Chuồng Nuôi Heo Sinh Thái

Từ tháng 6.2013, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Điện Bàn thí điểm mô hình nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh thái. Ông Lê Thương, Trưởng phòng Thông tin - huấn luyện (Trung tâm KN-KN tỉnh) cho biết, đệm lót sinh thái trên nền chuồng chăn nuôi chủ yếu sử dụng mùn cưa hoặc trấu.
Mùn này đựơc rải lên nền chuồng, sau đó kết hợp với một lớp men vi sinh vật có ích. Hệ men này nhằm phân giải chất thải do vật nuôi thải ra, hạn chế sinh khí hôi, thối; ức chế và tiêu diệt sự phát triển của hệ vi sinh vật có hại, khống chế sự lên men sinh khí hôi thối; phân giải một phần mùn cưa; giữ ấm cho vật nuôi. “Thông thường, các đệm lót lúc mới có sẽ là màu vàng, khi đã được vài năm sẽ chuyển sang màu đen và lúc nào cũng có hiện tượng lên men vi sinh vật. Nhờ thế mà tuổi thọ của nền chuồng đạt tới 4 năm, không phải thay thế” – ông Thương nói.
Gia đình ông Hồ Văn Chương (thôn 3, thôn Châu Bí, xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn) là hộ được chọn thí điểm mô hình này với các tiêu chuẩn như không nằm ở vùng thấp lụt, chuồng trại gắn liền với nhà, có hệ thống hầm biogas, không gian khép kín, vệ sinh sạch và đảm bảo môi trường.
Đợt này ông đưa vào nuôi trên nền chuồng đệm lót sinh thái với diện tích 60m2, thả nuôi 45 con heo thịt. Chuồng được xây gạch kiên cố trên nền đất, được bố trí máng ăn và hệ thống nước uống tự động được lắp đặt khoa học.
Tổng kinh phí đầu tư 60 triệu đồng. “Loại chuồng được làm theo quy trình đệm lót sinh thái là loại chuồng khá lý tưởng cho việc nuôi heo, vì công nghệ này xử lý chất thải mà heo thải ra nhưng không đưa ra môi trường bên ngoài. Nuôi theo kiểu này rất sạch sẽ, chất thải không gây mùi hôi, không phải dội nước, đỡ hao tốn điện năng” - ông Chương thông tin.
Theo các cán bộ kỹ thuật Trung tâm KN-KN tỉnh, thời gian qua trung tâm đã đầu tư mô hình này ở 4 huyện trên địa bàn tỉnh gồm Đại Lộc, Điện Bàn, Phú Ninh và Duy Xuyên với tổng diện tích 1.600m2 cho 1.200 heo thịt, trung tâm hỗ trợ tối đa 40% quy trình gồm: cung cấp chế phẩm sinh học, bột bắp, trấu, mùn cưa, lập kế hoạch khảo sát chọn hộ, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật làm đệm lót trực tiếp tại mô hình cho các hộ tham gia.
“Mô hình này đã được ứng dụng rộng rãi ở các tỉnh miền Tây từ năm 2010 như tỉnh Đồng Tháp đã đem lại hiệu quả cao. Tại Quảng Nam đây là lần đầu tiên thí điểm triển khai và nhân rộng, hy vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nông dân” - kỹ sư Phạm Thị Thu Thủy, Phòng Kỹ thuật - thông tin (Trung tâm KN-KN tỉnh) nói.
Có thể bạn quan tâm

Theo UBND huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, từ tháng 2-2013 đến nay, nghêu nuôi ở khu vực biển Tân Thành có hiện tượng chết bất thường trên diện rộng, gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho người dân nuôi nghêu. Theo nhiều người dân nuôi nghêu ở huyện Gò Công Đông, năm 2013, hoạt động nuôi nghêu của bà con ven biển Tân Thành gặp nhiều khó khăn do nghêu ốm, nhiều cát, giá nghêu sụt giảm mạnh trong khi nghêu nuôi các tỉnh phía Bắc liên tục đổ vào Nam với giá cả rẻ hơn cả nghêu nuôi tại địa phương. Trong vài tháng nay, giá nghêu thương phẩm chỉ ở mức 19.000-21.000 đồng/kg, giảm 10.000-12.000 đồng/kg so với thời điểm này năm ngoái. Đến khi nghêu chết, thương lái không mua hoặc mua với số lượng ít, nên người nuôi nghêu khó có thể thu hoạch để chạy bệnh.

Năm ngoái, nghêu nuôi khu vực ven biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) không có tình trạng chết hàng loạt như năm 2010 và 2011 nhưng niềm vui đó chưa trọn vẹn do nghêu giá thấp, khó tiêu thụ. Giờ đây, nghêu nuôi lại chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân khiến hàng trăm tỷ đồng của nông dân trôi theo bọt nước.

Huyện Bá Thước (Thanh Hóa) có diện tích đất tự nhiên 77.500 ha, chủ yếu là rừng và đất rừng, chỉ có hơn 10.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Hầu hết diện tích đất đều có độ dốc lớn, việc canh tác và cải tạo đất gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hàng nghìn hộ dân trong việc phát triển kinh tế.