Prices / Tin thủy sản

Châu Á: Hấp dẫn thủy sản Việt

Châu Á: Hấp dẫn thủy sản Việt
Author: Nguyễn Anh
Publish date: Saturday. September 30th, 2017

Trước đây dăm năm, việc đề xuất mở rộng tiêu thụ thủy sản tại khu vực châu Á chỉ được xem là một phần “tăng thêm” của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, thì tình hình giờ đây đã có nhiều thay đổi.

Tại nhiều hội chợ, thủy sản Việt Nam được du khách nước ngoài quan tâm   Ảnh: Hoàng Châu

Không chỉ còn là giải pháp

Tại Hội thảo “Nhu cầu tôm thế giới và khả năng cung cấp của Việt Nam” do  VASEP tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vừa qua, các chuyên gia quốc tế đều cho rằng châu Á là một nơi tập trung rất đông dân số, các thành phố lớn và những vùng miền núi cao đều có nhu cầu tiêu thụ thủy, hải sản ngày càng tăng. Cũng theo thống kê của VASEP, xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN... đều có sự tăng trưởng rất lạc quan trong thời gian gần đây. Trong 7 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc tăng gần 40% so cùng kỳ năm ngoái; sang Nhật Bản tăng 35,2%; Hàn Quốc tăng 27,4%...

Một trong những nguyên nhân lý giải việc tăng trưởng tiêu thụ thủy, hải sản là do kinh tế châu Á phục hồi nhanh, đời sống người dân được cải thiện, quá trình đô thị hóa phát triển mạnh khiến các vùng nông thôn có thể tiếp cận nhiều sản vật từ vùng biển và từ các nước lân cận. Ngoài ra, hệ thống giao thông thủy, bộ và bến cảng, kho lạnh của các nước khu vực châu Á cũng được cải thiện rất nhiều, giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Thay đổi “chóng mặt”

Tuy vậy, việc tăng trưởng cực kỳ nhanh chóng của thị trường châu Á cũng khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên và vượt mọi dự báo trước đó. Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản đạt 383,8 triệu USD, Trung Quốc 295,7 triệu USD, Hàn Quốc 187,8 triệu USD, chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Châu Á nhiều năm qua là khu vực xuất khẩu thủy hải sản, song giờ đây chính khu vực này đang rơi vào tình trạng phải nhập nhóm sản phẩm này. Theo TS Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, sản lượng tôm nuôi thế giới đạt mức kỷ lục 4,1 triệu tấn là vào năm 2011; nhưng từ đó đến nay, sản lượng chưa bao giờ đạt được mức này, do tình hình dịch bệnh. Trong khi, nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản tính theo đầu người hàng năm đều tăng mạnh. Điều đó lý giải vì sao rất nhiều nước ở châu Á rơi vào tình trạng khan hiếm nguyên liệu và nhập khẩu thủy hải sản. Các chuyên gia cũng đánh giá xu hướng mua thủy sản qua mạng cũng đang tăng lên. Các tập đoàn bán lẻ qua mạng với giá rẻ hơn các siêu thị đang rất hút khách, đặc biệt là tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc… nơi mà người dùng internet phổ biến.

Năm 2016, Trung Quốc nhập khẩu gần 33.500 tấn cá tra Việt Nam, Thái Lan nhập khẩu 24.800 tấn (tăng 20% so năm 2015), Singapore 17.600 tấn. Nhật Bản và Ấn Độ là các thị trường châu Á khác cũng có tăng trưởng mạnh. Năm 2016, nhập khẩu cá tra fillet đông lạnh vào Nhật Bản tăng 55% (4.100 tấn), Ấn Độ tăng 16% (4.700 tấn).

Cảnh báo về chất lượng

Xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Á được xem có nhiều lợi thế; song, rất nhiều người cho rằng, tiêu thụ tại thị trường này cũng khá nhiều rủi ro. Chẳng hạn, thị trường Trung Quốc, sản lượng cung ứng nội địa chỉ có thể tăng 4%/năm, trong khi  nhu cầu tăng tới 14%/năm, dẫn đến khan hiếm tôm nguyên liệu. Do vậy, việc các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc khá thuận lợi.

Nhưng khác với các thị trường cao cấp như Mỹ, EU, Nhật Bản… thị trường Trung Quốc không có yêu cầu khắt khe về chất lượng. Nếu các doanh nghiệp và trang trại chỉ chạy theo số lượng, thị “thương mại hóa” quá nhiều mà không quan tâm đến chất lượng, rất có thể sẽ ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng khi xuất khẩu sang các thị trường khác bên ngoài châu Á. Tại Thái Lan, các thương lái Trung Quốc cũng đến tận hồ nuôi và thuê nhiều cơ sở sơ chế nhỏ đóng gói dạng bỏ đầu nguyên vỏ (HLSO) thành từng lô và vận chuyển về Trung Quốc bán. Hiệp hội Thủy sản Thái Lan cũng lên tiếng lo ngại về việc thiếu hụt tôm nguyên liệu xuất khẩu sang Mỹ và lo ngại về uy tín thương hiệu của họ trước tình hình thu gom tôm của thương lái Trung Quốc.

Các chuyên gia thế giới đều nhận định giá tôm được dự báo tăng cho đến ít nhất giữa năm 2018, song việc thiếu tôm nguyên liệu sẽ còn diễn biến phức tạp do dịch bệnh xuất hiện ở một số vùng nuôi như Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ. Đây cũng là một cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh thị trường châu Á. 

>> Ông Carson Roper, Giám đốc phát triển kinh doanh quốc tế - Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA): Để khai thác hiệu quả thị trường châu Á, các doanh nghiệp Việt cần xem xét việc xây dựng chuỗi cung ứng, hệ thống bảo quản lạnh ở khu vực này. Nếu không có cơ sở hạ tầng ở đây thì doanh nghiệp Việt rất khó cạnh tranh với các đối thủ.


Related news

Sử dụng thức ăn tươi trong nuôi trồng thủy sản: Những hệ lụy Sử dụng thức ăn tươi trong nuôi trồng thủy sản: Những hệ lụy

Thời gian gần đây, thức ăn tươi phục vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa khan hiếm, giá tăng cao khiến chi phí đầu tư nuôi cá, tôm

Saturday. September 30th, 2017
Sản xuất thành công giống cá khế vằn: Góp phần đa dạng đối tượng nuôi Sản xuất thành công giống cá khế vằn: Góp phần đa dạng đối tượng nuôi

Sản xuất thành công giống nhân tạo cá khế vằn (còn gọi cá bè đưng hoặc cá bè vàng) của kỹ sư Lê Thị Như Phượng đã góp phần làm đa đạng đối tượng thủy sản

Saturday. September 30th, 2017
Nuôi tôm giữ môi trường Nuôi tôm giữ môi trường

Thực trạng môi trường bị ô nhiễm ngày càng nặng nề trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang đặt ra cho việc nuôi tôm ở ĐBSCL, để phát triển bền vững

Saturday. September 30th, 2017