Prices / Tin nông nghiệp

Đất nào cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng?

Đất nào cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng?
Author: Mai Văn Quyền
Publish date: Saturday. August 5th, 2017

Nhà nước có chủ trương chuyển đổi một phần đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng cây và con khác có hiệu quả hơn. Về thực tế cũng như lý luận thì đây là chủ trương rất đúng đắn.

Mô hình trồng ngô đông ở Hà Nội

Bởi trong nhiều năm qua, dù năng suất lúa ngày càng tăng, số lượng lúa gạo xuất khẩu ngày càng nhiều, nhưng lợi nhuận thu được từ cây lúa thì vào loại thấp nếu không nói là thấp nhất so với nhiều loại cây trồng khác…

Một vụ lúa ĐX được mùa vào khoảng 6 - 7 tấn thóc/ha ở ĐBSCL thì tiền lời thu lại của người trồng lúa cũng chỉ được 15 - 20 triệu đ/ha. Ở vụ HT và TĐ thì mức lời còn thấp hơn, dao động từ 4 - 10 triệu đ/ha. Thậm chí có vùng, có vụ tiền lời của người trồng lúa chỉ 2 - 3 triệu đồng/ha/vụ. Nếu sử dụng giống tốt kỹ thuật được cải tiến tốt và được cơ giới hóa trợ giúp một phần thì mức lợi nhuận của người trồng lúa được nâng lên khoảng 20 - 50%.

Trong thực tế, do nhu cầu cuộc sống mà nông dân ở các vùng đã rất nhạy cảm và đã tạo ra khá nhiều mô hình cơ cấu cây trồng hay cây trồng, vật nuôi trên đất lúa khá đa dạng. Tuy nhiên, do thị trường chưa được hấp dẫn nên nhiều mô hình phát sinh chỉ sau một thời gian ngắn lại phải thay đổi. Các vùng đất hẹp, người đông như vùng ĐBSH hay duyên hải miền Trung thì mỗi vùng đã có vài chục loại cơ cấu cây trồng hiện hữu trên đất lúa. Bao gồm đất 2 vụ lúa, đất 1 vụ lúa hay đất chuyên trồng màu. Mỗi năm phải canh tác 3 vụ dưới điều kiện nước trời và chỉ tưới bổ sung cho cây rau màu.

Trong bài này chúng tôi chỉ trích dẫn kết quả của Lê Quốc Doanh, Vũ Thị Chuyên và các cộng sự khác đã nghiên cứu nhiều cơ cấu chuyển đổi các loại cây trồng trên 3 vùng vào năm 2016: (I) Vùng 2 vụ lúa + 1 vụ màu, (II) 1 vụ lúa + 2 vụ màu và (III) vùng đất chuyên trồng màu để bạn đọc tham khảo. Kết quả được tóm tất dưới đây:

(I). Vùng đất 2 vụ lúa + 1 cây vụ đông: Cơ cấu này tác giả thực hiện ở huyện Hải Hậu, Nam Định, trong đó mô hình sử dụng cơ cấu lúa xuân -lúa chét và cây bí xanh cho vụ đông để so sánh với cơ cấu của nông dân trong sản xuất đại trà làm đối chứng.

Trong hô hình nhóm tác giả sử dụng giống lúa Bắc thơm 7 cho vụ xuân, còn vụ mùa thì để lúa chét (tái sinh), vụ đông sử dụng giống Bí xanh số 1 và áp dụng kỹ thuật phù hợp cho các hợp phần của mô hình.

Còn ở cơ cấu của nông dân cũng làm 3 vụ song song, nhưng vụ lúa mùa vẫn làm đất để cấy và vụ đông cũng trồng bí nhưng giống khác, đó là giống bí Sặt. Kết quả cho thấy so với đối chứng thì vụ lúa xuân ở mô hình có tiền lời cao hơn đối chứng là 2.525.000 đ/ha, vụ lúa chét vẫn có tiền lời hơn đối chứng là lúa cấy được 5.412.000 đ/ha. Trong vụ đông cũng trồng bí nhưng khác giống thì mô hình có tiền lời hơn đối chứng là 31.430.000 đ/ha. Tổng cộng cả 3 vụ trong mô hình có tiền lời cao hơn đối chứng là 39.367.000 đ/ha/năm. Mức lời này cao hơn đối chứng đến 44%.

Cũng trên đất 2 vụ lúa + 1 vụ màu, thực hiện ở Ý Yên, Nam Định, chỉ khác nhau trong vụ đông là cây ngô, ở mô hình dùng giống ngô HN88, còn đối chứng dùng giống ngô HN68. Còn 2 vụ xuân và mùa đều dùng giống Bắc thơm 7 và mô hình cũng để lúa chét trong vụ mùa.

Kết quả ở Ý Yên cũng có bức tranh như ở Hải Hậu. Mô hình có tiền lời cả 3 vụ đều cao hơn đối chứng và tổng tiền lời cả năm cao hơn đối chứng là 27.297.000 đ/ha/năm, trong đó cây ngô HN88 cho lãi suất cao nhất 29.000.000 đ/ha (ngô đông HN68 chỉ lãi được 5,8 triệu đ/ha).

(II). Mô hình 1 lúa + 2 màu, cũng thực hiện ở Ý Yên, Nam Định. Công thức luân canh là lạc xuân - lúa mùa + khoai tây đông. Nhưng giống sử dụng trong mô hình và đối chứng là khác nhau. Ở mô hình dùng giống lạc L23, giống lúa HT 9 và khoai tây Solara, còn ở công thức đối chứng dùng giống lạc L14, giống lúa Bắc thơm 7 và khoai tây VT2.

Kết quả cho thấy tiền lời của mô hình thu được 95.795.000 đ/ha/năm, còn đối chứng là 70.860.000 đ/ha/năm. Như vậy ở mô hình có tiền lời cao hơn đối chứng là 24.935.000 đ/ha/năm (hay 35,15%).

(III) Mô hình 3 vụ cây màu, thực hiện ở Ba Vì, Hà Nội, gồm lạc + ngô + bắp cải lời hơn đối chứng lạc + 2 vụ ngô rau là 33.211.000 đ/ha/năm hay 45%. Như vậy là chuyển đổi cơ cấu không chỉ diễn ra trên đất trồng lúa 1 - 2 vụ mà cả đất trồng chuyên màu cũng là nhu cầu rất cần thiết. Tuy nhiên, dù là cơ cấu gì, trên đất nào thì áp dụng kỹ thuật trọn gói vẫn là điều kiện cần thiết để có năng suất cao, bán được giá và hiệu quả kinh tế cao hợp lý thì đều có thể áp dụng được.


Related news

Bưởi Diễn thành cây trồng chủ lực ở Thanh Chương - Nghệ An Bưởi Diễn thành cây trồng chủ lực ở Thanh Chương - Nghệ An

Đẩy mạnh phát triển các cây chủ lực triển vọng giá trị cao, bưởi Diễn được đưa vào danh mục với những chính sách khuyến khích phát triển tại Thanh Chương

Saturday. August 5th, 2017
Phát triển trang trại từ mô hình khuyến nông Phát triển trang trại từ mô hình khuyến nông

Tôi cùng cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Lăk (Đăk Lăk) tham quan gương sản xuất giỏi ở địa phương. Thật ngạc nhiên trước mắt tôi là một trang trại chăn nuôi

Saturday. August 5th, 2017
Xuất khẩu gạo nếp sang Trung Quốc có dấu hiệu chững lại Xuất khẩu gạo nếp sang Trung Quốc có dấu hiệu chững lại

Xuất khẩu gạo nếp sang Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại, do nước này thay đổi chính sách thuế nhập khẩu lương thực.

Saturday. August 5th, 2017