Công An Hải Dương Bồi Thường Cho Ngư Dân Cần Giờ
Sau 2 ngày có chỉ đạo của Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, về việc làm rõ đúng, sai trong vụ tạm giữ 1,8 tấn bạch tuộc tại Hải Dương, Công an tỉnh này đã nhận sai và bồi thường số tiền 650 triệu đồng cho các ngư dân ở huyện Cần Giờ (TPHCM) vì số hàng đã bị hỏng.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, Đại tá Cao Ngọc Lan, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, cho biết ngày 11/6, đoàn công tác của Công an tỉnh đã vào TP. Hồ Chí Minh để trực tiếp gặp ngư dân huyện Cần Giờ, là chủ số hàng để giải quyết vụ việc và bồi thường số hàng hóa bị hỏng.
“Số tiền trên đã được chúng tôi trao trực tiếp cho các ngư dân vào tối ngày 11/6. Cán bộ của chúng tôi đã có thiếu sót trong xử lý lô hàng trên của bà con ngư dân và đây sẽ là bài học nghiêm túc cho chúng tôi”, Đại tá Lan nói.
Phó Giám đốc Công an Hải Dương cũng cho biết sẽ làm báo cáo cụ thể gửi Bộ trưởng Trần Đại Quang về vụ việc này.
Trước đó, ngày 9/6, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương báo cáo đầy đủ, khách quan toàn bộ diễn biến quá trình giải quyết vụ việc xe tải biển số 14C-065.38 chở bạch tuộc bị tạm giữ hôm 27/5/2013 tại Thị xã Chí Linh.
Bộ trưởng Trần Đại Quang giao Chánh Thanh tra Bộ Công an kiểm tra lại toàn bộ vụ việc, làm rõ đúng, sai, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Nếu có sai phạm thì phải xử lý nghiêm và nếu sai phạm đó dẫn đến hậu quả thiệt hại thì phải bồi thường.
Sự việc xảy ra lúc 23h ngày 27/5, tài xế xe tải Nguyễn Quang Hưng chở hơn 2 tấn bạch tuộc tươi sống của 40 hộ dân ở huyện Cần Giờ (TPHCM) từ sân bay Nội Bài đi Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, tiêu thụ.
Đến thị xã Chí Linh (Hải Dương), chiếc xe bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe, giao xe hàng cho Phòng Cảnh sát Môi trường với lý do hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có giấy kiểm dịch.
Tuy nhiên, các hộ dân ở Cần Giờ cho rằng Công an Hải Dương giữ lô hàng là không đúng các quy định của pháp luật (sản phẩm thủy sản thương phẩm lưu thông trong nước và không ở vùng có dịch bệnh thì cơ quan chức năng không thể bắt giữ lô hàng này được) và đề nghị Công an tỉnh Hải Dương đền bù lô hàng nói trên.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, nhu cầu thị trường thế giới sụt giảm do biến động kinh tế đã làm ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có con cá tra. Thêm vào đó, đợt xét thuế chống bán phá giá lần thứ 8 của Bộ Công Thương Mỹ làm cho "đầu ra" của con cá tra đã khó lại càng thêm khó.
Với đặc điểm thổ nhưỡng đất cát bạc màu, thiếu nước tưới, ngoài một số ít diện tích chủ động nước sản xuất lúa, đất nông nghiệp ở xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn) chỉ phù hợp với cây mì; song trồng mì thời gian dài làm cho đất nghèo dinh dưỡng, hiệu quả không cao. Trong điều kiện như vậy, những năm gần đây người dân chuyển sang trồng cây đậu phụng và điều đó đã giúp họ tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Tuy đã vào mùa vụ thả nuôi tôm mới, nhưng cho đến nay tình hình dịch bệnh, nắng nóng vẫn chưa được cải thiện đã tạo nên tâm lý lo ngại của các hộ nuôi.