Prices / Tin thủy sản

Đa lợi ích chế phẩm vi sinh cho nuôi tôm

Đa lợi ích chế phẩm vi sinh cho nuôi tôm
Author: Trung Quân
Publish date: Tuesday. January 11th, 2022

Nếu không dùng chế phẩm vi sinh, người nuôi thường mất 1,2 đến 1,3kg thức ăn/1kg tôm thương phẩm. Khi dùng chế phẩm vi sinh, lượng thức ăn giảm xuống chỉ còn 1,1 kg/1kg tôm.

Ở ĐBSCL, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gây ra rất nhiều khó khăn cho nuôi trồng thủy sản. Ảnh: TL.

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do dịch bệnh của cả nước trên 46.000 ha (tăng 1,9 lần so với năm 2019). Khoảng trên 10.000 lồng bè, bể nuôi thủy sản bị thiệt hại.

Cụ thể, thiệt hại trên tôm nuôi nước lợ hơn 43.300 ha (chiếm 94% tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại), cao gấp 2 lần so với năm 2019, chiếm gần 6% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước. Mặc dù diện tích bị thiệt hại nuôi tôm không lớn, nhưng trên tổng diện tích nuôi tôm, không ít diện tích bị dịch bệnh, đã gây ra thiệt hại cho người nuôi.

Do đó, việc tăng cường các giải pháp quản lý, cũng như ứng dụng những quy trình, tiến bộ kỹ thuật mới trong nuôi tôm để giảm thiểu những nguy cơ, rủi ro do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, hạn chế thiệt hại gây ra trong nuôi tôm theo hướng an toàn dịch bệnh, chất lượng và hài hòa với môi trường sinh thái trên cả nước nói chung, ĐBSCL nói riêng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.

Ông Kim Văn Tiêu, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) chia sẻ: Khí hậu thất thường, thì việc nuôi tôm cá rất khó lường, do tôm cá là động vật nhóm máu lạnh nên rất mẫn cảm với nhiệt độ và môi trường. Sự thay đổi đột ngột các yếu tố thời tiết, nhiệt độ… khiến tôm cá có thể chết ngay hoặc làm giảm sức đề kháng, tạo cơ hội cho virus, vi khuẩn tấn công, dẫn tới phát sinh dịch bệnh. Trong khi đó, những bệnh do virus gây ra tỷ lệ chết lên đến 100%.

Đối với các tỉnh ĐBSCL, hạn hán, xâm nhập mặn gây ra rất nhiều khó khăn cho nuôi trồng thủy sản. Khi xâm nhập mặn, không chỉ cuộc sống của con người bị đảo lộn mà các lồng cá rất dễ bị sốc mặn, chết. Với nuôi tôm, độ mặn tăng cao sẽ khiến tôm chậm lớn, dễ phát sinh dịch bệnh tấn công, gây ra thiệt hại rất lớn.

Theo ông Kim Văn Tiêu, những năm qua, công tác nuôi trồng thủy sản đã có rất nhiều tiến bộ, trong đó bước ngoặt chính là ứng dụng công nghệ vi sinh. Khi người nuôi muốn có năng suất cao, chất lượng tốt, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, gắn với bảo vệ môi trường thì không có con đường nào khác ngoài việc sử dụng chế phẩm vi sinh.

Trên cơ sở đó, Trung tâm KNQG đã phối hợp với nhiều công ty, trong đó có Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Bồ Đề (Công ty Bồ Đề) để chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KH-KT) đến người dân.

Hiện nay, chế phẩm vi sinh gồm 2 dạng, đưa vào môi trường và trộn vào thức ăn. Theo thống kê, những mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh, tỷ lệ sống của tôm rất cao, tôm nhanh lớn, rút ngắn được thời gian nuôi, khả năng hấp thụ thức ăn tốt hơn nên giúp hệ số thức ăn giảm xuống…

“Nếu không dùng chế phẩm vi sinh, thông thường người nuôi mất khoảng 1,2 - 1,3 kg thức ăn mới sản xuất ra 1 kg tôm thương phẩm. Khi dùng chế phẩm vi sinh, lượng thức ăn giảm xuống chỉ còn 1,1 kg”, ông Kim Văn Tiêu cho biết.

Cũng theo ông Tiêu, về công tác xây dựng mô hình, Trung tâm KNQG đang thực hiện theo tinh thần "5 thật": Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, người nông dân được hưởng thụ thật. Trung tâm đã chọn điểm, chọn người với phương châm “nông dân nói cho nông dân nghe; một người làm một ngàn người biết, 100 hộ học tập làm theo”…, kết hợp với việc thông tin đại chúng để nhân rộng những mô hình đó.

Về cơ chế chính sách, ông Tiêu bày tỏ mong muốn, cần đầu tư thêm kinh phí hỗ trợ công tác giáo dục, học tập theo tinh thần “thắp sáng hơn đổ đầy”. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân, do doanh nghiệp nắm được bắt được thị trường, dẫn dắt sản xuất bền vững.

Bên cạnh đó, cần xây dựng quy hoạch theo vùng, nhà nước hỗ trợ đường giao thông, điện, mương cấp thoát nước, hồ chứa (cả mặn và nước ngọt)… Các cơ quan chuyên môn cần tăng cường quản lý chặt chẽ hơn nữa, đảm bảo con giống và các chế phẩm xử lý môi trường đến tay người nông dân phải đảm bảo chất lượng. 

Chuẩn bị ao nuôi kỹ lưỡng khi nuôi tôm nghịch vụ

Về vấn đề nuôi tôm nghịch vụ, ông Kim Văn Tiêu cho hay: Khi nuôi vụ đông ở miền Bắc, người nuôi bắt buộc phải có nhà bạt để giữ cân bằng nhiệt độ ao nuôi với thời tiết bên ngoài. Về tiềm năng, nuôi tôm nghịch vụ vào vụ đông nên số lượng người nuôi ít, nhờ đó giá bán tôm thường cao gấp 1,5 - 2 lần so với chính vụ. Điều quan trọng nhất của nuôi tôm nghịch vụ là tôm phải ít bệnh, dễ tiêu thụ..

Cũng theo ông Tiêu, khó khăn của nuôi tôm nghịch vụ là phải lót bạt, làm mái che, đủ sục khí… nên chi phí đầu tư ban đầu lớn. Khi nuôi tôm nghịch vụ, người nuôi cần lưu ý chuẩn bị ao nuôi thật kỹ lưỡng, đồng bộ, nếu không dùng chế phẩm sinh học thì phải làm nhà bạt, lót bạt, sục khí, quạt nước, mương cấp thoát nước, có hồ tích trữ nước, xử lý nước xong mới đưa vào ao nuôi…

Đồng thời, cần áp dụng kỹ thuật nuôi tôm 2 giai đoạn, đầu tiên đưa tôm vào bể nuôi 25 - 30 ngày, khi tôm lớn lên, có sức đề kháng mới thả ra ao to. Bên cạnh đó, nuôi vào mùa đông thường rét, nên nếu dưới 18 độ C dừng việc cho tôm ăn, vì lượng thức ăn dư thừa khi gặp thời tiết ấm lên dễ làm nước bị thối, ô nhiễm, khiến “tôm cá không chết vì đói và chết vì thừa thức ăn”.


Related news

Phục tráng chất lượng rong sụn bằng giống nuôi cấy mô Phục tráng chất lượng rong sụn bằng giống nuôi cấy mô

Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Hải sản lần đầu tiên ở Việt Nam đã nghiên cứu, nhân giống thành công giống rong sụn bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Tuesday. January 11th, 2022
Công nghệ sản xuất sinh khối vi tảo mật độ cao Công nghệ sản xuất sinh khối vi tảo mật độ cao

Là nguồn thức ăn quan trọng cho luân trùng, một số ấu trùng cá và giáp xác, loài tảo Nannochloropsis oculata được Viên Nghiên cứu Hải sản sản xuất sinh khối

Tuesday. January 11th, 2022
Thành công nuôi cá tai tượng trong bể xi măng giữa lòng đô thị Thành công nuôi cá tai tượng trong bể xi măng giữa lòng đô thị

Do sống ở giữa đô thị TP Cần Thơ nên đất ít, vì vậy lão nông 65 tuổi đã nẩy ra ý tưởng nuôi cá tai tượng trong bể xi măng đặt xung quanh nhà.

Tuesday. January 11th, 2022