Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc mùa mưa bão
Hiện đang vào mùa mưa bão nên ảnh hưởng lớn đến sức khỏe đàn vật nuôi, vì vậy cần phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi trước và trong mùa mưa bão.
Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc mùa mưa bão. Ảnh: TTXVN
Theo bà Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khi thời tiết mưa, bão không những gây khan hiếm nguồn thức ăn mà còn dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm. Mặt khác khi mưa to có thể gây ngập úng cục bộ hoặc lụt trên diện rộng tạo cơ hội phát tán mầm bệnh.
Vì vậy, người chăn nuôi cần thường xuyên cập nhật bản tin dự báo thời tiết hàng ngày và tăng cường chăm sóc gia súc, gia cầm trong mùa mưa bão để tăng khả năng chống chịu các tác động bất lợi của thời tiết cùng sự đe dọa của dịch bệnh cho vật nuôi.
Cụ thể, bà con tu sửa và chằng chống lại chuồng trại; kiểm tra rèm che chắn đề phòng mưa tạt, gió lùa vào chuồng nuôi. Đảm bảo mật độ nuôi phù hợp với số lượng và đặc tính, lứa tuổi của đàn vật nuôi. Đối với những vùng có nguy cơ ngập lụt, cần tôn cao nền chuồng hoặc làm sàn kê cao và có phương án di dời vật nuôi khi ngập lụt.
Bên cạnh đó, dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm đủ về lượng và đảm bảo về chất (thức ăn xanh, phơi khô, ủ chua rơm rạ, cỏ khô, thân cây bắp đối với trâu, bò); Dự trữ thức ăn tinh và thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh đối với lợn, gia cầm. Tuyệt đối không cho vật nuôi ăn thức ăn tinh đã bị nấm mốc...
Khi nhiệt độ môi trường xuống thấp cần bổ sung thêm chất độn chuồng hoặc sưởi để giữ ấm cho vật nuôi.
Kiểm tra cống rãnh thoát nước, nếu bị tắc phải khơi thông ngay, không để nước mưa chảy ngược vào chuồng nuôi. Thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi.
Nước rút đến đâu thì vệ sinh ngay đến đó. Định kỳ 1 - 2 lần/ tuần phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột để tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi. Nên chọn những loại thuốc sát trùng có hoạt phổ rộng và có tác dụng diệt trùng nhanh, hoạt lực kéo dài, ổn định.
Đồng thời, tăng cường vệ sinh phòng bệnh cho vật nuôi, chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin cho vật nuôi trước mùa mưa bão. Thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi.
Khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở lợn, phải báo ngay cho thú y viên hoặc khuyến nông viên cơ sở để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh.
Theo Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trong mùa mưa bão cần được các hộ chăn nuôi tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục và cần được sự quan tâm của cộng đồng dân cư để đảm bảo an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm và giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi.
Related news
Cây hoa mười giờ sam là loài hoa cỏ dại được trồng phổ biến nhất bởi chính sự đơn giản trong khâu chăm sóc cũng như kỹ thuật trồng hoa mười giờ sam
Kỹ thuật trồng cây lan càng cua có thể áp dụng theo nhiều hình thức như trồng chậu để bàn, trồng treo cửa sổ hay cũng có thể trồng ngoài trời
Chàng thanh niên 25 tuổi Trần Duy Trung đã về quê xã Tân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) làm nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao.