“Đại tang” tôm hùm: Cay đắng trắng tay, ôm nợ
Sau lũ, tôm hùm chết la liệt, những đợt sóng ven đầm Cù Mông (xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, Phú Yên) vỗ vào đầu bờ cuốn theo đầu tôm trôi nổi. Những ngư dân nuôi tôm rền rĩ, than khóc vì trận “đại tang” tôm hùm.
Tiếng khóc từ làng tôm
Vẫn như mọi ngày, sáng 8.11, ánh mắt của ngư dân Trần Thị Chút (52 tuổi, trú thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh) vẫn hướng về đầm Cù Mông, nơi cánh đồng tôm hùm trù phú của hàng trăm hộ dân trong vùng. Nhưng lần này, ánh mắt của bà mang nỗi buồn man mác chứ không còn là sự hy vọng, chờ đợi… như những hôm trước lũ.
Trong ảnh: Đầu tôm nằm la liệt trên bờ, nông dân đang dọn dẹp để tránh ô nhiễm. Ảnh: Dũ Tuấn
Đa số những hộ dân có tôm chết vay vốn theo gói nông nghiệp, nông thôn. Chúng tôi đang nắm tình hình cụ thể và sắp tới xem xét hướng giải quyết theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc gia hạn nợ, giãn nợ cho người dân”. Ông Trần Minh Mẫn - Giám đốc Agribank Phú Yên
Bà Chút bùi ngùi kể: “Mưa lũ đổ xuống đầm từ tối ngày 3.11, đã khiến tôm hùm chết hàng loạt, ai cũng lâm vào cảnh điêu đứng. Nghe tin, cả làng như vỡ òa, cơm ăn chưa kịp nuốt thì hối hả lặn xuống lồng… Và tôm chết thật, tôi khóc ngất vì không dám tin sự thật. Lũ rút, tôm hùm vẫn tiếp tục chết với số lượng lớn và hiện tại vẫn chưa dừng lại, gia sản của người dân như chết theo tôm”.
Hơn 7 tháng nay, gia đình bà Chút cần mẫn lặn lội ra giữa đầm để chăm sóc hơn 3.000 con tôm hùm, nhưng hiện nay đã chết đến hơn 1.500 con, những con còn lại đang nằm thoi thóp chờ chết, ước tính tổng thiệt hại gần 300 triệu đồng. “Số tiền này tôi vay mượn khắp nơi, nếu ngon lành thì tôi thu về cũng hơn 300 triệu đồng. Nhưng nước lũ xuống, tôm không chịu nổi nước ngọt nên chết quá nhanh, người dân không biết phải tránh né cách nào, giá như tôm bị bệnh thì chúng tôi còn dùng thuốc để hạn chế. Trong khi đó, mưa lụt đến rồi đi, cuốn trôi hết, cuộc sống người dân tan nát”- bà Chút buồn bã nói.
Những ngày đầu tôm bị chết, người dân cố gắng vớt lên bờ để bán với giá 50.000-200.000 đồng/kg vớt vát, kiếm tiền đi chợ (nếu so với thời điểm bình thường thì loại tôm này có giá rất cao khoảng từ 1,5-2 triệu đồng/kg). Thế nhưng, do tôm chết quá nhiều bị thối rữa trong lồng nên người dân đành vớt lên bờ chôn, tiêu hủy để hạn chế ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Tại làng Hòa Lợi, người nào cũng lỗ từ hàng trăm triệu đồng đến gần 1 tỷ vì tôm, họ buồn rầu… tâm trạng cứ lơ lửng, có người lâm vào cảnh đãng trí, suốt ngày chỉ biết hướng mắt về đồng tôm, xót xa.
Chưa kịp boàng hoàng sau lũ, anh Lê Văn Quang (36 tuổi, trú thôn Hòa Lợi) vẫn cố gắng đi dọc bờ để nhặt đầu tôm hùm mang đi chôn. “Quá buồn, bao năm gầy dựng nhưng sau 1 đêm thì mất sạch, ăn ngủ cùng tôm giờ tôm chết, dân làng xót lắm. 8 tháng nay, ngày nào tôi cũng vui vẻ chờ đợi bên hơn 2.000 con tôm hùm, nhưng đã bị chết đến 70%, lâm nợ hơn 100 triệu đồng” - anh Quang mắt đỏ hoe...
Ông Đinh Tiệp Khắc - Trưởng thôn Hòa Lợi cho biết: “Tại thôn có khoảng 330 hộ dân nuôi tôm hùm bị thiệt hại do nước lũ. Đa số, người dân vay mượn ngân hàng nên đang lâm vào cảnh trắng tay. Mỗi gia đình bị “cuốn trôi” khoảng 300 triệu đồng”.
Xem xét giãn nợ
Bà Nguyễn Thị Mai Loan (trú thôn Hòa Lợi) buồn bã vì 3.500 con tôm hùm chết hết, chỉ còn 70 con, thiệt hại 200 triệu đồng. Ảnh: Dũ Tuấn
Ông Lê Văn Cảnh - Chủ tịch UBND xã Xuân Cảnh cho hay: “Hiện tại, vẫn chưa thể thống kê được đầy đủ về thiệt hại do mưa lũ là bao nhiêu, nhưng lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã bị thiệt hại rất nặng. Nước lũ về, bà con bây giờ trắng tay, chỉ mong ngân hàng khoanh nợ cho vay tiếp thì họ mới có vốn tái sản xuất”.
Theo UBND thị xã Sông Cầu, hàng trăm ngàn con tôm hùm nuôi bằng lồng ở đầm Cù Mông tại xã Xuân Cảnh đã bị chết sạch do lũ, thiệt hại trên 42 tỷ đồng. Riêng thôn Hòa Lợi, số hộ bị thiệt hại là 330 hộ, tôm hùm các loại chết rất nhiều (tôm sao 18.230 con, tôm xanh 349.855 con và tôm sỏi 260.030 con).
Theo ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, tình trạng tôm hùm chết hàng loạt sau lũ đã khiến nhiều gia đình trở nên trắng tay hoặc nợ nần chồng chất do phần lớn vốn nuôi tôm hùm đều vay của ngân hàng. Do đó, tỉnh đã yêu cầu UBND thị xã Sông Cầu phối hợp cùng Sở NNPTNT thống kê thiệt hại để UBND tỉnh xem xét, có phương án kiến nghị hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại để người dân sớm ổn định sản xuất.
Related news
Mô hình nuôi cá trắm lồng mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ dân ở thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phân tích từ cả 3 góc độ: Ngành sản xuất, tổ chức tín dụng và chính sách quản lý, nhiều ý kiến đồng tình phải tổ chức chuỗi giá trị để phát triển ngành thủy sản
Việc kiểm soát chất lượng thủy sản không chỉ nhằm mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu mà trước hết là bảo đảm an toàn thực phẩm