Cục Trồng trọt: Lúa Thiên Ưu bị lép do nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông
Lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đã tức tốc vào Hà Tĩnh để kiểm tra thông tin nhiều diện tích lúa lép hạt hàng loạt tại các xã Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc (Hà Tĩnh). Thông tin ban đầu từ Cục Trồng trọt cho hay nguyên nhân khiến lúa lép hạt là do bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông.
Nông dân trồng lúa Thiên Ưu 8 đã mất trắng toàn bộ. Ảnh: Quỳnh Nga
Gần 5.300ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn
Chiều nay (10.5), trao đổi với Dân Việt về thông tin nhiều diện tích lúa lép hạt hàng loạt tại các xã Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc (Hà Tĩnh), ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: “Ngay từ ngày 9.5, sau khi nghe thông tin trên, tôi cùng đoàn của Cục Trồng trọt đã vào Hã Tĩnh để kiểm tra tình hình. Sau khi đến các xã nơi có lúa bị lép hạt như Báo Dân Việt phản ánh, các cán bộ của cục phối hợp với cán bộ Sở NNPTNT Hà Tĩnh đã phân tích và nhận định ban đầu là lúa ở đây bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông”
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh đã có 5.291ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông; trong đó diện tích nhiễm nặng trên 10% là 949ha; chủ yếu tập trung trên các giống lúa Khang Dân 18, Xi, P6, Thiên ưu 8,VTNA2...
Đức Thọ là một trong những huyện thiệt hại nặng nề nhất với 1.968ha lúa nhiễm bệnh. Trong đó, mất trắng khoảng 300ha, tập trung ở các xã Đức Hòa, Đức Lạc, Đức Đồng, Liên Minh, Trường Sơn...; diện tích còn lại tỷ lệ nhiễm bệnh trên 10%. Ông Nghiêm Sỹ Đông - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đức Thọ đề nghị cơ quan chuyên môn tỉnh cần xuống cơ sở thống kê, đánh giá đúng thực trạng dịch bệnh để tìm nguyên nhân là do giống, thời tiết, công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh hay sự chủ quan của người dân... để có giải pháp khắc phục.
Trao đổi với Dân Việt về nguyên nhân lúa ở đây mắc bệnh đạo ôn cổ bông, ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: “Nguyên nhân khiến lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông là do năm nay thời tiết ấm kéo dài từ đầu vụ; giai đoạn lúa trổ gặp không khí lạnh làm tăng ẩm độ, tạo điều kiện cho nấm xâm nhiễm”.
Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: “Một số hộ dân có tập quán gieo sạ dày, bón phân không cân đối; ngoài ra, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan trong phòng trừ nên dịch bệnh lan rộng”.
Phải trừ bệnh bằng thuốc hóa học
Thông tin từ ông Nguyễn Như Cường – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt: Hôm nay (10.5) Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Hồng Sơn đã vào Hà Tĩnh kiểm tra tình hình, xác định rõ nguyên nhân để đưa ra biện pháp khắc phục để bà con nông dân yên tâm.
Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, nhiều chuyên gia cho rằng nếu không phòng ngừa tốt, nấm đạo ôn sẽ phát sinh gây hại lá và cổ bông, đòi hỏi phải trừ bệnh bằng thuốc hóa học. Nên sử dụng thuốc thế hệ mới đặc trị đạo ôn vì nhiều loại thuốc cũ nấm đã kháng được. Thực tế phối trộn một trong các loại thuốc như Fuji- one, Fendy, Katana, Difusan với Kasumin đã có hiệu quả cao để trừ nấm bệnh. Kinh nghiệm còn cho thấy sau khi phun thuốc từ 1 - 2 ngày sử dụng vôi tả với lượng 10 - 15kg/sào Bắc bộ rắc sẽ cho kết quả cao để sát khuẩn và chống lây lan.
Khi bệnh phát sinh, cần giữ nước trong ruộng, dừng việc bón phân (đặc biệt là phân có chứa đạm, các loại phân bón lá). Các địa phương cần tổ chức điều tra khoanh vùng những ruộng có tỷ lệ bệnh cao và huy động lực lượng phun trừ theo hướng dẫn trên vỏ bao bì. Dùng các thuốc đặc hiệu để phun trừ bệnh. Với bệnh đạo ôn trên cổ bông, cần theo dõi chặt chẽ thời gian lúa trổ. Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi cho đạo ôn gây hại cổ bông phát triển gây hại cần phun phòng cho các ruộng gieo sạ giống nhiễm trước khi lúa trổ 5 - 7 ngày. Sau 7 - 10 ngày có thể phun lại lần thứ 2 đối với những ruộng đã bị bệnh đạo ôn hại lá nặng.
Ông Lê Ngọc Hà – Trưởng phòng NNPTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Giống lúa Thiên Ưu được huyện Cẩm Xuyên triển khai trồng trên diện rộng. Vụ Đông Xuân năm nay, Cẩm Xuyên là một trong những địa phương được hỗ trợ 50 tấn lúa giống Thiên Ưu 8 từ nguồn dự trữ quốc gia và đã tiến hành đưa về từng địa phương để sử dụng vào vụ mùa Đông Xuân. Ở các vụ trước Thiên Ưu thường mang lại năng suất cao. Vụ mùa năm nay loại giống này đột ngột bị khô từ phần bông trở lên, hạt bị lép. Ngay sau khi nhận được phản ánh của bà con, phía chính quyền huyện cũng đã mời cơ quan chức năng về để thẩm định, tìm ra nguyên nhân”.
Ông Hà còn cho biết thêm, lâu nay địa phương vẫn sử dụng giống Thiên Ưu là loại giống chủ lực của địa phương. Nguyên nhân lúa chết thì cơ bản đã xác định được, tuy nhiên ở các loại giống khác như X, Khang Dân; TH 3 – 3... bà con vẫn sử dụng nhưng lại không bị nặng như giống lúa Thiên Ưu, chúng tôi hi vọng cơ quan chức năng sớm xác định nguyên nhân nếu là do giống hay chỉ là do phần giống được hỗ trợ từ chương trình dự trữ quốc gia về phòng chống thiên tai thì cũng có câu trả lời xác đáng cho người dân. Nếu không xác định nguyên nhân xảy ra hiện tượng này thì rất khó để bà con sử dựng giống lúa này ở các vụ mùa sau, vô tình chúng ta đã mất đi một loại giống lúa tốt, hạt gạo dẻo và năng suất cao” – ông Hà lo lắng.
Related news
Từ đầu tháng 4/2017 đến nay, nền nhiệt cao, xen kẽ mưa rào, mưa giông, nên châu chấu lưng vàng đã xuất hiện, gây hại trên 48ha cây trồng tại huyện Con Cuông.
Tốt nghiệp đại học, cao đẳng, ba chàng trai làng bún Linh Chiểu, xã Triệu Sơn (Triệu Phong, Quảng Trị) khởi nghiệp làm bún trên chính quê hương mình.
Thay vì phải canh tác trên những thửa ruộng nhỏ lẻ như trước đây, bây giờ người nông dân nơi đây chỉ làm trên ruộng... một thửa!