Prices / Trồng lúa

Cháy bìa lá đuôi lươn - bệnh vi khuẩn gây hại trên lúa

Cháy bìa lá đuôi lươn - bệnh vi khuẩn gây hại trên lúa
Author: KS. Lê Trần Hoàng Vũ
Publish date: Monday. October 28th, 2019

Một biểu hiện mới của bệnh cháy bìa lá lúa do vi khuẩn Xanhthomonas Oryzae gây ra mà theo cách gọi của nhà nông là bệnh cháy bìa lá “đuôi lươn”.

Cháy bìa lá “đuôi lươn”, bệnh phát sinh từ bên trong rồi lan ra hai mép lá, vết bệnh khô làm lá xoe tròn như đuôi con lươn.

Sau đợt cao điểm mưa bão vừa qua, các trà lúa giai đoạn đòng trổ ở miền Tây đang bị nhiễm bệnh cháy bìa lá rất nặng. Bệnh này phát sinh chủ yếu do gió bão làm các lá lúa khua vào nhau gây vết thương tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào mạch nhựa của cây và gây bệnh.

Thông thường thì bệnh cháy bìa lá sẽ phát sinh từ mép lá, vết bệnh ban đầu mỏng như sợi chỉ, rồi lan dần từ phía bìa lá vào trong, khi vết bệnh khô sẽ có màu bạc như nền sân “xi-măng” mới tráng, nhà nông hay gọi là bệnh “bạc lá”. Các giống lúa thơm như OM 5451, Đài Thơm 8, OM 4900… có xu hướng nhiễm bệnh nặng hơn và các chân ruộng bón thừa phân đạm sẽ dễ mẫn cảm với loại bệnh này.

Thực tế hiện nay, bệnh cháy bìa lá có biểu hiện khác lạ. Bệnh phát sinh từ phần thịt lá ở gần chóp lá rồi mới lan ngược trở ra hướng bìa lá, khi vết bệnh khô lại làm lá lúa quấn tròn như cái đuôi của con lươn, nhà nông gọi là bệnh “cháy bìa lá đuôi lươn”.

Bệnh bùng phát khá nhanh nhờ lây lan theo nước. Khi thăm đồng vào buổi sáng sớm lúc lá lúa còn đọng sương, quan sát có rất nhiều giọt dung dịch vi khuẩn tiết ra từ vết bệnh, đây là một trong những nguồn lây lan chính của bệnh cháy bìa lá “đuôi lươn”.

Nhà nông Huỳnh Văn Phương ở Vị Thủy - Hậu Giang cho biết, rất khó quản lý đối tượng này. Bệnh làm lá lúa quấn tròn như đuôi lươn nên phun thuốc khó trúng vết bệnh, vì vậy bệnh lâu hết, phải phun lặp lại 2 - 3 lần.

Nhà nông Huỳnh Hữu Đức ở Tân Hiệp - Kiên Giang chia sẻ: “Chúng tôi hay tranh thủ phun thuốc buổi sáng vì sợ buổi chiều hay có mưa làm trôi thuốc nhưng càng phun thì bệnh càng lan ra nặng thêm, vài ngày sau cháy hết ruộng”.

Giọt dung dịch vi khuẩn trên lá, đây là nguồn lây lan của bệnh từ lá này qua lá khác, thậm chí cả ruộng lúa.

Qua nghiên cứu các tài liệu khoa học của PGS.TS Phạm Văn Kim, Trường Đại học Cần Thơ thì vi khuẩn gây bệnh cháy bìa lá chúng có đuôi nên sống được trong môi trường nước và cũng lây lan theo nước. Vì vậy, để quản lý đối tượng này bên cạnh việc bón phân cân đối và chọn đúng thuốc đặc trị thì bà con cần tuân thủ 3 nguyên tắc sau đây:

Trước khi phun thuốc: Cần thay mới nước ruộng do nguồn nước nội tại trong ruộng có chứa vi khuẩn, nếu sử dụng nước cũ thì vừa làm giảm hoạt tính của thuốc vừa làm lây lan vi khuẩn từ nước ruộng lên lá lúa.

Trong khi phun thuốc: Nên phun vào buổi chiều, nếu phun buổi sáng thì phải đợi lá lúa khô sương. Phun xịt lúc lá lúa còn ướt thì giọt khuẩn sẽ dính vào quần áo hoặc dụng cụ phun xịt và lây lan bệnh theo lối phun, thậm chí cả ruộng.

Sau khi phun thuốc: Cần tháo bỏ hết nước trong ruộng để chân ruộng khô ráo thì vết bệnh sẽ mau khô.

Kinh nghiệm quản lý bệnh cháy bìa lá “đuôi lươn”, khi phun xịt bà con có thể kết hợp thêm các chất bỗ trợ có tác dụng bám dính, thấm sâu để dẫn thuốc vào bên trong phần lá bị quấn nhằm tăng cường khả năng quản lý bệnh, giúp chặn đứng bệnh thật nhanh. 

Ở giai đoạn trổ chín, lá lúa được ví như nhà máy tổng hợp các vật chất khô đưa vào hạt lúa góp phần giúp bông lúa vào chắc tới cậy. Bài viết hi vọng sẽ giúp bà con có thêm thông tin mới trong việc quản lý bệnh vi khuẩn cháy bìa lá “đuôi lươn”, bảo vệ lá lúa sạch bệnh, giúp bông lúa được vào chắc tốt, năng suất cao.

Bệnh cháy bìa lá do vi khuẩn Xanhthomonas Oryzae pv. Oryzae gây ra. Vi khuẩn có một rọi nên lội rất tốt trong nước.

Vi khuẩn gây bệnh cháy bìa lá lây lan theo nước. Nước mưa làm bắn văng vi khuẩn sang các lá lúa lân cận và lây lan ra chung quanh. Người lội vào ruộng khi lá lúa ướt nước hoặc ướt sương sẽ làm lây lan bệnh theo đường lội trong ruộng do vi khuẩn dính theo quần áo được tray lên lá lúa theo lối đi. Ngoài ra, nước mưa còn lôi vi khuẩn xuống nước ruộng và lây lan bệnh cho các bụi lúa khác trong ruộng.

(Nguồn sách: “CÁC BỆNH HẠI LÚA QUAN TRỌNG Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG” - PGS.TS Phạm Văn Kim, Trường Đại học Cần Thơ).


Related news

Lúa đông xuân 2019- 2020, dự kiến giảm 55.486 ha để né hạn mặn Lúa đông xuân 2019- 2020, dự kiến giảm 55.486 ha để né hạn mặn

Trước tình hình phức tạp của thời tiết, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đưa ra 2 phương án cho vụ lúa đông xuân 2019-2020.

Monday. October 28th, 2019
Yêu cầu về kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ Yêu cầu về kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ

Lúa hữu cơ sản xuất bắt đầu từ việc sử dụng giống lúa chất lượng cao và hạt giống thuần, không sử dụng giống biến đổi gen (GMO)

Monday. October 28th, 2019
Lúa Dibar 10373 năng suất cao Lúa Dibar 10373 năng suất cao

Diễn biến thời tiết trong vụ sản xuất hè thu tương đối phức tạp, thuận lợi cho sâu bệnh hại phát triển, nhưng giống lúa Dibar 10377 sinh trưởng, phát triển tốt.

Monday. October 28th, 2019