Chủ Động Dập Dịch Lợn Tai Xanh Ở Thái Bình
Tỉnh Thái Bình đang tập trung chỉ đạo dập dịch lợn tai xanh tại 2 xã Vũ Hòa (huyện Kiến Xương) và Vũ Vân (huyện Vũ Thư). Hiện tình hình dịch bệnh tai xanh trên địa bàn 2 xã này bước đầu được khống chế, số lợn bị ốm cơ bản đã được chữa trị kịp thời và đang dần hồi phục.
Theo Chi cục Thú y tỉnh, dịch bệnh tai xanh tại Thái Bình được phát hiện trên đàn lợn của một số hộ chăn nuôi ở xã Vũ Hòa từ hơn một tuần nay. Dịch bệnh đã phát sinh ở 66 hộ chăn nuôi của 8 thôn tại 2 xã Vũ Hòa (huyện Kiến Xương) và Vũ Vân (huyện Vũ Thư) với tổng số lợn mắc bệnh là 144 con trong tổng đàn gần 500 con.
Ngay sau phát hiện dịch tai xanh trên đàn lợn tại 2 xã Vũ Hòa và Vũ Vân, tỉnh Thái Bình đã khẩn trương chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở cùng các hộ chăn nuôi có lợn bị bệnh tập trung khoanh vùng, thực hiện đồng bộ các biện pháp chống dịch. Huyện Kiến Xương đã lập 3 chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông liên xã và tiến hành tiêu hủy 3 con lợn thịt không rõ nguồn gốc vận chuyển từ địa phương khác vào xã. Xã Vũ Hòa cũng thành lập 2 tổ kiểm tra lưu động, yêu cầu các hộ chăn nuôi trong xã ký cam kết không bán chạy, không giết mổ lợn bệnh để tránh lây lan dịch; đồng thời sử dụng hàng trăm ki lô gam hóa chất, vôi bột để tiêu độc, khử trùng tại thôn có dịch và các thôn khác. Tại xã Vũ Vân đã triển khai tổ kiểm tra lưu động để kiểm soát vận chuyển, thu mua, giết mổ lợn trên địa bàn xã, khẩn trương thành lập các chốt kiểm dịch kiểm soát 24/24 giờ tại bến đò và các đầu mối giao thông ra vào xã...
Chi cục Thú y tỉnh đã tạm ứng 2.000 liều vắc xin phòng bệnh tai xanh (chủng JXA1 - R) để tiêm phòng dập dịch và cấp trên 250 kg hóa chất Benkocid cho Ban chỉ đạo Phòng chống dịch các địa phương để thực hiện khử trùng tiêu độc phòng chống dịch tai xanh tại 2 xã; đồng thời tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra giám sát công tác phòng, chống dịch, tập trung hướng dẫn, hỗ trợ điều trị bệnh tại cơ sở.
Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Thái Bình cho biết: do thực hiện đồng bộ kịp thời các biện pháp phòng chống dịch, nên đến nay dịch bệnh lợn tai xanh xảy ra trên địa bàn 2 xã trên bước đầu được khống chế. Đến ngày 10/4, các xã không phát sinh thêm lợn ốm mới, số lợn bị ốm ở 2 xã đã cơ bản được chữa trị kịp thời và đang dần hồi phục.
Để chủ động phòng chống, ngăn chặn dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh, dịch lở mồm long móng phát sinh và lây lan, tỉnh Thái Bình chỉ đạo các địa phương tổ chức tốt các đợt tiêm phòng cho gia súc, gia cầm; nhất là tiêm phòng các bệnh lở mồm long móng, tai xanh và cúm gia cầm; tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn; đồng thời, tổ chức lực lượng thường trực, bố trí sẵn nhân lực, vật tư, kinh phí để giám sát chặt chẽ dịch bệnh, chủ động ứng phó kịp thời với những diễn biến của các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Có thể bạn quan tâm
Trong 2 ngày 12 và 13/6, 4 hộ nuôi cá ở xã Xuân Yên (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) bị trắng tay vì cá trong hồ bỗng dưng chết hàng loạt mà chưa rõ nguyên nhân.
Tại ĐBSCL, nếu giai đoạn 2002 - 2005 có 25% số hộ nuôi bị thua lỗ thì trong 3 năm gần đây, tỷ lệ này lên đến gần 50%. Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất do ĐH Cần Thơ công bố.
Trong chăn nuôi, đặc biệt là heo và gia cầm, các tiến bộ khoa học kỹ thuật như con giống, dinh dưỡng, chăm sóc, quản lý có vai trò quan trọng trong việc nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Với gia cầm, ngoại trừ cúm H5N1, những yếu tố này đã giúp tạo sự phát triển ổn định những năm qua, đạt năng suất cao.