Prices / Mô hình kinh tế

Chàng trai Hải Dương 40 tuổi sở hữu 70 mẫu ruộng, lãi 1 tỷ đồng/năm

Chàng trai Hải Dương 40 tuổi sở hữu 70 mẫu ruộng, lãi 1 tỷ đồng/năm
Author: Đức Thịnh
Publish date: Monday. May 15th, 2017

Trong khi nhiều nông dân chán ruộng vì cho rằng trồng lúa thu nhập thấp thì anh Cao Văn Lâm, sinh năm 1977, ở xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện (Hải Dương) lại tập trung ruộng đất cấy lúa và có lãi tiền tỷ mỗi năm.

Năm 2017 này là năm thứ 5, anh Lâm gắn bó với ruộng đồng. Hiện, anh Lâm đang cấy 70 mẫu lúa.

Do có kinh nghiệm gieo mạ khay, bà con thường đặt anh Lâm trọn gói gieo mạ khay và cấy máy thuê 250.000 đồng/sào, trong đó tiền cấy máy là 120.000 đồng/sào và 130.000 đồng/sào là tiền mạ khay. 

Trò chuyện với phóng viên Dân Việt, anh Lâm vui vẻ nói: “Ai cũng bảo làm nông, nhất là trồng lúa thì chỉ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, vất vả mà thu nhập lại thấp. Tôi thì lại suy nghĩ khác. Nếu biết sử dụng đất hợp lý, làm nông nghiệp cũng ra tiền đấy chứ”.

Việc gieo và vận chuyển mạ khay từ dưới chân nền ruộng được anh Lâm tiến hành khá nhịp nhàng và bài bản. Do chân nền ruộng nhão, công nhân sẽ lót các tấm ván và dùng xe rùa vận chuyển các khay mạ lên trên bờ.

Năm 2013, thấy bà con bỏ ruộng nhiều, anh Lâm bèn thuê tập trung ruộng đất cấy lúa đến nay. Theo anh Lâm, người trồng lúa đang hòa hoặc lỗ vì phụ thuộc quá nhiều vào công lao động chân tay nên muốn hiệu quả nhất định phải áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Để tăng năng suất vận chuyển, anh Lâm đã tự thiết kế ra khung xếp mạ khay khá gọn gàng, xếp được nhiều khay mạ mà đảm bảo không bị hỏng, hay đổ vỡ, dập, nát.

Đến nay, anh Lâm từng bước đầu tư 2 máy làm đất, 3 máy cấy, máy phun thuốc, 1 máy gặt đập liên hoàn. Vụ chiêm xuân này, anh Lâm cấy 60 mẫu giống lúa Bắc thơm số 7 và 10 mẫu lúa nếp. Đáng nói, nhờ có máy cấy, không chỉ chủ động cấy đúng thời vụ cho diện tích lúa của nhà, anh Lâm còn tranh thủ đi cấy thuê được cho bà con.

Sau khi vận chuyển mạ khay lên bờ, công nhân thoăn thoắt đặt mạ khay vào khung cố định.

Anh Lâm bảo: “Lúc đầu, tôi tiến hành cấy máy, cả dân làng đổ ra xem phần vì tò mò. Thấy cấy máy mật độ cây lúa rất thưa (hàng cách hàng 30 cm, cây cách cây 12 cm, trong khi đó bà con hay cấy dày hơn) đã có không ít lời bàn tán, chê bai. Vụ đó bà con cấy dày hỏng ăn, còn mình tôi cấy máy, cấy thưa thóc chất đầy kho”.

Trải nghiệm thực tế thấy cấy máy bằng mạ khay giúp cây lúa khỏe, cứng ít bị đổ, tiết kiệm được hạt giống nên đến những vụ sau bà con kéo đến nhà anh nườm nượp xin cấy máy.

“Trước đây, riêng tiền công cấy thủ công 200.000 đồng/sào, bà con thuê người còn khó nhưng tôi cấy máy thuê chỉ lấy 120.000 đồng/sào và 130.000 đồng/sào tiền mạ khay mà đảm bảo cây mạ sinh trưởng tốt. Trung bình mỗi vụ, tôi thường cấy thuê cho bà con 350 mẫu, 2 vụ lúa/năm. Còn đến vụ gặt, do có 1 máy gặt tôi thường gặt của nhà mình xong mới đi gặt thuê cho bà con nên diện tích gặt thuê không đáng kể. Nhờ cấy thuê và gặt thuê, mỗi năm gia đình tôi có khoản lãi hơn 400 triệu đồng”.

Quay trở lại với câu chuyện tập trung ruộng đất, làm đại điền, bấm đốt ngón tay, anh Lâm tính cho phóng viên Dân Việt nghe: “Đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất sẽ tiết kiệm được 10% tiền thuê chi phí nhân công; diện tích ruộng rộng lớn, giá trị sản phẩm hàng hóa làm ra sẽ cao hơn 3% so với diện tích manh mún, nhỏ lẻ. Ngoài ra tùy theo khả năng tính toán của mỗi người sẽ cho thu lãi thêm từ 5 – 10% nữa”.

Theo anh Lâm, khác với giá lợn, giá gà, vịt liên tục biến động và lên xuống thất thường thì giá thóc những năm gần đây khá ổn định, thị trường tiêu thụ dễ dàng. Vào vụ thu hoạch, anh Lâm có 2 cách bán thóc là: Bán tươi tại ruộng hoặc phơi qua 1 nắng rồi bán. Tuy nhiên, anh Lâm cho biết, tập trung được diện tích trồng lúa lớn, nhưng anh vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm, kênh tiêu thụ chính vẫn là các thương lái, giá trị hàng hóa vẫn còn thấp so với công sức bỏ ra.

“Tôi đang ấp ủ ý tưởng xây dựng thương hiệu lúa hữu cơ. Vụ chiêm này, tôi đã thử nghiệm 2 mẫu lúa Bắc thơm số 7 không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thấy kết quả khá khả quan. Tiến tới, vụ mùa tới đây tôi sẽ thử nghiệm tiếp 7 mẫu lúa không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và cả phân bón hóa học, tiến tới trồng lúa hữu cơ. Sở dĩ, tôi quyết định trồng lúa hữu cơ là bởi, trong quá trình trồng lúa tôi thấy nếu áp dụng đồng bộ cơ giới hóa và nắm chắc kỹ thuật canh tác thì đã có thể hạn chế sâu bệnh gây hại trên lúa đến trên 70%”, anh Lâm thổ lộ.

“Tùy theo thời tiết, mỗi sào lúa BắcThơm cho năng suất từ 1,7 – 2 tạ/sào. Nói chung, mỗi sào lúa, trừ hết chi phí tôi cũng còn thu lãi được từ 500.000 – 1 triệu đồng/sào. Với việc cấy 70 mẫu lúa và đi cấy thuê, gặt thuê, trừ hết chi phí tôi thu lãi cả tỷ đồng/năm”. Anh Cao Văn Lâm.


Related news

Nuôi bò sữa nông hộ mang lại thu nhập hàng trăm triệu/năm Nuôi bò sữa nông hộ mang lại thu nhập hàng trăm triệu/năm

Bò sữa nguồn gốc Moncada (Cuba) được nông dân nhiều xã tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) nuôi thử nghiệm từ 12 năm trước

Monday. May 15th, 2017
Tận dụng cây nho già làm cảnh, doanh thu đạt 2 tỷ đồng/năm Tận dụng cây nho già làm cảnh, doanh thu đạt 2 tỷ đồng/năm

Ông Nguyễn Trường Lang phường Mỹ Hải (Ninh Thuận) có doanh thu bình quân từ 1,5-2 tỷ đồng/năm từ nghề ươm nho giống, trồng nho cảnh độc đáo.

Monday. May 15th, 2017
Đếm đủ 3 triệu đồng/ngày nhờ trồng cà chua lạ, ngon, bổ, rẻ Đếm đủ 3 triệu đồng/ngày nhờ trồng cà chua lạ, ngon, bổ, rẻ

Ông Mai Thành Nhã (48 tuổi) ở thôn Đại Nga 1 đã đi học hỏi từ những mô hình ở trong tỉnh, nhận thấy mô hình làm nhà kính trồng rau, hoa, quả đem lại hiệu quả

Monday. May 15th, 2017