Chờ đợi 15 năm, trái bưởi Thái Lan mới vào được thị trường Mỹ
Tổng cục trưởng Nông nghiệp Thái Lan Phichead Wiriyaphaha cho biết lần đầu tiên sau 15 năm, Chính phủ Mỹ đã chấp thuận cho nhập khẩu trái bưởi tươi từ Thái Lan.
Thái Lan có hơn 30 giống bưởi, trong đó có nhiều giống đặc sản. Ảnh: The Nation
Theo ông Phichead, vào năm 2006 Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đã đề xuất với Mỹ kế hoạch xuất khẩu một số loại trái cây tươi, tuy nhiên lúc đó chính phủ Mỹ chỉ chấp thuận cho nhập khẩu bảy loại trái cây của nước này.
“Đó là các loại trái cây: xoài, măng cụt, chôm chôm, nhãn, vải thiều, dứa và thanh long. Mãi cho tới thời gian gần đây, trái bưởi của Thái Lan mới được thêm vào danh sách và đây sẽ là lần đầu tiên sau 15 năm, trái bưởi tươi Thái Lan sẽ thâm nhập vào thị trường Mỹ ”, ông Phichead nói.
Theo quy định của giới chức Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu bưởi đủ điều kiện phải đăng ký thủ tục và sản phẩm của họ phải được xử lý bức xạ để loại trừ mầm bệnh gây hại cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là ruồi đục quả.
Ngoài ra, các tiêu chí khác bao gồm vườn cây phải được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP (thực hành nông nghiệp tốt), trong khi cơ sở đóng gói cũng phải được chứng nhận theo tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt).
Thống kê Thái Lan có hơn 30 giống bưởi, nhưng giống bưởi gây được sự chú ý của người tiêu dùng Mỹ là giống hồng xiêm (Siamese Ruby) do tép thịt ngọt, có màu hồng đào và ít hạt. Kế đến là giống bưởi dưa chuột trắng (White Cucumber), có vỏ mỏng và thịt trắng, tép đầy đặn; và giống Thongdee, cũng có thịt màu hồng và nhiều nước. Ba giống bưởi đặc trưng này được trồng nhiều ở các tỉnh Nakhon Si Thammarat, Chai Nat và Nakhon Pathum.
Hiện bưởi của Thái Lan xuất khẩu đi 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Malaysia.
Năm 2021, quốc gia nhiệt đới Đông Nam Á này đã xuất khẩu 29.782 tấn bưởi, đạt trị giá khoảng 903 triệu bạt, tương đương khoảng 30 triệu USD.
Related news
Với đặc tính dễ chăm sóc, giá trị kinh tế cao, vú sữa hoàng kim đang trở thành cây trồng tiềm năng, mở ra triển vọng tăng thu nhập cho người dân địa phương...
Bằng cách thử nghiệm hệ thống chiếu sáng hiệu quả hơn, nông dân trồng rau củ quả trong các trang trại thẳng đứng đã tự tin đủ sức duy trì các vụ mùa mới.
Phân bón và chi phí đầu vào tăng khiến quyết định trồng ngô hay đậu tương đặc biệt khó khăn với những nông dân Mỹ muốn kiếm lợi nhuận tối đa trong mùa vụ này.