Cú Hích Cho Ngành Ca Cao Việt Nam
Chính phủ Hà Lan và các nhà tài trợ nước này vừa ký kết với Bộ NN-PTNT “Dự án hợp tác công tư tăng cường phát triển ca cao bền vững tại VN” trị giá gần 1,4 triệu EURO. Đây là dự án tài trợ lớn, tạo cú hích cho ngành cao cao VN phát triển.
HÌNH THỨC HỢP TÁC MỚI
Cây ca cao xuất hiện ở VN từ những năm 1950, khi người Pháp đưa vào trồng tại một số vùng miền Nam. Tuy nhiên, vì nhiều lí do, cây ca cao không được phát triển thành hàng hoá. Trong những năm 1980, trong khuôn khổ một chương trình của Chính phủ, cây ca cao được tái trồng hàng ngàn ha ở các tỉnh miền Trung và miền Nam. Nhưng đáng tiếc, các DN nhà nước hỗ trợ chương trình này không thiết lập được hệ thống thị trường nên dự án một lần nữa sụp đổ.
Năm 2004, chương trình mục tiêu mới của Chính phủ về cây ca cao được xây dựng, tổng diện tích SX ca cao tại VN cũng từ đó tăng lên nhanh chóng. Cũng trong năm 2004, chương trình Giải pháp kinh doanh ca cao bền vững cho các nông hộ nhỏ được Chính phủ phê duyệt thực hiện tại 5 tỉnh: Bình Phước, Bến Tre, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đăk Lăk, Tiền Giang với sự hợp tác của Tổ chức ca cao thế giới (WCF), Cty Mars… nhằm giới thiệu hệ thống nông lâm bền vững, đa dạng dựa trên cây ca cao.
Đến năm 2009, Dự án phát triển ca cao có chứng nhận do tổ chức HELVETAS hỗ trợ tại hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang phát huy hiệu quả khi cải thiện chất lượng ca cao, đồng thời giúp tăng thu nhập. Trên cơ sở những thành công đó, Phó Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hà Lan tại VN cho biết, Chính phủ Hà Lan cùng các DN nước này gồm Rabobank, Mars, Cargill, IDH cam kết hỗ trợ Chính phủ VN thúc đẩy chương trình hợp tác công tư trong lĩnh vực cây ca cao. Trước mắt, sẽ triển khai ở tỉnh Đăk Lăk rồi nhân rộng ra các tỉnh khác với thời hạn 3 năm (2012- 2014), ngân sách xấp xỉ 1,4 triệu EURO, trong đó vốn ODA là trên 1,3 triệu EURO, vốn đối ứng của VN là hơn 24.000 EURO.
Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc nhấn mạnh, dự án hợp tác công tư nhằm tăng cường phát triển ca cao bền vững tại VN lần này hoàn toàn mới. Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan còn có các DN tư nhân khác của nước ngoài tham gia. Mục đích chính là nâng cao chất lượng và giá trị cây ca cao trên một diện tích. Với dự án này, cây ca cao của nước ta sẽ được phát triển toàn diện, từ khâu nghiên cứu lai chọn tạo giống đến kỹ thuật quy trình trồng trọt, chăm sóc và đặc biệt quy trình chế biến lên men sẽ được chuẩn hoá. Bởi muốn xuất khẩu được ca cao, khâu chế biến lên men quyết định chủ yếu đến chất lượng của hạt ca cao thành phẩm.
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Mục tiêu chính của dự án này nhằm tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống, xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường cho người dân VN một cách bền vững. Tăng cường năng lực cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và nông dân thông qua chất lượng ca cao, cách tiếp cận thị trường quốc tế cũng như tiến hành thể chế hoá các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân tham gia dự án quản lý trang trại một cách hiệu quả. Từ đó, gia tăng sản lượng ca cao, cải thiện khả năng tiếp thị, tiếp cận thị trường cho người trồng ca cao thông qua hỗ trợ chứng nhận.
Ông Flavio Corsin- Giám đốc Chương trình Nuôi trồng thuỷ sản Châu Á- Thái Bình Dương, Cty IDH cho biết, cây ca cao rất phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai tại khu vực Tây Nguyên và miền Nam nước ta. Ưu điểm của cây ca cao không tranh chấp đất đai với các loại cây trồng khác. Có thể được trồng xen, trồng dưới tán các loại cây trồng như: hồ tiêu, cà phê, điều, dừa… mà không tốn thêm diện tích đất. Theo ông Flavio Corsin, cơ hội cho cây ca cao của VN là rất lớn vì nguồn cung ca cao trên thế giới hiện nay còn cách rất xa nhu cầu và trong tương lai lượng chắc chắn vẫn sẽ thiếu hụt lớn. Trong khi đó, diện tích ca cao của VN chỉ khoảng 50.000 ha, tiềm năng còn bỏ trống lên đến hàng trăm nghìn ha.
Đại điện Ngân hàng Rabobank Hà Lan chia sẻ, dự án hợp tác công tư tăng cường phát triển ca cao bền vững tại VN lần này cũng sẽ hỗ trợ tài chính cho việc chuyển đổi ít nhất 1.000 ha cà phê kém hiệu quả tại khu vực miền Trung- Tây Nguyên sang trồng cây ca cao.
Đại diện Tổ chức ca cao thế giới tại VN cho biết thêm, dự án hợp tác lần này sẽ tiến hành điều tra, đánh giá các giống ca cao hiện đang trồng tại vùng Tây Nguyên giúp xây dựng, chọn lọc 2- 3 mô hình SX ca cao phù hợp, hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, nghiên cứu và đưa ra các biện pháp canh tác tối ưu, phù hợp nhằm tăng năng suất và chất lượng hạt ca cao. Để hiện thực hóa dự án, 4 Trung tâm Phát triển ca cao sẽ được thành lập tại Đăk Lăk và khoảng 380 giảng viên sẽ được đào tạo để phục vụ cho chương trình.
Trong 3 năm, mô hình SX ca cao được chứng nhận (tiêu chuẩn UTZ Certified) được xây dựng với quy mô 200 ha và 2.000 nông dân được đào tạo kỹ thuật SX ca cao có chứng nhận. Đặc biệt, dự án sẽ thành lập 3- 4 điểm trình diễn quy trình, kỹ thuật sấy, lên men ca cao được thiết lập cho mục đích tập huấn cho khoảng 360 nông dân vùng dự án với hy vọng tạo ra hạt ca cao thành phẩm chất lượng cao đủ điều kiện tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường EU và Mỹ.
Có thể bạn quan tâm
Hơn 20 năm trước, khi nghề nuôi con đặc sản còn chưa phổ biến, ông Vũ Cao Thăng ở xóm 2, xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn, Ninh Bình đã mạnh dạn nuôi ếch da xanh, cá sấu, tắc kè… Và ông đã trở thành tỷ phú được nhiều người biết đến.
Anh Trương Văn Vòm - cán bộ xã là một trong những người có đàn dê khá lớn tại địa phương, khẳng định sau con bò thì con dê đã tham gia xóa nghèo hữu hiệu nhất. Đầu năm 2013, Dự án IFAD cũng quyết định chọn con dê để hỗ trợ cho hộ nghèo của xã làm kinh tế.
Một năm trôi qua ở Đồng Tháp, nghề chăn nuôi heo phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bài toán về giá cả hiện nay đang khiến họ thêm nặng gánh, giá bán thấp hơn giá thành. Trong khi đó, việc vay vốn ngân hàng cũng không phải dễ dàng...