Đậu Phộng Dễ Trồng, Thu Nhập Cao
Cây đậu phộng bám rễ khá lâu trên vùng đất gò cao, đồi dốc, triền núi của huyện Tri Tôn (An Giang) nói chung, xã Núi Tô nói riêng, là cây trồng thích hợp, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu lắp vụ và đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào Khmer sở tại.
Cùng với khoai lang, khoai cao, dưa hấu…, đậu phộng là cây trồng được bà con nông dân xã Núi Tô tập trung sản xuất nhằm tăng nguồn thu nhập cho gia đình. Toàn xã có khoảng 270 héc - ta trồng hoa màu các loại, trong đó đậu phộng hiện chiếm khoảng 22 héc-ta. Nhiều hộ đang cày xới, lên liếp, đợi mưa xuống giống nên diện tích trồng sẽ tiếp tục tăng lên. Do địa hình, cây đậu phộng chỉ trồng tập trung ở 2 ấp Tô Trung và Tô Thuận.
Nếu trước đây, người trồng nhiều cũng chỉ canh tác 1 đến 2 công đất thì nay có hộ làm đến 5 công. Nông dân Chau Khanh, ấp Tô Thuận, người trồng đậu phộng trên 2.000 m2 đất cho biết: “Nhờ làm quen với cây đậu phộng nhiều năm, lại được học qua lớp kỹ thuật trồng vừa qua nên năng suất cao. Chi phí cho sản xuất 1 công đậu phộng dù cao hơn so trồng lúa nhưng bù lại lợi nhuận hấp dẫn hơn, ít lo thất bát như làm lúa”.
Để trồng đậu phộng thành công, khâu đầu tiên là phải cày xới đất, làm sạch cỏ, lên liếp rồi xuống giống, sau đó bón phân, xịt thuốc theo cữ, thường xuyên thăm đồng để làm cỏ và xử lý sâu bệnh kịp thời mới đạt năng suất cao… Mỗi công đậu phộng phải xuống giống khoảng 3 giạ (giá 900.000 đồng), sau đó lo bón phân, xịt thuốc và cộng tiền nhân công cho đến thu hoạch (khoảng 3 tháng) với tổng chi phí ước 1,7 triệu - 2 triệu đồng. Giá bán đậu phộng hiện nay từ 220.000 đồng - 250.000 đồng/giạ, với năng suất bình quân 20 giạ/công, người trồng bỏ túi khoảng 2,5 triệu đồng, đối với hộ trồng kỹ thuật sẽ khá hơn.
Đa số hộ trồng đậu phộng đều bán cho thương lái từ xã An Hảo, thị trấn Chi Lăng (Tịnh Biên) đến đặt mua, song một số hộ trồng ít thường trữ đậu trong nhà, nấu đem chợ bán sẽ lời nhiều hơn. Chị Neáng Thùy, ấp Tô Thuận khoe: “Đậu phộng của tôi sắp thu hoạch, thăm đồng thấy trúng lắm, nhưng sẽ không bán cho bạn hàng mà trữ trong nhà, sau đó luộc đem ra chợ Tri Tôn bán sẽ lời ít nhất trên 4 triệu đồng/công. Hiện gia đình tôi đang cày, xới đất, chuẩn bị lên liếp chờ mưa xuống sẽ xuống giống thêm 1.500m2”.
Nói về cây đậu phộng trồng trên đất gò cao, triền dốc ở địa phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Núi Tô Chau Bô Rết cho biết: “Trồng đậu phộng vài năm trước đây là thế mạnh của xã, sau đó diện tích có giảm xuống, nhưng nay có nhiều hộ bắt đầu trồng lại do gần đây có nhiều thương lái đặt mua với giá chấp nhận. Chúng tôi đã mở 2 lớp hướng dẫn về kỹ thuật canh tác các loại hoa màu nên nhiều bà con phấn khởi bắt tay tham gia, nhất là trồng cây đậu phộng.
Về chủ trương, chúng tôi khuyến cáo bà con nên trồng những loại cây, con có giá trị kinh tế cao, đặc biệt có đầu ra ổn định, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật, vốn tín dụng cũng như giống cây trồng. Hiệu quả mùa vụ trước mắt là khả quan do năng suất, giá mua nên nhiều hộ đang cày xới, lên liếp, chờ mưa để xuống giống đúng theo lịch thời vụ và áp dụng kinh nghiệm đã được bà con đúc kết để gieo trồng đạt năng suất cao”.
Related news
Năm 2013, nhu cầu tiêu thụ tôm chân trắng trên thị trường thế giới sẽ chiếm khoảng 2/3 sản lượng tôm đông lạnh xuất khẩu. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu và cả người nuôi tôm chân trắng.
Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (TTKNKN) tỉnh Trà Vinh vừa chuyển giao 6.850 con vịt giống (01 ngày tuổi, giống vịt Triết Giang) cho 18 hộ nông dân trên địa bàn huyện Càng Long và Cầu Kè thực hiện mô hình trình diễn chăn nuôi vịt đẻ hướng trứng áp dụng phương pháp an toàn sinh học.
Năm 2009, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thí điểm 11 khu chăn nuôi tập trung (CNTT) và năm 2010, bổ sung 26 khu tại các huyện Tam Dương, Vĩnh Tường, Lập Thạch... Thế nhưng, đến nay toàn tỉnh chỉ còn 4 khu hoạt động, song cũng rất èo uột, gây lãng phí đất đai, tiền của.