Prices / Tin nông nghiệp

Chiến lược quản lý tổng hợp bọ hà gây hại khoai lang ở Cu-ba

Chiến lược quản lý tổng hợp bọ hà gây hại khoai lang ở Cu-ba
Author: Thanh Huyền - Biên dịch theo FFTC
Publish date: Wednesday. December 13th, 2017

Bẫy Pheromones giới tính được sử dụng để phòng chống bọ hà hại khoai lang

Sự cần thiết phải có chiến lược quản lý dịch hại tổng hợp đối với bọ hà hại khoai lang:

Khoai lang là thực phẩm chính ở một số nước có thu nhập thấp trên thế giới. Khoai lang không chỉ đóng vai trò là thực phẩm cho con người và động vật mà còn giúp ngăn chặn sự xói mòn đất nhờ độ che phủ rất hiệu quả do tốc độ sinh trưởng phát triển nhanh của cây khoai lang.

Ở Cu-ba, khoai lang là một trong những thực phẩm quan trọng nhất với diện tích trồng mỗi năm khoảng 60.000 ha. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính hạn chế việc phát triển khoai lang là do côn trùng gây hại, đặc biệt là bọ hà khoai lang (Cylas formicarius).

Bọ hà khoai lang là loại côn trùng nguy hiểm nhất đe dọa đến sản xuất khoai lang trên toàn cầu. Chúng phân bố rộng rãi trên thế giới, phổ biến ở Bắc Mỹ, Ca-ri-bê, Châu Phi và Châu Á. Hầu hết các nghiên cứu về quản lý dịch hại tổng hợp đối với bọ hà khoai lang  tập trung ở phía Nam của Hoa Kỳ và ở Châu Á - nơi khoai lang được trồng chủ yếu.

Hiện, bọ hà có ở tất cả các vùng của Cu-ba, mức độ gậy hại của nó ước tính 40-50% sản lượng khoai lang. Do sự gây hại của bọ hà dẫn đến tổng diện tích trồng khoai lang ở các vùng giảm. Một số vùng đã phải chuyển đổi sang trồng một số cây trồng khác có giá trị cao hơn. Khoai lang chỉ còn đóng vai trò là thực phẩm ăn kiêng đối với một số người.

Trước đây ở Cu-ba, gần như tất cả các loại thuốc trừ sâu đều được nhập khẩu từ Liên bang Nga, có thời điểm thuốc trừ sâu rất sẵn có và được sử dụng thường xuyên cho tất cả các cây trồng. Đối với khoai lang, nông dân thường phun thuốc trừ sâu 10-12 lần mỗi vụ. Tuy nhiên, với lịch phun dày đặc, bọ hà khoai lang vẫn gây thiệt hại hơn 10%. Danh sách các loại thuốc trừ sâu cho khoai lang bao gồm cả các loại thuốc có thành phần chất độc như Dimethoate, Methamidophos và Dieldrin. Với việc cắt trợ cấp của Liên bang Nga về thuốc trừ sâu, nông dân Cu-ba phải đối mặt với thiệt hại về năng suất lên tới hơn 50% sản lượng. Khi thuốc trừ sâu trở nên khan hiếm và đắt đỏ và người ta chỉ sử dụng thuốc trừ sâu cho những cây trồng có giá trị cao.

Một số biện pháp quản lý tổng hợp hiệu quả đối với bọ hà khoai lang

Chọn giống có khả năng kháng bọ hà

Một số cách tiếp cận được sử dụng trong những năm qua là chọn các dòng kháng bọ hà. Một số nghiên cứu về vấn đề này được thực hiện ở Mỹ, Trung tâm Khoai tây Quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển rau Đông Nam Á,.. đã tìm ra một số dòng khoai lang kháng bọ hà. Số liệu nghiên cứu chỉ ra mức độ kháng bọ hà đối với một số dòng khoai lang, tuy nhiên mức độ kháng là quá thấp để chống lại mức độ gây hại cao của bọ hà.

Một số giống có bộ rễ phát triển sâu (INIVIT B-88 và Yabu-8) có thể giảm mức độ gây hại của bọ hà.

Sử dụng nấm để trừ bọ hà

Nấm Beauveria bassiana cũng được chứng minh rất hiệu quả trong việc trừ bọ hà bao gồm cả các con ấu trùng, con nhộng và con trưởng thành. Xưởng sản xuất nấm quy mô công nghiệp đã được xây dựng ở Cu-ba.

Công nghệ này với chi phí thấp, hiệu quả đã được nhiều nông dân chấp nhận. Sử dụng nấm để trừ bọ hà đã làm bớt đi sự lo lắng của người nông dân về chi phí cao cho thuốc trừ sâu hóa học. Ngoài ra, sử dụng nấm để diệt bọ hà còn an toàn cho sức khỏe của con người, động vật và bảo vệ môi trường.

Sử dụng bẫy pheromones giới tính

Theo Trung tâm Khoai tây Quốc tế, kinh nghiệm của người dân Cộng hòa Đô-mi-ních là sử dụng bẫy pheromones giới tính để nhử và loại bỏ các con bọ hà đực. Phương pháp này đã được chứng minh rất hiệu quả và được người dân vùng Ca-ri-bê sử dụng rộng rãi.

Bẫy Pheromones giới tính cũng được áp dụng ở Cu-ba. Khi bắt đầu dự án, hơn 120.000 bẫy được sử dụng mỗi năm (16 bẫy/ha). Tuy nhiên, mặc dù có tác dụng mạnh mẽ, các bẫy pheromones giới tính là mắt xích yếu nhất trong chiến lược quản lý bởi vì chúng phải nhập khẩu từ Hà Lan. Do hiện tại thiếu kinh phí nên việc nhập khẩu bẫy pheromones bị hạn chế, điều này ảnh hưởng đến tính bền vững và thành công của của dự án.

Sử dụng kiến trừ bọ hà khoai lang cũng là một biện pháp khác trong chiến dịch quản lý tổng hợp bọ hà hại khoai lang ở Cu-ba.

Có 2 loại kiến ăn thịt: Pheidole megacephala và Tetramorium guineense. Cả hai loại này đều phổ biến ở trong các vườn ươm chuối.

Trong thời gian sau trồng khoai lang 30 ngày, người ta sử dụng các lá chuối cuộn tròn như một ổ tạm thời để đưa bầy kiến từ vườn ươm chuối đến các cánh đồng khoai lang. Tại đây, các con kiến sẽ tìm các con bọ hà và các con côn trùng khác tiêu diệt. Với mật độ 60 - 110 ổ kiến/ha có thể ngăn bọ hà tràn vào gây hại ở mức thấp nhất 3-5%.

Luân canh cây trồng: Kết quả sau 2 năm luân canh khoai lang với khoai tây trắng cho thấy lượng sùng gây hại đã giảm rõ rệt.

Tưới nước

Ở Cu-ba, khoai lang được trồng trong mùa mưa. Tuy nhiên, cuối mùa khô đất có thể bị nứt nẻ là môi trường thuận lợi cho bọ hà khoai lang tràn vào phá hoại. Tưới nước được xem là biện pháp trừ bọ hà hiệu quả. Độ ẩm đất cần thiết cho nấm Entomopathogenic phát triển và nấm đóng vai trò chính trong việc giảm lượng bọ hà gây hại.

Hiện tại, một nửa diện tích trồng khoai lang ở Cu-ba được thực hiện theo chương trình quản lý dịch hại tổng hợp bằng việc sử dụng các vật liệu sẵn có của địa phương. Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp cho bọ hà khoai lang đã giảm đáng kể sự gây hại của bọ hà từ 45% xuống còn ít hơn 6%. Năng suất tăng từ 60 tấn/ha lên 150 tấn/ha. 


Related news

Sự thật về thông tin đốm xanh như mốc trên vỏ cam Việt Nam Sự thật về thông tin đốm xanh như mốc trên vỏ cam Việt Nam

Những quả cam trên vỏ còn lốm đốm xanh, trắng trông như bị phủ hoá chất khiến người tiêu dùng lo sợ không dám ăn

Wednesday. December 13th, 2017
Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng và phòng trị bệnh cho vật nuôi vụ xuân, hè Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng và phòng trị bệnh cho vật nuôi vụ xuân, hè

Tiết trời mùa xuân, chuẩn bị bước sang hè, thời tiết ấm dần lên, mưa phùn kéo dài, độ ẩm rất cao đã ảnh hưởng đến sức khỏe của các đàn vật nuôi

Wednesday. December 13th, 2017
Phòng chống bệnh lở mồm long móng cho vật nuôi Phòng chống bệnh lở mồm long móng cho vật nuôi

Bệnh lở mồm long móng (LMLM) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Phòng chống bệnh lở mồm long móng cho vật nuôi

Wednesday. December 13th, 2017