Chiến lược cho ngành Thủy sản
Ngành Thủy sản Quảng Ninh đang có những thay đổi hướng đến phát triển tập trung, bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước về chiến lược biển Việt Nam, chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, ngày 6/5/2014, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về phát triển kinh tế thủy sản Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, mặc dù trong điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn do thiên tai và biến động bất lợi của thị trường, nhưng sản xuất thủy sản của Quảng Ninh vẫn tăng trưởng với tốc độ khá cao. Đến hết năm 2018, giá trị sản xuất thủy sản đạt trên 10.727 tỷ đồng, tăng 2.391 tỷ đồng so với năm 2016, chiếm 53,5% trong cơ cấu toàn ngành nông nghiệp.
Để có được những kết quả đó, tỉnh Quảng Ninh đã thực sự quyết tâm thực hiện tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng phát triển bền vững, hoạch định phát triển nuôi những loài thủy sản chủ lực theo quy hoạch đã được phê duyệt, như: Tôm, nhuyễn thể, cá biển, cua, cá nước ngọt...
Điển hình trong tái cơ cấu ngành Thủy sản phải kể đến là nuôi tôm. Hiện trên địa bàn tỉnh có tổng diện tích nuôi tôm đạt trên 10.500ha, tăng 171ha so với năm 2016. Hình thức nuôi đã chuyển đổi từ quảng canh/quảng canh cải tiến sang thâm canh/bán thâm canh theo quy mô công nghiệp, từ đó, sản lượng các giống tôm nuôi cũng tăng theo từng năm. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, hiện năng suất nuôi tôm thẻ chân trắng trung bình đạt 2,8 tấn/ha, năng suất nuôi tôm sú đạt 0,23 tấn/ha; tổng sản lượng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đạt 13.193 tấn, là tỉnh đứng đầu các tỉnh phía Bắc về nuôi tôm.
Nuôi cá nước ngọt tại Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh.
Cùng với nuôi tôm, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương tăng quy mô vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung. Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành nên vùng nuôi nhuyễn thể tập trung 3.700ha; vùng nuôi cá song 715ha; vùng nuôi ghẹ 35ha; vùng nuôi cua kết hợp cá, tôm 5.338ha; nuôi thủy sản nước ngọt 1.450ha.
Nhằm đáp ứng nguồn giống có chất lượng cho người nuôi, nhiều tổ chức đã dành nguồn lực đầu tư, hình thành nên 18 cơ sở sản xuất giống tập trung, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu về giống, như: Doanh nghiệp tư nhân Phương Anh (Móng Cái), Công ty TNHH Thủy sản Minh Hàn (Quảng Yên), Công ty CP Thủy sản Tân An (Quảng Yên).
Đặc biệt, tỉnh đã thu hút Tập đoàn Việt - Úc đầu tư khu sản xuất giống tôm và nuôi tôm thương phẩm công nghệ siêu thâm canh. Đến nay đã có 14 trại giống được xây dựng, đưa vào hoạt động tại Đầm Hà, cung cấp ra thị trường 200 triệu con tôm giống thẻ chân trắng. Chủ yếu cung cấp cho các tỉnh: Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định, trong đó ưu tiên cho địa bàn Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh, cho biết: Công nghệ sản xuất tôm giống của Tập đoàn hiện nay là công nghệ tiên tiến, hàng đầu thế giới. Theo kế hoạch, trong năm 2019, Công ty sản xuất khoảng 500 triệu con tôm giống cung cấp ra thị trường; đồng thời sẽ xây dựng thêm 7 trại giống, mỗi trại sản xuất từ 12-14 triệu con tôm giống trong vòng 20 ngày.
Đội tàu khai thác, đánh bắt cá xa bờ huyện Vân Đồn.
Bên cạnh công tác nuôi trồng thủy sản, tỉnh Quảng Ninh cũng đã tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, sản xuất trên biển; cơ cấu lại đội tàu khai thác thủy sản theo hướng tăng số lượng tàu xa bờ, giảm tàu gần bờ. Toàn tỉnh hiện có 694 tàu khai thác thủy sản có công suất từ 90 CV trở lên hoạt động xa bờ, tăng 256 chiếc so với năm 2016. Đội tàu khai thác, đánh bắt xa bờ đã đóng góp gần 50% tổng sản lượng thủy sản của cả tỉnh trong năm 2018 (năm 2018, tổng sản lượng thủy sản tỉnh Quảng Ninh đạt 124.326 tấn).
Cùng với đó, hạ tầng khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá được Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư. Quảng Ninh đang có 8 khu neo đậu tránh trú bão trong quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, với tổng kinh phí trên 411 tỷ đồng. Đến nay, đã có 2 dự án đưa vào hoạt động, 5 dự án đang được tích cực triển khai.
Song song với nuôi trồng, đánh bắt, Quảng Ninh đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 1/9/2017 về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017-2020.
Theo đó, đến nay đã tổ chức thả tái tạo trên 3,4 triệu con tôm giống, cá các loại về môi trường tự nhiên; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử phạt 2.603 vụ việc khai thác, đánh bắt thủy sản trái phép, tận diệt, tịch thu nhiều tang vật và thu nộp cho ngân sách nhà nước 9,4 tỷ đồng.
Được biết tới đây, Tỉnh ủy sẽ ban hành Nghị quyết mới về phát triển ngành thủy sản Quảng Ninh, qua đó, tiếp đà cho ngành thủy sản Quảng Ninh phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Related news
Anh Phí Văn Hạnh ở xã Nam Trung, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình sau nhiều năm xa quê, đã quyết tâm trở về cùng gia đình đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản.
Nhằm chuyển dịch khai thác thủy sản theo hướng tăng khai thác xa bờ, tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực tiến tới giảm nghề lưới kéo xuống còn 25%.
Sản phẩm “Hệ thống hỗ trợ ao nuôi thủy sản thông minh” của em Châu Thế Khanh và Lý Minh Mẫn, học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu, huyện Châu Thành A