Cùng Nông Dân Sản Xuất Nông Sản Sạch
“Trong quá trình phát triển phải luôn luôn đặt yếu tố công nghệ lên hàng đầu, đặc biệt, đối với lĩnh vực sản xuất các sản phẩm phục vụ nông nghiệp cần chú trọng công nghệ sinh học mới có tính thân thiện và bảo vệ môi trường”.
Đó là chia sẻ của ông Hồ Đăng Khoa - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Quế Lâm tại Hội thảo “Chương trình hành động sản xuất, sử dụng nông sản hữu cơ Quế Lâm theo tiêu chuẩn VietGAP” và lễ ký kết hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Tập đoàn Quế Lâm hôm 6.3.
Mang sức sống đến ruộng đồng
Ông Lê Văn Trọng – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chia sẻ tại hội thảo: Kỳ Anh có hơn 105.000ha đất nông nghiệp, chủ yếu trồng hoa màu và lúa chất lượng cao. Từ năm 2012, huyện Kỳ Anh phối hợp với Tập đoàn Phân bón Quế Lâm sử dụng phân vi sinh vào sản xuất nông sản an toàn.
“Năm 2013 chúng tôi triển khai mô hình điểm sản xuất 20ha lúa hữu cơ, sản lượng đạt 54 tạ/ha. Để thu hút nông dân tham gia cánh đồng mẫu lớn, phòng nông nghiệp huyện hỗ trợ 40% kinh phí sản xuất. Đây thực sự là sức sống mới trong phong trào thực hiện sử dụng sản phẩm sạch với bà con nông dân” - ông Trọng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Trọng cũng cho biết những khó khăn mà huyện Kỳ Anh đang gặp phải: Mặc dù áp dụng đưa phân bón vi sinh vào sản xuất nông sản mang lại những hiệu ứng tích cực nhưng hiện nay số bà con nhận thức về vấn đề này còn ít, chưa đồng bộ. Nguyên nhân do bà con đã quá quen thuộc với việc sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ để giảm ngày công, nay thay bằng phân vi sinh phải quay lại các công đoạn thủ công nên bà con ngại.
Ông Nguyễn Duy Lượng – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Để hưởng ứng hoạt động sản xuất sạch, sử dụng nông sản sạch, trong 5 năm qua Hội Nông dân cũng đã có những chương trình hành động thiết thực như tham gia thành lập Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ... “Tái cơ cấu nông nghiệp phải làm rõ vai trò của người nông dân và chú trọng việc liên kết giữa doanh nghiệp với nhà nông”- ông Lượng nói.
Mô hình VietGAP tăng
Ông Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định cho biết: Tỉnh Bình Định, là vùng duyên hải Nam Trung Bộ nên thành phần đất cát pha là chủ yếu. Do vậy, việc áp dụng phân bón hữu cơ là rất cần thiết vừa tạo chất lượng cho cây trồng, đảm bảo độ an toàn của nông sản, vừa cải tạo độ phì nhiêu cho đất. “Đây là hướng đi bền vững cho ngành nông nghiệp thời gian tới” - ông Lâm nhấn mạnh.
Tập đoàn Quế Lâm trong các năm 2006 - 2009 đã được trao Giải thưởng “Bông lúa Vàng”; Giải thưởng Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (2008); Cúp Vàng sản phẩm dịch vụ ưu tú hội nhập WTO (2008); Giải thưởng Công nghệ xanh Việt Nam (2009).
Ông Trọng cũng nhìn nhận: Phát triển nông sản theo hướng VietGAP và sử dụng sản phẩm hữu cơ là hướng đi đúng đắn và mang lại hiệu quả về chất lượng, sản lượng cũng như sức khỏe, thân thiện môi trường... “Trong năm 2014, Kỳ Anh sẽ xây dựng các khu sản xuất tập trung theo hướng an toàn sinh học, đặc biệt là vận động 100% nông dân sử dụng phân bón hữu cơ cho cánh đồng mẫu lớn để giảm thiểu độc hại đối với đất và sức khỏe người tiêu dùng”- ông Trọng nói.
Kết thúc hội thảo, ông Phan Huy Thông– Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia khẳng định: Trong nông nghiệp rất cần công nghệ mới có tính thân thiện và bảo vệ môi trường để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, cho doanh nghiệp và cho cả cộng đồng, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ, một môi trường trong lành, bền vững.
Related news
Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, nghề chăn nuôi bò sữa đang phát triển mạnh ở một số huyện và trở thành nghề làm giàu cho một bộ phận người dân ngoại thành Hà Nội. Tổng đàn bò sữa của toàn thành phố hiện có 10.868 con với sản lượng sữa đạt 92,6 tấn/ngày.
Sau Tết Nguyên đán, giá cá tra để chế biến xuất khẩu tại ĐBSCL có chiều hướng tăng nhẹ trở lại. Các doanh nghiệp cho rằng giá cá tra tăng, một phần là do nguồn cá đang dần khan hiếm do nhiều người nuôi tại khu vực này đã “treo ao”.
Nhiều doanh nghiệp lớn và chuyên gia trong ngành thủy sản cho rằng, năm 2013 là thời điểm khó khăn cho cá tra nhưng cũng là cơ hội tái cấu trúc ngành từ khâu nuôi trồng đến chế biến, xuất khẩu.