Đánh Giá Kết Quả Mô Hình Trồng Khoai Tây Bằng Biện Pháp Làm Đất Tối Thiểu Che Phủ Rơm Rạ Ở Bắc Ninh
Tại HTX thôn Chè, xã Liên Bão (Tiên Du, Bắc Ninh), Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả mô hình trồng khoai tây bằng biện pháp làm đất tối thiểu che phủ rơm rạ trong vụ đông 2012 – 2013.
Mô hình được triển khai với diện tích 1 ha, gồm có 35 hộ nông dân tham gia. Các hộ tham gia mô hình được cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp& PTNT tỉnh tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc theo phương pháp làm đất tối thiểu, cấp phát giống, vật tư, phân bón, nilon bảo vệ để hạn chế chuột hại… Sau hơn 3 tháng triển khai, bước đầu đánh giá đây là mô hình dễ thực hiện, không phụ thuộc vào thành phần đất canh tác, có thể trồng ngay cả khi đất ướt, giúp bà con nông dân chủ động thời vụ nên có khả năng mở rộng sản xuất tại nhiều địa phương.
Phương pháp làm đất tối thiểu che phủ rơm rạ giúp giảm bớt công lao động 36,8% so với phương pháp trồng khoai thông thường, tương đương giảm được 420.000 đồng/sào (11.666.667 đồng/ha) và tận dụng được nguồn nguyên liệu rơm rạ, góp phần làm giảm chi phí sản xuất. Do tỷ lệ rãnh và diện tích luống nhỏ nên đã sử dụng tối đa diện tích đất canh tác, tăng mật độ trồng nhờ vậy giúp tăng năng suất, nâng cao mẫu mã và chất lượng sản phẩm so với phương pháp trồng khoai truyền thống.
Sau khi tham quan thực tế và trao đổi tại hội trường, các ý kiến tại hội thảo thống nhất nhận định, đây là mô hình có nhiều triển vọng, phát huy được hiệu quả trên chân đất có thành phần cơ giới là đất thịt, thịt nặng… cần được tiếp tục duy trì và mở rộng. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng có chính sách hỗ trợ nhằm mở rộng diện tích, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân trong thời gian tới.
Related news
Anh Nguyễn Văn Thắng là người đầu tiên “di thực” cây trôm từ vùng đất đồi núi Hòn Bà thuộc xã Phước Nam về trồng trên đồng đất màu mỡ xã Nhơn Sơn cho mủ chất lượng cao.
Cây lúa là loại cây trồng truyền thống, chiếm phần lớn diện tích gieo trồng trong tỉnh. So với thời điểm tái lập tỉnh đến nay, diện tích lúa đã tăng thêm trên 10.000 ha, năng suất tăng 1,5 lần, theo đó sản lượng cũng tăng hơn 2 lần so với trước đây.
Trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống dân sinh thì việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên đầu diện tích đã và đang là đòi hỏi mà ngay cả ngành quản lý đến người sản xuất cần thực hiện.