị từng đến thăm nhiều vườn dâu công nghệ cao tại Đà Lạt để khảo sát và đặt mua ra Hà Nội tiêu thụ, nhưng dâu tây của Hàn Quốc chất lượng cao hơn, mùi rất thơm, trái bóng đẹp và ăn ngọt hơn so với các trang trại khác.
Related news
Để xuất khẩu trái cây ra nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là thị trường khó tính, nhiều nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã “hợp tung” (liên kết) thành hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn.
Mới lên lưng chừng núi Măng Rơi đã cảm giác thời tiết thay mùa. Cái nắng cô đặc bên này đèo cứ nhạt dần rồi pha loãng trong những tảng mây màu khói đèn lởn vởn trên các rặng núi cao... Phía sau cái vẻ ảm đạm của thời tiết ấy, vùng đất Tu Mơ Rông có một “điểm sáng” nhiều niềm tin: Sâm Ngọc Linh.
Chưa bao giờ Đăk Lăk lại đối diện với cơn hạn hán khốc liệt như năm nay. Không chỉ cây trồng, con người thiếu nước nghiêm trọng mà lần đầu tiên tỉnh này xuất hiện tình trạng gia súc, gia cầm chết do nắng nóng.