Prices / Tin thủy sản

Cơ hội cho cá tra tại thị trường trong nước

Cơ hội cho cá tra tại thị trường trong nước
Author: Hải Lý
Publish date: Tuesday. June 30th, 2020

Bấy lâu nay, xuất khẩu ra thế giới luôn là định hướng doanh nghiệp cá tra Việt Nam hướng đến. Tuy nhiên, sau thời gian dài chịu tác động bởi đại dịch COVID-19, thị trường nội địa với gần 100 triệu dân đang trở thành “miền đất hứa”. Tuy nhiên, liệu “mối lương duyên” này có thực sự bền vững?

Ảnh minh họa

Giải tỏa các vướng mắc

Cá tra Việt Nam hiện đã xuất khẩu đi 119 nước trên thế giới. Mặc dù gặp nhiều bất lợi, thế nhưng, đây vẫn là chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam. Cơ hội để ngành hàng này tăng sức bật đang nhiều hơn, nhất là tại thị trường Mỹ. Ngày 1/11/2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ công nhận chính thức hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cá và cá da trơn của Việt Nam tương đương với Mỹ. Điều này càng khẳng định uy tín, chất lượng cá tra Việt Nam trước các thị trường khó tính, giúp việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu dễ dàng hơn, không chỉ với Mỹ mà còn các quốc gia khác.

Tuy nhiên, ngành hàng này lại liên tục gặp “hạn”, khi thị trường xuất khẩu có thêm nhiều rào cản, sản xuất trong nước gặp bất lợi với giá sụt giảm liên tục, dưới cả giá thành, cả người nuôi và doanh nghiệp đều gặp khó.

Theo Bộ NN&PTNT, 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng cá tra ước 462.000 tấn, giảm 6,3% so cùng kỳ 2019; xuất khẩu chỉ đạt 456 triệu USD, giảm 39,1%; trong đó, thị trường Trung Quốc giảm 48%, sang EU giảm 47,3%, sang Mỹ giảm 19,8%... Sự sụt giảm quá nhanh về thị trường xuất khẩu khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, một lượng lớn mặt hàng cá tra bị tồn kho, chưa thể xuất khẩu được; nhiều doanh nghiệp mất đơn hàng, đứt đoạn sản xuất, nguy cơ nợ quá hạn và thiệt hại lớn về kinh tế; đặc biệt là việc ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành hàng cá tra Việt Nam với tên tuổi, thương hiệu đã dày công xây dựng.

Chính vì vậy, để có thể khắc phục những khó khăn trước mắt hiện nay, giải pháp cần tập trung là vừa phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và vừa đẩy mạnh xuất khẩu; trong đó, chú trọng việc củng cố hình ảnh và phát triển kênh bán hàng mới; nhất là việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra chất lượng cao...

Chiến lược bán hàng gần

Từ năm 2017, hoạt động giới thiệu cá tra đã được tổ chức thành hội chợ, phiên chợ và được xem là thường niên; tuy nhiên, người tiêu dùng miền Bắc vẫn chưa tiêu thụ nhiều. Vì lẽ đó, các chuyên gia cho rằng, cùng với hoạt động xúc tiến, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra cũng cần nghiên cứu thị hiếu, ẩm thực người dân miền Bắc. Bên cạnh việc tuân thủ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn thì cần nghiên cứu để có thể nuôi được con cá tra có độ dai, độ săn chắc phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng. Không chỉ là sự kết hợp giữa doanh nghiệp sản xuất và kênh phân phối mà còn phải thuyết phục được người tiêu dùng với sản phẩm chất lượng, sạch, giá cả phải chăng và trở thành “gu” tiêu dùng của họ.

Để đạt kết quả cao nhất trong bối cảnh dịch COVID-19, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và người nuôi cá tra đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết, sản xuất theo tín hiệu thị trường, tránh tình trạng dư nguồn cung cá nguyên liệu hoặc thiếu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Ngành tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng con giống; trong đó chú trọng đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu, chọn tạo giống cá tra có khả năng sinh trưởng, phát triển trong điều kiện nước mặn; tiếp tục cung cấp đàn cá tra bố mẹ được nâng cao chất lượng di truyền cho các trại giống. Ngành cũng theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó nhanh; đáp ứng yêu cầu xuất khẩu của các quốc gia để sẵn sàng nguồn hàng ngay khi có thời cơ; đa dạng hóa sản phẩm theo từng phân khúc thị trường. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu - nhà máy chế biến - cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin, có kết nối với hệ thống quản lý ao nuôi của cơ quan quản lý thủy sản.

Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, theo nghiên cứu trước đây, thị phần trong nước của con cá tra là 10% và gần đây chỉ còn 5%. Việc mở rộng được thị trường nội địa sẽ giúp nông dân có nhiều sự lựa chọn hơn; nếu thị trường nước ngoài ép giá hay có vấn đề gì thì có thể tạm hoãn để bán trong nước.

Thị trường nội địa là một phân khúc tiêu thụ lý tưởng cho ngành hàng cá tra. Điều này hướng đến 2 mục tiêu đó là giảm áp lực xuất khẩu, từ đó mở rộng sản xuất; đồng thời, người tiêu dùng có thêm một lựa chọn về sản phẩm giàu dinh dưỡng trong thực phẩm hàng ngày.


Related news

Nuôi ghép tôm sú với cá đối mục: Năng suất cao, sạch môi trường Nuôi ghép tôm sú với cá đối mục: Năng suất cao, sạch môi trường

Nuôi tôm sú kết hợp cá đối mục mang lại kết quả tích cực trong việc cải thiện môi trường nuôi tôm bền vững trong ao đìa.

Tuesday. June 30th, 2020
Ảnh hưởng của màu sắc bể ương đến ấu trùng cá nước ngọt Ảnh hưởng của màu sắc bể ương đến ấu trùng cá nước ngọt

Màu sắc bể ương là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng, tỉ lệ sống của ấu trùng cá nước ngọt.

Tuesday. June 30th, 2020
Nuôi tôm càng xanh, tôm sú ghép với lúa, nên áp dụng ở những vùng nào? Nuôi tôm càng xanh, tôm sú ghép với lúa, nên áp dụng ở những vùng nào?

Nhờ chuyển đổi từ đất chuyên lúa sang mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh hay tôm sú, nông dân ở nhiều địa phương của tỉnh Kiên Giang đã ăn nên làm ra

Tuesday. June 30th, 2020