Prices / Tin nông nghiệp

Cử nhân, giảng viên rẽ nghề trồng... rau xanh, nấm sạch

Cử nhân, giảng viên rẽ nghề trồng... rau xanh, nấm sạch
Author: Khải Huyền
Publish date: Thursday. March 30th, 2017

Là những kỹ sư công nghệ thông tin, cử nhân khoa học hoặc giảng viên đại học, nhiều thanh niên đã bất ngờ chuyển nghề sang công việc trồng rau, bón phân, làm cỏ hay chăm sóc nấm...

Trong ảnh: Bạn Nguyễn Thị Đào háo hức kể về sản phẩm rau sạch “5 không” cho khách hàng. Ảnh: K.H

Ban đầu tôi trồng và bán linh chi đỏ nguyên miếng ở Củ Chi, nhưng thị trường không đón nhận. Tôi liền nghĩ cách làm ra sản phẩm khác cùng loại. Sản phẩm nếu ngay từ đầu không định hình được khách hàng, cũng như đối tượng là ai thì rất khó để tiêu thụ”.

Bạn Nguyễn Thị Hiếu nói về quan điểm khởi nghiệp với nông nghiệp ở TP.HCM.

Vừa tốt nghiệp khoa Nhân học Trường ĐH KHXH NV TP.HCM, Nguyễn Thị Đào (quê An Giang, sinh năm 1992) cùng chồng là Phạm Thế Tư (cử nhân IT Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, sinh năm 1991) lại rủ nhau… về Hóc Môn, TP.HCM thuê đất trồng rau.

Không sẵn đất, ít vốn, kinh nghiệm chưa nhiều, Đào và Tư nhiều lần thất bại, đơn giản chỉ vì rau bị sâu, bọ phá hại, không đẹp mã hoặc sản lượng chỉ… loe ngoe vài cọng. Nhưng với quyết tâm theo đuổi giấc mơ nông nghiệp sạch, hai bạn trẻ đã xây dựng nhãn hiệu “Ước mơ rau xanh”.

Đào kể, vừa tốt nghiệp, hai người về thuê mảnh đất rộng gần 3.000ha ở ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn,  trong 5 năm, mức phí 15 triệu đồng/năm cùng hơn 100 triệu đồng vốn đầu tư ban đầu để trồng rau. Hai bạn trẻ giăng lưới để canh tác các loại rau thông dụng như rau muống, dền, đay, mồng tơi, rau cải các loại...

Nguyễn Thị Hiếu là sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, nhưng bất ngờ bị thoát vị đĩa đệm cột sống, gần như liệt nửa người, phải bỏ dở công việc đang làm. Một lần tình cờ, Hiếu biết đến nấm linh chi. Qua tìm hiểu, Hiếu thấy  loài nấm này có nhiều công dụng nên cô bắt đầu học trồng nấm.

Đến 2013, trang trại Linh chi Đất Thép tại huyện Củ Chi được hình thành, với giấc mơ khởi nghiệp của Nguyễn Thị Hiếu. Sau 5 năm, cô đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng từ nguồn vốn vay bạn bè, ngân hàng… vào dự án và bắt đầu kinh doanh có lãi.

Giới trẻ mê nông nghiệp

Nhiều ý kiến cho rằng, đang có một làn sóng khởi nghiệp từ nông nghiệp, xuất phát từ các bạn trẻ. Nếu như trước đây, các sự kiện hội thảo, diễn đàn về nông nghiệp chỉ lác đác ít người tham dự thì nay, đã có nhiều bạn trẻ quan tâm tới lĩnh vực nông nghiệp hơn. Tại chương trình “Khởi nghiệp nông nghiệp – Góc nhìn trong thời đại mới” do Sở NNPTNT TP.HCM tổ chức cuối tuần qua, hội trường gần 500 chỗ ngồi chật kín, phần lớn là các bạn trẻ.

Ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng Giám đốc Vinamit, nhà đầu tư các dự án khởi nghiệp nông nghiệp chia sẻ, gần đây, ông cảm nhận rất rõ sự quan tâm của các bạn trẻ với lĩnh vực nông nghiệp. Cũng theo ông Viên, thế giới đang rất quan tâm đến nông nghiệp sạch, nông nghiệp xuất phát từ ước mơ tuổi trẻ.

Còn ông Nguyễn Hải An – Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (thuộc Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM) cho rằng, phong trào khởi nghiệp với nông nghiệp của các bạn trẻ hiện nay là rất đáng quý. Tuy nhiên, cũng theo ông An, cần phải xác định được xu hướng thị trường. “Nhiều bạn làm tốt khâu sản xuất nhưng thất bại vì không tìm hiểu thị trường, không xác định được “khách hàng tiềm năng” của sản phẩm. Điều này rất đáng tiếc!” - ông An chia sẻ. 

Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit: 

Hãy kiên trì và tìm sự khác biệt 

Việc cần làm trước tiên là tìm nhà đầu tư đỡ đầu, tìm cách đưa sản phẩm ra nước ngoài trước. Nếu sản phẩm chứng minh được sự hữu ích cho sức khỏe sẽ dễ dàng phát triển thị trường. Đó là cách mà Vinamit đã làm thành công với mít sấy trước khi trở về chinh phục thị trường nội địa. Còn về các vấn đề kỹ thuật khác như cách viết dự án kêu gọi đầu tư… các bạn hãy đến Sở NNPTNT, thậm chí, đến cơ quan chức năng địa phương để được tư vấn, hướng dẫn. Ban đầu có thể chỉ được hỗ trợ vay lãi suất thấp. Đến khi dự án “chạy” tốt sẽ tìm được nhiều nguồn hỗ trợ hơn. Cái khó là sản phẩm làm ra phải bán được. Vì nông sản rau, củ, quả các loại… sau khi thu hoạch buổi sáng mà đến buổi chiều không bán được thì có thể đã thành… rác. Muốn sản phẩm đứng được trên thị trường, muốn có người chịu bán giúp mình… phải có sự khác biệt so với sản phẩm khác.

Bà Vũ Kim Anh - Chủ nhiệm chương trình khởi nghiệp, Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp TP.HCM (BSA):

Phải học hỏi, ứng dụng công nghệ cao

Hiện nay có nhiều dự án khởi nghiệp nông nghiệp khả thi nhưng lại rất thuần nông, chưa biết ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào trong canh tác. Khi họ giới thiệu sản phẩm của mình tại các phiên chợ thì mang sản phẩm có cả rễ và đất với mục đích để mọi người kiểm định là đất trồng an toàn. Rồi khi khách hàng hỏi sản phẩm có chất lượng không thì đưa đôi bàn tay chai sần và đen sì ra để chứng minh là trồng không dùng đến hóa chất, toàn đi bắt sâu, nhổ cỏ mỗi ngày… Để thành công và có được năng suất cao phải học hỏi các phương pháp canh tác từ các chuyên gia chứ không thể sản xuất đơn thuần. 

Nguyễn Vỹ ghi


Related news

Nông dân Việt xuất ngoại thuê đất trồng xoài Nông dân Việt xuất ngoại thuê đất trồng xoài

Thời gian gần đây, từ miền Nam tới miền Bắc, trái xoài keo Campuchia đang tràn ngập thị trường, phần nào “đánh bật” trái xoài nội địa từ mẫu mã cho tới giá cả

Thursday. March 30th, 2017
Tín hiệu lạc quan cho nông sản an toàn Tín hiệu lạc quan cho nông sản an toàn

Tín hiệu lạc quan cho đầu ra nông sản an toàn của Vĩnh Long- khi thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp đã có những động thái tích cực trong xúc tiến hỗ trợ

Thursday. March 30th, 2017
Có liên kết, người trồng cà rốt vẫn lo bị Có liên kết, người trồng cà rốt vẫn lo bị "xù"

Đã có quá nhiều bài học về trồng trọt, chăn nuôi theo phong trào, cung vượt cầu nên người dân trồng cà rốt đã chủ động hợp tác, liên kết với doanh nghiệp

Thursday. March 30th, 2017