Chuyển Đổi Cây Trồng Trên Vùng Đất Lúa Kém Hiệu Quả
Lượng lúa hàng hóa tăng trong khi nhu cầu thị trường giảm đã kéo theo giá lúa giảm, đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn. Ngành nông nghiệp các địa phương ĐBSCL đang triển khai chuyển đổi diện tích canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác hoặc trồng luân canh nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Hiệu quả bước đầu
TP Cần Thơ có trên 8.200/88.000ha đất trồng lúa có khả năng bị ảnh hưởng bởi hạn đầu vụ hè thu và lũ vào cuối vụ thu đông, năng suất lúa nhiều vụ trước đó không cao nên tại một số địa phương như: Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ…người dân đã dần chuyển sang các loại cây trồng khác. Đến hết tháng 6-2013, diện tích đất trồng cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày ở các địa phương trên là 4.995 ha, tăng 626 ha so với năm 2012, trong đó diện tích trồng mè là 4.843 ha, tăng 596 ha so năm 2012.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, sở dĩ diện tích trồng mè tăng cao là do cây mè có khả năng chịu hạn tốt, giá cả ít biến động, lợi nhuận bình quân từ 17 - 25 triệu đồng/ha/vụ. Ngoài ra, người dân còn trồng cây đậu nành, với lợi nhuận trên 17,6 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn lúa 5,7 triệu đồng hoặc trồng luân canh lúa với các loại cây hoa màu khác cho lợi nhuận tăng thêm từ 5 - 16 triệu đồng/ha so với canh tác 3 vụ lúa liên tục. Những mô hình trên giúp nông dân tăng thu nhập và giảm mức độ thâm canh cây lúa, cải thiện dinh dưỡng đất, giảm áp lực dịch hại….
Nhiều địa phương trong vùng cũng đã triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân. Một trong những địa phương đó là tỉnh Đồng Tháp. Hằng năm, tỉnh này sản xuất gần 30.000ha cây hoa màu trên vùng đất lúa kém hiệu quả, trong đó nhiều nhất là cây bắp, cây đậu nành, cây sen và cây mè. Theo kết quả điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, vụ hè thu năm 2013, người dân có lợi nhuận từ sản xuất cây sen trên 46 triệu đồng/ha, cây mè trên 25 triệu đồng/ha… trong khi cây lúa chỉ đạt 2,45 triệu đồng/ha.
Với hiệu quả kinh tế như trên, đa số nông dân cho rằng trồng hoa màu nói chung trong vụ hè thu sẽ có lợi nhuận cao hơn trồng lúa. Mặt khác trồng hoa màu sẽ cắt được nguồn sâu bệnh lây lan cho vụ sau, xác bã thực vật để lại giúp cải tạo đất, giảm một phần phân bón khi trồng lại lúa, góp phần tăng thu nhập trên diện tích đất trong một năm. Về lâu dài việc trồng hoa màu luân canh với lúa sẽ giúp hạn chế sự thoái hóa, bạc màu do đất sản xuất liên tục, sử dụng phân vô cơ nhiều, từ đó hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường.
Cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Tuy bước đầu có nhiều kết quả khả quan nhưng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất lúa kém hiệu quả vẫn còn chậm ở một số địa phương và chưa mang lại hiệu quả cao như mong muốn.
Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Lâu nay, nông dân thường trồng lúa nên chuyển sang trồng các loại cây khác, họ gặp hạn chế trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, thị trường cho cây trồng mới còn chưa được quan tâm, chủ yếu nông dân tự bán cho thương lái. Vốn đầu tư để quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đồng bộ tạo ra sản lượng đủ phục vụ yêu cầu thu mua của doanh nghiệp cũng còn khó khăn nhất định”.
Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục Trưởng Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT cho rằng: “Sắp xếp cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng chuyển đổi chưa phù hợp. Có nhiều chính sách mới khuyến khích người dân sản xuất nhưng chưa được triển khai đồng bộ. Vốn đầu tư cho nghiên cứu và phát triển hệ thống giống cây trồng, công nghệ chế biến nông sản còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi. Mối liên kết giữa tiêu thụ và sản xuất vẫn là bài toán khó…”.
Hiện nay, nông dân ở một số địa phương trong vùng ĐBSCL thường sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, tự phát nên chuyển đổi chưa đồng loạt và thiếu quy hoạch. Theo đó, mức độ cơ giới hóa trong canh tác và bảo quản sau thu hoạch chưa cao, chủ yếu chỉ sử dụng một vài dụng cụ thủ công, thiết bị sơ chế đơn giản nên chất lượng hàng hóa chưa cao.
Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, đề xuất: “Cần có biện pháp quy hoạch vùng sản xuất cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng hiệu quả kinh tế cho nông hộ cũng như có những chính sách hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật sản xuất trong giai đoạn đầu nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng mới. Đặc biệt là tăng cường mối liên kết giữa người dân và doanh nghiệp để hình thành các vùng nguyên liệu lớn, có sự chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa người sản xuất với doanh nghiệp”.
Mới đây, tại hội nghị “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả tại vùng Nam Bộ” được Bộ NN&PTNT tổ chức tại Đồng Tháp, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: “Chúng ta không giữ nguyên 3,8 triệu ha diện tích đất sản xuất lúa mà phải sử dụng linh hoạt, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả là cần thiết nhưng không dễ thực hiện, đòi hỏi các địa phương phải chủ động phối hợp và có kế hoạch hợp lý để thực hiện. Các địa phương cần xem vùng nào chuyển đổi hợp lý hơn trồng lúa thì quy hoạch và phải tính đến nhu cầu thị trường. Ngoài ra, phải đưa ra bộ giống thích hợp cho từng địa phương, từng vùng; có phối hợp với doanh nghiệp trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm...”.
Theo ngành nông nghiệp các địa phương, Nhà nước cần tập trung vào các lĩnh vực như: tập huấn sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc sản xuất các loại cây trồng mới. Kịp thời thông tin về thị trường, phát triển các hoạt động tín dụng ngắn cho mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tăng cường đầu tư chi phí cho các viện, trường nghiên cứu tuyển chọn và lai tạo giống rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày cho năng suất cao, có khả năng kháng sâu bệnh, chịu hạn,…
Theo dự báo của Cục Trồng trọt, thời gian tới xuất khẩu lúa gạo chưa có nhiều khả quan, thu nhập người trồng lúa sẽ không được như mong đợi. Mặt khác, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đang gặp khó khăn không kém, giá thức ăn liên tục tăng. Hằng năm, nước ta phải nhập khẩu khoảng 1,5-1,6 triệu tấn bắp hạt, 2,4 triệu tấn khô dầu đậu nành, 600 nghìn tấn hạt đậu nành và một số nguyên liệu khác.
Tổng ngoại tệ chi cho việc nhập khẩu ước đạt gần 3 tỉ USD, gần tương đương với tổng kim ngạch xuất khẩu lúa gạo. Vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả là cần thiết.
Related news
Năm 2012, xã Lương Sơn (Ninh Sơn) đã triển khai thí điểm 10 mô hình kinh tế về chăn nuôi, trồng trọt, với tổng kinh phí trên 450 triệu đồng; trong đó có 5 mô hình nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư cùng với nông dân.
Năm 2009, anh Tân đầu tư 300 ngàn đồng để trồng sen trên 2 sào ruộng. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm trồng đúng kỹ thuật, chăm sóc tốt, bón phân đúng quy trình nên ruộng sen của anh Tân phát triển nhanh và cho thu hoạch mỗi năm 3 vụ. Sản phẩm thu được từ cây sen như ngó sen, búp sen, hạt sen…
Cảnh báo của các nhà khoa học, doanh nghiệp về mối nguy hại của con tôm thẻ chân trắng (TTCT), cũng như lợi thế của con tôm sú, đã chứng minh vai trò, tầm quan trọng của con tôm sú đối với sự phát triển của nghề nuôi và xuất khẩu thủy sản. Do vậy, vấn đề đặt ra là Bạc Liêu làm gì để phát huy thế mạnh này và giúp con tôm sú không ngừng nâng cao giá trị.