Prices / Tin thủy sản

Đánh bắt đầu năm gần bờ trúng mùa, xa bờ lỗ tổn

Đánh bắt đầu năm gần bờ trúng mùa, xa bờ lỗ tổn
Author: M.Hoa - T.Sương
Publish date: Tuesday. March 1st, 2016

Gần bờ: Bội thu cá, ruốc

Sáng 19.2 (tức 12 tháng Giêng), chiếc tàu của ngư dân Nguyễn Đạt ở thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn - Quảng Ngãi) cập cảng Sa Kỳ cùng 2 tấn cá cơm. Theo ông Đạt, trong những ngày Tết Bính Thân 2016, con tàu này đã ra vào cảng Sa Kỳ 3 lần, mà lần nào cũng nặng cá cơm. Với những chuyến biển như vậy, con tàu đã mang về cho anh em đi bạn mỗi người hàng chục triệu đồng. Riêng chủ tàu cũng bỏ túi cả trăm triệu đồng. “Dù không được vui chơi nhiều trong dịp Tết, nhưng cá cơm trúng mùa được giá thế này, anh em chúng tôi còn vui hơn Tết”, ông Đạt góp chuyện.

Cạnh đó, người hàng xóm Phạm Hùng của ông Đạt cũng tất bật nạp dầu, chuyển lưới lên tàu để tiếp tục gặt “lộc” biển đầu năm. Sở dĩ ông Hùng gọi cá cơm là “lộc” biển vì đầu năm nó có giá rất cao. Hơn nữa, dù được đánh bắt quanh năm nhưng cá cơm tháng Giêng được đánh giá là ngon nhất nên thương lái ưa chuộng, việc bán buôn vì thế cũng dễ dàng hơn. Không chỉ ông Đạt, ông Hùng mà hiện giờ, ngư dân đánh bắt gần bờ ở xã Bình Châu hay Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cũng hối hả ra khơi đánh bắt cá cơm, tăng thêm thu nhập.

Những ngày đầu năm, ngư dân xã Bình Châu cũng rất phấn khởi vì những chuyến đánh bắt gần bờ đầu năm mang về đầy ắp ruốc tươi. Lão ngư Nguyễn Văn Thọ (60 tuổi) đang tất bật đong ruốc từ thuyền vào giỏ để đưa vào bờ không giấu được niềm vui khi chuyến ra khơi này ông thu về 2 tấn rưỡi ruốc. Thuyền ông Thọ có 5 lao động khai thác ruốc, tùy theo lượng ruốc nhiều hay ít, ông chia cho 5 lao động từ 700 đến 1 triệu đồng. Ông Thọ cho biết: "Chỉ trong hai ngày thuyền tôi khai thác được 4 tấn rưỡi ruốc tươi. Trung bình mỗi ngày tôi thu về 15 triệu đồng".

Mùa ruốc thường có từ tháng Chạp kéo dài đến tháng 2 âm lịch. Năm nay, ruốc có muộn nhưng sản lượng tăng gấp 2, 3 lần so với năm ngoái. Thông thường, cứ 3 giờ sáng là các thuyền cùng lúc xuất phát đi khai thác ruốc cách bờ khoảng 100 - 200m. Hiện tại, có khoảng chục thuyền vừa và nhỏ tham gia khai thác ruốc. Mùa ruốc cũng là mùa để các phụ nữ ở địa phương kiếm thêm 100 - 150 nghìn đồng/ngày từ việc phơi ruốc.

Nỗi buồn khai thác xa bờ

Trái với vẻ phấn khởi của ngư dân đánh bắt gần bờ, ngư dân đánh bắt xa bờ vừa trở về với nỗi buồn và trĩu nặng âu lo. “Đang mùa cá chuồn nhưng cả tháng ở biển, tàu chúng tôi chỉ được hai tấn cá. Lỗ tổn!”, ông Nguyễn Thời, thôn Định Tân, xã Bình Châu nói buồn. Sau 25 ngày bám biển, thậm chí ăn Tết trên biển, nhưng con tàu của ông Thời trở về nhẹ tênh vì cá ít. “Anh em đi bạn người được chia chục ký cá cùng vài trăm nghìn, xem như tiền lì xì Tết. Eo hẹp vậy nhưng mình phải chia sẻ nhau chứ biển giả mà, biết đâu mà lần!”, anh Nguyễn Hưng, người đi bạn trên tàu ông Thời cho hay.


Dù đang mùa cá chuồn, giá bán lại ở mức cao nhưng nhiều ngư dân lại kém vui vì gặp nhiều trở ngại khi đánh bắt ngoài khơi. Ảnh: M.HOA

Khốn đốn hơn ông Thời, chủ tàu ông Nguyễn Cu, ngụ thôn Định Tân chỉ được một tấn cá chuồn sau hơn một tháng bám biển Hoàng Sa. Thế nên, hôm tàu về cập cảng Sa Kỳ vào ngày 12 tháng Giêng, gia đình của chủ tàu lẫn anh em đi bạn đều buồn rầu. “Cứ ngỡ mọi người ăn Tết ngoài biển sẽ được đền bù xứng đáng. Ai ngờ...”, chị Hương, vợ chủ tàu Nguyễn Cu bỏ lửng câu nói.

Theo đánh giá của ngư dân, tháng Giêng năm nào cá chuồn cũng được giá. Và hiện giờ, cá chuồn có giá 40.000 đồng/kg nên việc mất mùa phiên biển Tết đã khiến nỗi buồn của ngư dân như nhân đôi. Ngư dân Nguyễn Cu cho hay, lẽ ra tàu cá của ông đã trở về trong niềm vui được mùa nếu không bị tàu Trung Quốc xua đuổi, đe dọa.

“Thấy chúng tôi thả lưới là hai chiếc tàu Trung Quốc lại chạy tới cản. Lúc đầu họ còn nói nhẹ nhàng, nhưng sau thì dọa nạt, rồi giằng lưới. May mà tôi lấy lại được lưới, không là mất trắng!”. Gian nguy thế nhưng mọi người trên tàu không ai nản lòng, bởi “bao đời nay, Hoàng Sa là của chúng ta nên dù thế nào, mình cũng không bỏ cuộc”, ông Cu bộc bạch.

Vì thế, mãi đến khi dầu cạn, thức ăn vơi, ông Cu mới chịu cho tàu trở về. Dù phiên biển Tết gặp nhiều trở ngại, lại lỗ tổn nhưng ngày 16 tháng Giêng, chiếc tàu của ông Cu lại hăng hái thẳng tiến Hoàng Sa.


Related news

Nhiều tỉnh kêu gọi người dân tiết kiệm nước Nhiều tỉnh kêu gọi người dân tiết kiệm nước

UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các huyện, thị xã và các đơn vị phải đảm bảo nguồn nước tưới vụ đông xuân năm 2015-2016 với diện tích khoảng 10.000ha.

Tuesday. March 1st, 2016
Bí quyết nuôi cá mùa nước cạn Bí quyết nuôi cá mùa nước cạn

Vào mùa khô hạn, chuyện thiếu nước trong sản xuất, chăn nuôi của nông dân lại trở nên căng thẳng. Với các hộ nuôi cá tại ấp 8, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom, Đồng Nai), việc đảm bảo đủ nguồn nước lại càng mang ý nghĩa sống còn.

Tuesday. March 1st, 2016
Nuôi tôm ở xã Triệu Lăng được mùa, được giá Nuôi tôm ở xã Triệu Lăng được mùa, được giá

Cái tên được người dân nhắc nhiều nhất có lẽ là hộ gia đình anh Nguyễn Hùng Cư, ở thôn 4, xã Triệu Lăng. Sở hữu một ao nuôi với diện tích khoảng 3.000m2, vụ tôm vừa qua, gia đình anh Cư thu hoạch tôm bán được 1,8 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí thức ăn, tiền điện, lãi ròng khoảng 900 triệu đồng.

Tuesday. March 1st, 2016