Giá / Tin nông nghiệp

Chỉ cần giữ 3 triệu ha đất lúa

Chỉ cần giữ 3 triệu ha đất lúa
Tác giả: Ngọc Lê - Thiên Hương
Ngày đăng: 29/12/2016

Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp ngày 26.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với chủ trương giảm từ 500.000 - 800.000ha đất lúa, tức có thể giảm chỉ còn 3 triệu ha so với nghị quyết trước đây của Quốc hội là phải giữ 3,812 triệu ha. Theo Bộ NNPTNT, việc giảm diện tích này vẫn đảm bảo được an ninh lương thực mà không ảnh hưởng đến diện tích sản xuất đất nông nghiệp.

Trong ảnh: Nông dân xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) trồng dưa hấu thu lợi nhuận gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Ảnh: Inernet

3 triệu ha trồng lúa vẫn đủ gạo cho 30 năm tới

Cách đây không lâu, trước tình trạng nông dân một số địa phương bỏ ruộng, hoặc xin trả lại ruộng gây nhức nhối dư luận, ông Hồ Xuân Hùng – Chủ tịch Tổng hội NNPTNT Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra rằng, việc nông dân xin trả lại ruộng là việc cực chẳng đã, mà nguyên nhân chính là do trồng lúa cho thu nhập quá thấp, rủi ro cao. Để giải quyết việc này, chúng ta phải chủ động giảm diện tích đất lúa. Thực tế cũng cho thấy, mặc dù nghị quyết của Chính phủ quy hoạch giành 3,81 triệu ha đất lúa, song ở nhiều địa phương bà con đã tự chuyển đổi, bỏ trồng lúa để chuyển sang trồng rau, hoa hoặc nuôi trồng thủy sản.

Ông Hùng phân tích: “Việc xuất khẩu lúa gạo hiện nay đang tụt lùi, chỉ có lợi cho một bộ phận doanh nghiệp chứ nông dân không hề được hưởng lợi, Nhà nước cũng chỉ thu được ngoại tệ, còn tiền thuế không đáng kể. Do đó, chúng ta chỉ làm lúa đảm bảo đủ ăn và dự trữ chứ không đặt mục tiêu xuất khẩu càng nhiều càng tốt. Việc gì có hiệu quả kinh tế thì chúng ta khuyến khích sản xuất, việc gì không có lợi cho dân thì không làm”.

Theo tính toán, để đủ ăn, chỉ cần 200 – 250kg lúa/người (bình quân hiện nay là 350 – 400kg/người), với dân số hiện nay chúng ta cần 25 triệu tấn lúa, cộng với 5 triệu tấn dự trữ đề phòng bất trắc. Như vậy, với năng suất lúa bình quân 2 – 2,5 tạ/sào, mỗi năm bà con chỉ cần gieo trồng 2,5 triệu ha lúa 2 vụ.

Bên lề hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp năm 2016 tổ chức ngày 26.12, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong định hướng tái cơ cấu nông nghiệp sắp tới, một nội dung quan trọng mà Bộ NNPTNT sẽ tập trung đề xuất là chỉ cần giữ lại diện tích đất chuyên để sản xuất lúa là 3 triệu ha, thay vì 3,812 triệu ha như nghị quyết của Chính phủ.

“Theo tính toán của chúng tôi, với diện tích trên, Việt Nam vẫn đảm bảo được vấn đề an ninh lương thực trong vòng 30 năm tới cho 100 triệu người dân. Lý do là hiện khẩu phần ăn của người dân đã có sự thay đổi theo hướng ngày càng sử dụng ít lúa gạo. Hơn nữa, trên thị trường thế giới cũng có sự thay đổi, với sự gia tăng nguồn cung lúa gạo, trong khi nhu cầu lại giảm. Hiện tổng lượng gạo tiêu thụ hàng năm trên thế giới là 35 triệu tấn, nếu trước đây chỉ có Việt Nam và Thái Lan tham gia thị trường xuất khẩu gạo, thì hiện đã có thêm nhiều nước xuất khẩu gạo, chưa kể các nước nhập khẩu gạo cũng đang tiến tới việc tự chủ động cung cấp gạo cho nước họ” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Chủ trương đã có, chuyển đổi thế nào?

“Bên cạnh việc chuyển đổi một phần đất lúa sang cây trồng khác, chính sách đất đai hiện nay cần phải được hoàn thiện thêm một bước nữa theo hướng nới rộng quy định về hạn điền. Tích tụ ruộng đất phải được xem là một hành động hợp quy và hợp pháp. Hiện nay đã có chủ trương điều chỉnh theo hướng này và hy vọng sớm được thực hiện”. GS Nguyễn Lân Dũng

Trong bài viết gửi Báo Nông Thôn Ngày Nay mới đây, GS Nguyễn Lân Dũng cũng nêu ý kiến không nên buộc nông dân trồng lúa quá nhiều bởi cần thay đổi tư duy, vì nước nhập khẩu gạo sẽ không cần trồng lúa mà họ yên tâm làm giàu nhờ sản xuất các sản phẩm giá trị hơn lúa. “Chúng ta biết rằng với 7,753 triệu ha trồng lúa hiện nay (2 vụ/năm), Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới và nếu giữ được sản lượng 7,72 triệu tấn lúa thì ta vẫn đứng thứ nhì so với các nước trồng lúa nước trên thế giới” – GS Nguyễn Lân Dũng cho hay.

Theo thông tin từ Bộ NNPTNT, năm vừa qua xuất khẩu gạo nước ta có nhiều biến động, theo đó lúa gạo từ chỗ xuất khẩu được 2,4 tỷ USD năm 2015 đã giảm chỉ còn 1,9 tỷ USD, ngược lại rau quả lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ, từ 1,9 tỷ USD lên 2,4 tỷ USD (tức tăng tới 31,2%).

“Trước thực tế trên, Chính phủ đã đồng ý cho phép chuyển đổi từ 600.000 - 800.000ha trồng lúa sang trồng các cây khác, nhưng vẫn đảm bảo giữ đúng mục đích sử dụng là đất nông nghiệp. Đây chính là vấn đề trọng tâm của ngành nông nghiệp cần phải tập trung tái cơ cấu trong thời gian tới” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Câu hỏi đặt ra với nhiều địa phương hiện nay là chuyển đổi như thế nào? Về vấn đề này, ông Hồ Xuân Hùng cho rằng, trong 10 năm tới, mỗi năm chuyển khoảng 150.000 - 200.000ha đất lúa sang trồng cây khác, và phải đảm bảo 3 điều kiện: Trồng loại cây cho thu nhập nhiều hơn lúa, điều này đòi hỏi phải thực hiện thí điểm, đánh giá cụ thể; hai là phải chọn loại cây phù hợp với đất đai, khí hậu của nơi đó; ba là phải có thị trường.

“Tôi cho rằng, trước hết nên chuyển sang cây ngô, bởi đây là loại cây lương thực giàu dinh dưỡng, có thể trồng để làm thức ăn chăn nuôi, có thể trồng ngô rau (ngô bao tử), ngô ăn tươi... Hiện, 1ha ngô lấy hạt cho năng suất 7-8 tấn/vụ, chỉ cần trồng 1 vụ ngô thu nhập đã bằng 2 vụ lúa. Thị trường thế giới thì lúc nào cũng thiếu ngô nên chúng ta không có gì phải lo ngại” – ông Hùng nói. /.


Có thể bạn quan tâm

Canh tác cà phê đúng cách để tăng thu nhập Canh tác cà phê đúng cách để tăng thu nhập

"Một số giải pháp thâm canh cà phê hợp lý để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững" do Trung tâm Khuyến nông quốc gia ngày 26.12 tại huyện Cư M’gar (Đăk Lăk)

29/12/2016
Rau hữu cơ Rau hữu cơ "5 không" tại Sóc Sơn, Hà Nội được trồng thế nào?

Việc tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc trong trồng rau hữu cơ giúp bà con xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội tạo ra những lứa rau sạch đạt chất lượng

29/12/2016
Rau nhíp - đặc sản núi rừng làm giàu cho người S’tiêng Rau nhíp - đặc sản núi rừng làm giàu cho người S’tiêng

Rau nhíp là đặc sản của núi rừng, của đồng bào S’tiêng, là thực phẩm được xem như không thể thiểu trong các ngày lễ, hội. Gần đây loại rau này trở nên đắt hàng

29/12/2016