Đặc Sản Quýt Hồng Lai Vung

Có dịp về Lai Vung (Đồng Tháp) vào những ngày giáp Tết, bạn đừng nên bỏ qua cơ hội tham quan những vườn quýt hồng chín mọng sai trĩu quả. Cành quýt thấp la đà sát đất nhưng trái vàng ươm từ gốc tới ngọn, khắp vườn tràn một màu hồng của quýt. Đây chính là loại trái cây đặc sản nổi tiếng khắp miền sông nước phương Nam.
Kỹ sư Huỳnh Thanh Tồn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Lai Vung (Đồng Tháp), kiêm Chủ nhiệm dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm quýt hồng Lai Vung”, giới thiệu: Ở Lai Vung, quýt hồng chỉ được trồng nhiều ở 4 xã Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước và Vĩnh Thới với tổng diện tích 1.073/1.102,8 héc-ta. Từ khi Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) phê duyệt cho triển khai dự án, Cục Sở hữu trí tuệ cung cấp nhãn hiệu độc quyền quýt hồng “Lai Vung”, đã góp phần phát triển thương hiệu, nâng cao thu nhập cho nhiều gia đình và giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương.
Đặc biệt, mùa quýt hồng Tết năm nay cho trái với năng suất rất cao, trên 45 tấn/héc-ta, tổng sản lượng trên 40.000 tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong nước và xuất khẩu. Nhờ cây quýt hồng mà nhiều hộ gia đình ở huyện Lai Vung có khoản thu nhập ổn định, vươn lên khá giàu. Đã có hơn 200 nhà vườn ở Lai Vung được tỉnh Đồng Tháp chọn canh tác hơn 100 héc-ta quýt hồng an toàn, kiểu mẫu để xây dựng thương hiệu “Quýt hồng Lai Vung” đạt chuẩn trái cây sạch, an toàn cung ứng cho thị trường.
Không chỉ nổi tiếng về chất lượng, màu sắc, giá trị sử dụng mà quýt hồng Lai Vung còn có giá trị và hiệu quả kinh tế rất lớn. Với sản lượng trung bình 40.000 tấn/năm, trị giá hàng trăm tỷ đồng, đây thật sự là loại cây ăn quả chủ lực của huyện Lai Vung. Thế nên, nhà vườn đang áp dụng các biện pháp kỹ thuật như IPM, GAP để sản xuất ra sản phẩm chất lượng tốt, nâng cao hiệu quả...
Năm 2009, Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam phối hợp Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông, Chi cục BVTV và chính quyền địa phương xây dựng mô hình trồng quýt hồng theo hướng VietGAP tại xã Long Hậu cho 13 nhà vườn thực hiện trên diện tích 47.500 m2. Đến nay, các nhà vườn trồng quýt hồng trên địa bàn huyện Lai Vung đã thành lập được 2 tổ liên kết sản xuất quýt hồng an toàn theo hướng VietGAP với tổng diện tích 20 héc-ta. Mô hình sản xuất này mở ra hướng sản xuất hàng hóa bền vững, bảo đảm quy trình kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ môi trường, hạn chế lượng thuốc BVTV, cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.
Với lợi thế của cây quýt hồng là mùa trái chín tập trung vào dịp Tết Nguyên đán, chất lượng ngon nên tiềm năng về thị trường còn rất lớn. Tuy năm nay thời tiết bất thường nên sản lượng giảm so Tết Nguyên đán năm 2012 (còn khoảng 35.000 tấn) nhưng giá thị trường năm nay cao hơn nên nhà vườn vẫn có lãi lớn. Nhà vườn Lưu Văn Tín ở xã Long Hậu cho biết: “Bình quân, giá thành sản xuất 1 kg quýt hồng từ 6.000 - 7.000 đồng, giá quýt hồng hiện được thương lái mua 27.000 đồng/kg, gần Tết còn cao hơn, thì nông dân có lời khá cao”. Năm nay, vườn quýt hồng 520 gốc của ông Tín cho trái khoảng 60 tấn sẽ cho lợi nhuận trên 1,2 tỷ đồng, đồng thời giải quyết việc làm cho 200 lao động địa phương. Cũng như ông Tín, vào mùa thu hoạch quýt ở Lai Vung giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, giúp người dân có khoản tiền rủng rỉnh để vui xuân đón Tết.
Theo chiến lược phát triển thị trường cho quýt hồng Lai Vung trong thời gian tới là tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thành thương hiệu mạnh, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm quýt hồng đặc sản. Tỉnh Đồng Tháp đặt ra kế hoạch sản xuất cây quýt hồng trong thời gian tới bằng việc tập trung cải tạo những vườn cây ăn trái không hiệu quả sang trồng cây quýt hồng, đồng thời mở rộng thêm diện tích ở những khu vực có điều kiện phát triển được tập trung ở 4 xã Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước và Vĩnh Thới .
Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm cá tra xuất khẩu đã rơi vào tình trạng thừa, thị trường xuất khẩu khó khăn vì rào cản thương mại, kỹ thuật. Làm gì để phát triển bền vững ngành cá tra là vấn đề một lần nữa được đặt ra tại Hội nghị Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL ngày 21-8, tại TP Cần Thơ. Dịp này, Tổng Cục thủy sản trình bày Dự thảo về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra và lấy ý kiến đóng góp từ các DN.

Do diện tích đất trồng cỏ bị thu hẹp, nhiều người dân ở xã Dương Hoà (Thừa Thiên Huế) nuôi trâu, bò bằng cách chăn thả rong trong rừng, thỉnh thoảng mới vào kiểm kê và thăm nom. Nắm được quy luật này, bọn trộm trâu đã ra tay khiến người dân thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Dù sản phẩm gà đồi Yên Thế (Bắc Giang) đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận từ năm 2011, nhưng cho đến nay, việc giữ gìn và phát huy nhãn hiệu đặc sản này vẫn gặp không ít khó khăn do phải cạnh tranh với các loại gà thương phẩm khác trong nước và gà Trung Quốc (TQ)...