Chuyển Đất Lúa Sang Trồng Bắp
Trong khi người trồng lúa đang như ngồi trên lửa vì giá lúa rớt thê thảm, thì người trồng bắp (ngô) ở ĐBSCL đang có lợi nhuận khá cao, ngay trên những mảnh đất trước đây từng là đất lúa.
“Chắc ăn như bắp”
Theo ông Nguyễn Ngọc Khải – Trưởng trạm Khuyến nông An Phú, tỉnh An Giang, thống kê kết quả thực tế thu được sau 2 năm thực hiện mô hình chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng ngô cho thấy, năng suất đạt trung bình từ 10,8 đến 12,3 tấn ngô hạt/ha, thu nhập bình quân đạt gần 50 triệu đồng/ha. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi ha ngô thu lãi gần 24 triệu đồng, lợi nhuận trung bình gần gấp 3 lần so với trồng lúa (trung bình 8 triệu đồng/ha). “Tính cả 3 vụ trong năm, thì An Phú có đến 5.000ha trồng bắp, trong đó có 4.500ha là bắp lai, bán cho các công ty chế biến thức ăn gia súc” – ông Khải nói.
Ông Đỗ Văn Cảnh – thương lái thu mua bắp ở xã Quốc Thái, huyện An Phú cho biết, hiện bắp được ông thu mua với giá 4.600 đồng/kg. “Các công ty thức ăn gia súc đặt hàng, nên tôi thu mua với số lượng không hạn chế. Trong 2 năm qua, giá bắp hạt tương đối ổn định, hiếm khi nào bị rớt giá” – ông Cảnh nói. Ông Nguyễn Hữu Trường, ngụ ấp 2, xã Nhơn Hội, huyện An Phú cho biết, thấy bạn bè trong xóm trồng bắp lãi cao, ông mạnh dạn trồng thử trên diện tích 1,3ha. Theo tính toán của ông Trường, chi phí đầu tư cho mỗi ha bắp là 24 triệu đồng, năng suất ước đạt 12 tấn/ha, trừ chi phí ông lãi hơn 30 triệu đồng/ha. Hiện thương lái đã đặt cọc thu mua nên ông không lo bắp ế.
Tại xã Tân An, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang, nông dân đã chuyển từ trồng lúa sang trồng bắp trên diện tích khoảng 200ha với lợi nhuận khá cao. Ông Thiều Văn Cách – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân An cho biết, nông dân xã này chủ yếu sử dụng bộ giống bắp lai Dekalb (Tập đoàn Monsanto của Mỹ) vì có thể trồng với mật độ dày, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu tốt, cho năng suất cao. “Chi phí đầu tư cho mỗi ha bắp chỉ cao hơn cây lúa một chút, nhưng hiệu quả kinh tế hiện đang cao gấp 3 lần. Chỉ cần đầu ra ổn định thì nông dân sống khỏe” – ông Cách nói.
Có thể trồng luân canh lúa- bắp
Ở khu vực ĐBSCL, An Giang là tỉnh đi đầu trong việc chuyển đổi từ trồng lúa năng suất thấp sang trồng bắp lai. Hàng trăm hộ nông dân khác cũng thu lợi nhuận khá cao khi trồng ở chân đất lúa. Các mô hình này đang được Công ty TNHH Dekalb Việt Nam phối hợp cùng ngành nông nghiệp địa phương hỗ trợ nông dân thực hiện. “Chúng tôi đang nghiên cứu phát triển thêm diện tích cây bắp trên đất lúa cho vụ hè thu và xuân hè, vì những vụ này trồng lúa hiệu quả không cao” – ông Đoàn Ngọc Phả - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang nói.
TS Mai Thành Phụng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, mỗi năm Việt Nam đang phải nhập hơn 1,5 triệu tấn bắp hạt để chế biến thức ăn gia súc do sản lượng trong nước đáp ứng chưa tới 10%. Trong khi đó, cây bắp lai có khả năng trồng cạn, chu kỳ sinh trưởng, chỉ cần vài cữ nước nên rất thích hợp với những vùng đất thiếu nước, kém màu mỡ. “Nếu tăng thêm diện tích từ 100.000 – 150.000ha, ngành thức ăn gia súc không phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài. Với điều kiện canh tác ở ĐBSCL, diện tích chuyển đổi từ lúa sang bắp khoảng 70.000ha là vừa. Đối với những vùng bị ảnh hưởng của lũ, có thể canh tác 2 vụ lúa 1 vụ bắp hoặc 2 bắp 1 lúa” – TS Phụng nói.
Còn theo TS Phạm Đồng Quảng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), Việt Nam đang phải nhập ngô nguyên liệu chủ yếu từ Mỹ với số lượng khá lớn. Chúng ta có thể sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước nhưng cần phải tăng cường kỹ thuật, giảm giá thành mới có thể cạnh tranh với ngô nhập.
Related news
Trước đây, nông dân ở U Minh Hạ (Cà Mau) canh tác nông nghiệp theo lối truyền thống cho năng suất lúa bấp bênh, chất lượng gạo kém. Kể từ năm 2008 đến nay, tỉnh Cà Mau thực hiện bố trí các giống lúa chủ lực kết hợp việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã giúp nông dân cải thiện đáng kể năng suất cây trồng, chất lượng lúa gạo đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nội địa và phục vụ xuất khẩu.
Đây là cây cứu cánh của người dân nơi đây. Người tiên phong trồng khoai sáp là ông Nguyễn Văn Thơm. Từ năm 2004 ông chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng khoai, năm nào cũng cho năng suất ổn định từ 1,5 - 1,7 tấn/sào, sau khi trừ chi phí lãi từ 7 - 10 triệu đ/sào. Vào dịp Tết khoai sáp tiêu thụ mạnh từ 13.000 - 15.000 đ/kg, lãi gần gấp đôi ngày thường. Vụ Tết vừa qua, với 3 sào khoai sáp, năng suất đạt 1,5 tấn/sào, bán 14.000 đ/kg, trừ chi phí ông Thơm lãi hơn 30 triệu.
Trồng dâu, nuôi tằm lâu nay vốn là nghề quen tay đối với nhiều nông dân ở Nghĩa Hành. Thế nhưng những năm gần đây, thay vì nuôi tằm kén như truyền thống, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi tằm vôi – một hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.