Prices / Tin nông nghiệp

Đánh thức nông Nại đại phố

Đánh thức nông Nại đại phố
Author: Trần Thế
Publish date: Saturday. February 20th, 2016

Từ thời điểm được công nhận đô thị loại II, đến nay, qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, TP.Biên Hòa đang dần khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế của tỉnh Đồng Nai và là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hàng loạt dự án giao thông, nhà ở, công trình cải tạo cảnh quan đô thị hiện đại...

Với hơn 300 năm lịch sử, TP.Biên Hòa đã được xây dựng và phát triển dựa trên những tinh hoa của Nông Nại đại phố xưa (nay là Cù Lao phố, xã Hiệp Hòa) – một nơi buôn bán sầm uất bậc nhất trong vùng với “Phố chợ thương mại, giao thông với người Tàu, người Nhật Bản, Tây Dương, Đồ Và (Java), thuyền buôn tụ tập đông đảo” từ năm 1679. Mục tiêu là đưa Biên Hòa từng bước trở thành một đô thị xanh, văn minh. Theo định hướng đến năm 2020, mạng lưới giao thông của TP.Biên Hòa sẽ lấy Nông Nại đại phố làm trung tâm.

“Thành phố xanh” ven sông

Những ngày này, về Biên Hòa thấy như thành phố đang được khoác lên tấm áo mới với cờ, hoa, đèn sáng giăng mắc rợp trời. Đứng bên bờ sông Đồng Nai, phóng tầm mắt về Cù Lao phố nổi bật giữa dòng sông, thấy thấp thoáng những mái chùa, mái đình cổ kính. Trong đời sống của người dân khu vực Đông Nam Bộ, sông Đồng Nai được xem là tuyến huyết mạch kết nối các hạ tầng giao thông thủy, nơi sinh sống và cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hàng chục triệu dân trong khu vực.

Từ nhiều năm nay, quy hoạch cải tạo cảnh quan và môi trường ven sông Đồng Nai được chính quyền Đồng Nai thực hiện nhằm nâng bộ mặt đô thị Biên Hòa xứng tầm đô thị loại I. Vì thế, trong hàng loạt các công trình đang được triển khai nhằm nâng cấp TP.Biên Hòa hiện nay, 2 dự án “Xây dựng đường ven sông Cái” và “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông” được người dân đặc biệt quan tâm, hứa hẹn sẽ tạo ra một diện mạo mới, dấu ấn mới cho Biên Hòa.

Theo mục tiêu phát triển nông nghiệp của TP.Biên Hòa, đến năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp trên ha đất  canh tác sẽ đạt 481 triệu đồng/năm và đến năm 2030 đạt 750 triệu đồng/ha/năm.

Ông Hà Duy Thạch - Phó Chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư Đồng Nai nhận định, Dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông” Đồng Nai đã đáp ứng yêu cầu chỉnh trang đô thị ven sông, đồng thời góp phần bổ sung, hoàn thiện những công trình mà một đô thị loại I còn thiếu.

Với gần 70% diện tích quy hoạch là các công trình công cộng như công viên cây xanh, đường giao thông…, đây là dự án đang nhận được sự mong đợi của người dân Biên Hòa. Mục tiêu của dự án là cải tạo cảnh quan đô thị ven sông, tạo ra nhiều công trình công cộng để người dân được hưởng lợi như công viên, quảng trường, bến tàu, phố đi bộ…

Nếu hoàn thành, đây sẽ là điểm nhấn riêng, nét độc đáo trong không gian kiến trúc chung của  thành phố. Theo dự kiến, năm 2017 dự án sẽ hoàn thành giai đoạn 1, lúc đó người dân sẽ có thêm không gian xanh ngay bên bờ sông.

Nghĩ đến viễn cảnh này, Trần Thanh Tuấn - bạn học thuở thiếu thời, một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Biên Hòa vui mừng: “Nông Nại đại phố sẽ hồi sinh!”.

Tuy nhiên, nghĩ đến cảnh tượng Biên Hòa nhiều lần “chìm” trong nước sau những cơn mưa nặng hạt, và cảnh kẹt xe kéo dài dằng dặc trong năm qua, Tuấn khẽ thở dài. “Là một công chức, là người con TP.Biên Hòa, nhìn tốc độ gia tăng dân số cơ học và điều kiện đường sá trong thành phố tôi đã nghĩ, nếu chính quyền TP.Biên Hòa không có các giải pháp nào về giao thông thì việc kẹt đường, ngập lụt là khó tránh khỏi” - Tuấn bộc bạch. Tin rằng khi con đường ven sông Đồng Nai được mở, và cầu An Hảo xây dựng xong đưa vào sử dụng thì nạn kẹt xe ở TP.Biên Hòa sẽ được giải quyết.

Dấu ấn nông nghiệp đô thị

Theo quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, TP.Biên Hòa sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, với các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít đất, sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp sạch. Theo đó, Biên Hòa sẽ tập trung phát triển các vùng chuyên canh rau an toàn ở Trảng Dài và các phường, xã có truyền thống, kinh nghiệm sản xuất rau lớn như: Hố Nai, Tân Phong, Tân Biên.

Hiện, diện tích gieo trồng rau, quả ở Biên Hòa khoảng 670ha, sản lượng khoảng 16.000 tấn. Theo quy hoạch, đến năm 2020, diện tích trồng rau giảm xuống còn khoảng 430ha, sản lượng 10.750 tấn; và đến năm 2030, diện tích này chỉ còn khoảng 150 - 200ha, sản lượng 4.500 - 5.000 tấn, phát triển theo hướng luân canh với 2 mô hình chính là sản xuất rau và hoa tập trung.

Riêng, với sản xuất lúa gạo, theo quy hoạch đến năm 2020 TP.Biên Hòa chỉ còn duy trì ở khu vực xã Phước Tân, Tam Phước và Hiệp Hòa, chỉ chú trọng sản xuất các giống lúa chất lượng cao, sản xuất lúa gạo sạch.

Về nghề nuôi trồng thủy sản trên sông, TP.Biên Hòa đang sắp xếp hoàn chỉnh các hộ nuôi cá bè để tạo cảnh quan và bảo đảm vệ sinh môi trường.  Ông Lê Văn Dành – Bí thư Thành ủy Biên Hòa cho biết, các cơ quan nghiên cứu đang đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi cá lồng bè để phát triển theo hướng hiện đại, gắn với du lịch sinh thái trên sông nước.

“Tôi nghĩ nông nghiệp ở TP.Biên Hòa cũng sẽ được định hướng phát triển như TP.HCM đang làm, đó là xây dựng một nền nông nghiệp đô thị với các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít đất, sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững; đồng thời sản xuất nông nghiệp của thành phố còn giữ vai trò quan trọng trong việc giữ lại các không gian xanh, tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp để phát triển đô thị…” - ông Phạm Minh Đạo – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai nói.

Chiều xuống, Tuấn chở tôi qua Cù Lao phố thăm lại Nông Nại đại phố xưa kia. “Mắc kẹt” bởi “sứ mệnh lịch sử” nên cái xã nghèo nằm giữa lòng TP.Biên Hòa không sao phát triển được. Tại bến đò An Hảo (Cù Lao phố), ban đầu người ta dự định sẽ làm một bến phà nhưng thấy không khả thi nên thôi, giờ chính quyền cho thi công cây cầu An Hảo. Đây là công trình giao thông hiện đại đặc biệt quan trọng của TP.Biên Hòa nhằm kết nối với nhiều tuyến đường huyết mạch của tỉnh, của quốc gia, đồng thời mở ra cửa ngõ dẫn vào trung tâm thành phố và cũng là một nét đặc trưng, điểm nhấn cho Nông Nại đại phố trong tương lai.


Related news

Cần Thơ phát hiện hàng trăm tấn phân bón không rõ nguồn gốc, hết hạn Cần Thơ phát hiện hàng trăm tấn phân bón không rõ nguồn gốc, hết hạn

Bất ngờ kiểm tra kho chứa, lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm tấn phân bón mang nhãn hiệu nước ngoài đang được được cất giữ. Số lượng phân bón này không rõ nguồn gốc xuất xứ và phần lớn đã hết hạn sử dụng từ lâu.

Saturday. February 20th, 2016
Đầu năm hành tím tăng giá, nông dân phấn khởi vì có lãi Đầu năm hành tím tăng giá, nông dân phấn khởi vì có lãi

Vào những ngày này nông dân tại các xã Nhơn Hải, Phương Hải, Khánh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) đang ồ ạt thu hoạch vụ hành tím đầu năm.

Saturday. February 20th, 2016
Nông dân bán ruộng lúa non để tránh hạn, mặn kỷ lục Nông dân bán ruộng lúa non để tránh hạn, mặn kỷ lục

Trước ảnh hưởng nặng nề của hạn, mặn, tại xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, nhiều nông dân cố gắng vớt vát chút vốn liếng bằng cách bán lại ruộng lúa vừa sạ cho chủ khác canh tác, chỉ lấy tiền công cày trục và giống.

Saturday. February 20th, 2016