Đập Sông Sào Xả Lũ, Dân Lãnh Đủ
Năm 2008, công trình đã được giao cho Cty TNHH Thuỷ lợi Phủ Quỳ quản lý khai thác, phục vụ tưới tiêu cho hơn 5.000 ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp thuộc huyện Nghĩa Đàn và TX Thái Hoà. Không những thế, mà kể từ năm 2008 hàng ngàn nông dân trong vùng hưởng lợi đã chấm dứt được cảnh quanh năm khô khát, và nhờ có nguồn nước dồi dào trên các tuyến kênh nên nông dân còn có dịp đào ao thả cá và phát triển nghề chăn nuôi.
Nguồn lợi của hồ chứa nước sông Sào là rất lớn, thế nhưng trong quá trình thiết kế, cơ quan chuyên môn đã không tính tới mức độ thiệt hại khi công trình xả lũ, nên đã xẩy ra chuyện nông dân phải đi khiếu kiện từ năm này sang năm khác.
Sự việc xẩy ra trong cơn bão số 2 đổ bộ vào tỉnh Nghệ An vào các ngày 24 và 25/6/2011. Theo giải trình của ông Hoàng Văn Sơn - GĐ Cty TNHH Thuỷ lợi Phủ Quỳ: Lượng mưa của cơn bão này đã lên tới 400 ly, kết hợp với mưa rất lớn từ Thanh Hoá (lưu vực hứng nước của hồ sông Sào 132 km2 chủ yếu nằm ở núi đồi Thanh Hoá) nên vào lúc 15h 30 phút ngày 24/6/2011 Cty đã thông báo cho Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung và xã Nghĩa Bình biết về tình hình sẽ xả lũ ở đập sông Sào, vì đây là 2 xã có dân sinh sống tại hạ lưu tràn xả lũ.
Vào lúc 22h cùng ngày, do mức nước trong hồ lên quá nhanh nên Trạm đầu mối đã bắt đầu vận hành xả lũ 1 cửa tràn. Đến 5h sáng ngày hôm sau (25/6/2011) thì mở hết cả 3 cửa tràn cho chảy tự do (một cửa tràn có chiều rộng 8 m). Đến 4h sáng ngày 26/6/2011 khi thấy mực nước trong hồ không còn uy hiếp công trình nữa nên Cty đã cho đóng hết các cánh cửa tràn, kết thúc đợt xả lũ trong cơn bão số 2.
Diễn biến sau đợt xả lũ này, mặc dù công trình đã được bảo vệ an toàn tuyệt đối, nhưng phía hạ lưu tràn đã có 32 hộ dân bị ngập nhà sâu từ 0,5 đến 3,5 m. Đã có 26 hộ dân bị thiệt hại nặng về vườn cây, ao cá, hoa màu và các vật dụng khác. Do vậy những hộ dân này đã đồng loạt gửi đơn kiến nghị đến UBND huyện Nghĩa Đàn và tỉnh Nghệ An yêu cầu Cty TNHH Thuỷ lợi Phủ Quỳ phải bồi thường thiệt hại. Theo đơn thư thì 11 hộ dân ở xã Nghĩa Bình đã bị thiệt hại tài sản đến trên 400 triệu đồng và 11 hộ dân ở xã Nghĩa Trung cũng bị thiệt hại tương tự.
Ngày 21/9/2011 ông Vi Văn Định - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn đã chủ trì buổi làm việc với GĐ Cty TNHH Thuỷ lợi Phủ Quỳ, Trạm quản lý đầu mối và các hộ dân đi khiếu nại. Sau khi nghe các báo cáo, ông Định kết luận: Việc xả lũ của hồ sông Sào là cần thiết. Tuy nhiên quá trình xả lũ Cty TNHH Thuỷ lợi Phủ Quỳ và Trạm đầu mối có một số vi phạm về quy trình xả lũ đã được quy định tại Điều 7, Điều 8 Quy trình vận hành điều tiết hồ chứa nước sông Sào, ban hành theo QĐ số 06/2008/QĐ-UB ngày 11/01/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, gây thiệt hại đến tài sản của 13 hộ dân ở xã Nghĩa Bình… Đề nghị Cty TNHH Thuỷ lợi Phủ Quỳ hỗ trợ một phần kinh phí để cùng với các hộ dân nhanh chóng khắc phục hậu quả. (Trích thông báo số 174/TB-UBND ngày 22/9/2011 của UBND huyện Nghĩa Đàn).
Sau buổi làm việc này, các hộ dân bị thiệt hại nói trên và 11 hộ dân ở xã Nghĩa Trung đã ngày đêm ồ ạt kéo đến trụ sở Cty TNHH Thuỷ lợi Phủ Quỳ để đòi đền bù thiệt hại. Trả lời dân, ông Sơn bảo: Đơn vị chúng tôi là cơ quan dịch vụ công ích làm công ăn lương, điều hành chỉ đạo trực tiếp là UBND tỉnh Nghệ An. Việc xả lũ trong cơn bão số 2 là cấp bách để bảo vệ công trình. Chúng tôi đã thực hiện đúng quy trình vận hành mà UBND tỉnh đã quy định. Tuy nhiên do nước xả tràn và sự cộng hưởng của mưa lũ lớn trong toàn vùng nên bà con đã bị thiệt hại về tài sản. Thiệt hại này chúng tôi cũng đã lập tờ trình xin tỉnh hỗ trợ cho dân.
Nghe vậy, các hộ dân đã đồng thanh phản ứng: Cơ quan ông đã vi phạm quy định vận hành việc xả lũ, điều này đã được Chủ tịch huyện kết luận tại Thông báo số 174. Ông Sơn trả lời: Nếu chúng tôi làm sai thì chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc này cơ quan công an đang tiến hành điều tra. Một tháng sau, Công an huyện Nghĩa Đàn có kết luận gửi các cơ quan hữu quan: Trong cơn bão số 2 ảnh hưởng đến địa bàn huyện Nghĩa Đàn, gây ra mưa lớn trên diện rộng đã gây thiệt hại cho nhiều địa phương, nhưng Cty TNHH Thuỷ lợi Phủ Quỳ đã chỉ đạo Trạm đầu mối xả lũ đúng quy trình đã được phê duyệt… (Trích kết luận điều tra xác minh số 253 ngày 20/10/2011 do Thượng tá Phan Tuấn Phượng - Trưởng CA huyện Nghĩa Đàn đã ký). Đến đây bà con nông dân lại cất công kéo nhau đi đến tỉnh để yêu cầu lãnh đạo phải có biện pháp bồi thường thiệt hại.
Mới đây, ngày 15/2/2012 GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An đã có buổi làm việc tiếp các hộ dân đi khiếu kiện nói trên. Sau khi nghe 10 hộ dân ở xã Nghĩa Trung và 11 hộ dân ở xã Nghĩa Bình trình bày và xem xét các đơn thư có liên quan, GĐ Sở có ý kiến: “Đề nghị các hộ dân 2 xã bị thiệt hại trực tiếp gặp Cty TNHH Thuỷ lợi Phủ Quỳ để được giải quyết các nội dung kiến nghị. Giao Cty TNHH Thuỷ lợi Phủ Quỳ giải quyết bồi thường cho nhân dân bị thiệt hại do mình gây ra theo quy định của pháp luật hiện hành’’. (Trích Thông báo kết quả tiếp dân số 234/TB-SNN-TTr ngày 17/2/2011 của GĐ Sở NN-PTNT Nghệ An Nguyễn Thọ Cảnh đã ký). Nhận được thông báo này các hộ dân lại kéo đến trụ sở Cty TNHH Thuỷ lợi Phủ Quỳ để đòi tiền đền bù thiệt hại. Vào các ngày 23 và 24/2/2012 GĐ Cty đã làm việc và lập thành biên bản với 11 hộ dân xã Nghĩa Bình và 6 hộ dân xã Nghĩa Trung.
Nội dung của 2 biên bản này: Các hộ dân yêu cầu Cty thuỷ lợi phải bồi thường thiệt hại cho dân theo thông báo của GĐ Sở NN-PTNT vì đã vận hành xả tràn sai quy trình. Phía Cty Thuỷ lợi khẳng định là đã vận hành xả tràn đúng theo quy định, việc này đã được các cơ quan chuyên môn và Công an huyện kết luận. Phần còn lại là Cty phải chịu trách nhiệm lập các văn bản trình tỉnh để xin tiền hỗ trợ cho dân theo như pháp luật đã hiện hành.
Làm việc với PV NNVN, ông Hoàng Văn Sơn - GĐ Cty TNHH Thuỷ lợi Phủ Quỳ còn cung cấp thêm nhiều tài liệu có liên quan rồi cho biết: Việc GĐ Sở giao cho Cty bồi thường thiệt hại cho các hộ dân thì Cty hoàn toàn không có khả năng, vì không có kinh phí, hơn nữa việc xả lũ để bảo vệ công trình của Cty là thực hiện đúng theo quy trình đã được UBND tỉnh phê duyệt. Cũng bởi vậy nên Cty đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh và Sở NN-PTNT sớm có giải pháp giải quyết dứt điểm chuyện này.v
Có thể bạn quan tâm
Trạm Khuyến nông huyện Cao Lãnh, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp vừa kết hợp với UBND xã Bình Hàng Trung tổ chức hội thảo mô hình canh tác mè trên nền đất lúa.
Vài năm trở lại đây, ở Tiền Giang, tình hình dịch bệnh trên tôm sú nuôi quảng canh cải tiến ngày càng diễn biến phức tạp, trong khi đó các biện pháp kiểm soát chất lượng môi trường nước, phòng ngừa dịch bệnh đối với mô hình này dường như không có hiệu quả. Vậy mà, hiện nay bà con nuôi tôm quảng canh cải tiến vẫn còn xem nhẹ vấn đề chất lượng con giống khi chỉ mua loại tôm sú giống được xem là dành riêng cho hình thức nuôi này với giá chỉ bằng 40% so với tôm giống thả nuôi thâm canh, bán thâm canh. Đây chính là mầm móng dễ xảy ra dịch, bệnh báo động.
Sau hơn 15 năm triển khai sản xuất, mô hình lúa lai F1 đang có dấu hiệu chững lại. Lãnh đạo nhiều huyện, xã, đặc biệt các chủ nhiệm HTX không còn mặn mà với mô hình một thời là vấn đề thời sự trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Vậy nguyên nhân vì sao?